Anh: Giáo dục đại học trước nguy cơ “tụt dốc” niềm tin

GD&TĐ - Cơ quan quản lý cảnh báo, niềm tin của xã hội đối với hệ thống giáo dục đại học (GD ĐH) đang có nguy cơ sụt giảm. Nguyên nhân chủ yếu là sự lạm phát không thể giải thích được về quy mô tuyển sinh đầu vào và số lượng bằng cấp hạng cao được trao của hầu hết các trường ĐH Anh thời gian qua.  

Lạm phát “lớp xoắn ốc” (gia tăng số lượng SV đầu vào và tỷ lệ SV tốt nghiệp được nhận bằng cấp hạng cao mà không thể giải thích được) khiến GD ĐH Anh có nguy cơ đánh mất niềm tin từ công chúng
Lạm phát “lớp xoắn ốc” (gia tăng số lượng SV đầu vào và tỷ lệ SV tốt nghiệp được nhận bằng cấp hạng cao mà không thể giải thích được) khiến GD ĐH Anh có nguy cơ đánh mất niềm tin từ công chúng

Lạm phát cả “đầu vào” lẫn “đầu ra”

Khảo sát cho thấy, hơn 1/5 nhà cung cấp GD ĐH hàng đầu gia tăng số lượng tuyển sinh đầu vào, trong đó có tỷ lệ đáng kể số SV được tuyển sinh vô điều kiện ngay khi đăng ký hồ sơ, chứ không căn cứ vào trình độ của họ. Điều này khiến những SV được tuyển có điều kiện (thông qua thi tuyển hoặc xét hồ sơ) bất bình, đồng thời gây nghi ngờ của xã hội về chất lượng đào tạo.

Báo cáo được công bố bởi Văn phòng dành cho các SV (OfS), nhằm đưa ra cảnh báo và kêu gọi các trường ĐH khẩn trương giải quyết các bất cập được nêu, để trấn an SV rằng, trình độ của họ là đáng tin cậy và sẽ được xã hội tôn trọng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Vương quốc Anh (DfE), ông Damian Hinds, thừa nhận báo cáo của OfS là một hồi chuông báo động đối với GD ĐH. Đáng chú ý hơn, đây chỉ là những cảnh báo mới nhất đang làm dấy lên mối lo ngại rằng các trường ĐH, kể cả những trường ĐH hàng đầu, đang cố chạy đua để thu hút người học bằng mọi giá, nhằm tăng vị trí trên bảng xếp hạng về quy mô đào tạo.

Mới tuần trước, Tổ chức tuyển sinh tại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (Ucas) tiết lộ rằng, hơn 1/3 số SV nộp đơn vào ĐH đã nhận được ưu đãi vô điều kiện (tức được tuyển mà không qua xét hồ sơ hay thi tuyển, bất kể điểm số đạt được ở trung học ra sao), nhưng phải chịu chi phí học tập lên tới 9.250 bảng/SV/năm.

Các phân tích về những thay đổi trong phân loại bằng cấp giai đoạn 2010 - 2016 cũng cho thấy có tới 84% tổ chức GD ĐH ở Anh có mức lạm phát về số lượng bằng cấp hạng nhất (được trao cho người học) ở cấp độ không thể giải thích được. Trong số 20 tổ chức GD ĐH hàng đầu có sự gia tăng lớn nhất không thể giải thích được cho số lượng bằng cấp hạng nhất, có tới bảy tổ chức nằm trong lĩnh vực đào tạo nghệ thuật như âm nhạc hay sân khấu kịch. Thậm chí, hai tên tuổi hàng đầu trong đào tạo nghệ thuật ở Anh là Học viện Âm nhạc Hoàng gia và Nhạc viện Khiêu vũ và Kịch cũng nằm trong số này.

Không thể giải thích

OfS tiến hành khảo sát 148 trường ĐH và các nhà cung cấp GD ĐH khác ở Anh và Bắc Ireland (các trường ĐH xứ Wales và Scotland không nằm trong danh sách khảo sát, do hệ thống GD ĐH ở những nơi này được đánh giá rất cao về tính minh bạch trong tuyển sinh và đào tạo), ghi nhận rằng thậm chí khá nhiều SV tốt nghiệp với trình độ CCD (mức điểm trung bình thấp, tức dưới C nhưng chưa tới mức D là mức yếu - ND) hoặc nằm dưới trình độ A, nhưng vẫn được nhận bằng ĐH hạng hai hay hạng nhất. Con số này cao dần theo từng năm. Hơn 78% số bằng hạnh nhất và hạng hai được trao trong năm học 2016 - 2017, so với 67% của năm học 2010 - 2011; trong đó chỉ riêng tỷ lệ bằng cấp hạng nhất đã tăng từ 16% lên 27%.

Bà Nicola Dandridge, Giám đốc Điều hành của OfS, cho biết: “Sự lạm phát không thể giải thích được về bằng cấp kể từ năm 2010 - 2011, cộng hưởng với sự lạm phát về tuyển sinh đầu vào trong vài năm gần đây, đã tạo thành lạm phát “lớp xoắn ốc”, gây nguy cơ làm giảm niềm tin từ công chúng vào hệ thống GD ĐH”.

Bà Dandridge nói thêm: “Chúng tôi hoàn toàn nhận thấy các SV chăm chỉ học tập như thế nào. Chúng tôi cũng chấp nhận việc cải thiện điều kiện giảng dạy và hỗ trợ SV, cũng như yêu cầu tăng trình độ mà HS trung học cần đạt được trước khi vào ĐH. Những điều đó có thể giải thích cho việc gia tăng số lượng bằng cấp hạng cao đã được trao. Tuy nhiên, ngay cả việc kết quả học tập của SV đã được cải thiện, cộng thêm sự gia tăng về số SV ĐH, chúng tôi vẫn cho rằng những điều đó không thể khiến số bằng cấp hạng cao gia tăng với số lượng lớn như vậy. Đó là sự lạm phát không thể giải thích. Cơ quan quản lý GD ĐH phải sớm nhận ra sự bất cập này”.

Đối với các trường ĐH cũng như những nhà cung cấp dịch vụ GD ĐH, bà Dandridge cảnh báo rằng, cơ quan quản lý sẽ sử dụng quyền hạn được trao để đưa ra các biện pháp trừng phạt, nếu các bên không cùng ngồi lại để giải quyết vấn đề. Trong trường hợp cực đoan nhất, một lệnh thu hồi giấy phép hoạt động hoàn toàn có thể được cơ quan quản lý đưa ra.

Lời cảnh tỉnh!

Tán thành quan điểm của người đứng đầu OfS, Bộ trưởng DfE, ông Damian Hinds, cho biết: “Tôi đang thúc giục các trường ĐH giải thích, cũng như giải quyết vấn đề nghiêm trọng này. Đồng thời chúng tôi cũng đã đề nghị OfS xử lý một cách kiên quyết bất kỳ trường ĐH hay tổ chức nào có những số liệu gia tăng không thể lý giải được”.

Cũng theo ông Hinds: “HS trên toàn quốc làm việc chăm chỉ để có một thành tích học tập tốt. Do vậy, họ xứng đáng có được một hệ thống chấm điểm công bằng và trung thực. Chúng tôi muốn và luôn hy vọng kết quả học tập của HS được cải thiện theo thời gian. Thế nhưng, quy mô của sự gia tăng mà OfS chỉ ra là không tương đồng với thực tế mà chúng ta đang có. Tôi thực sự hy vọng các số liệu được cung cấp này sẽ đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh cho ngành GD - đặc biệt là các trường ĐH đang bị phơi bày là có sự gia tăng đáng kể số bằng cấp được trao mà không giải thích được. Các tổ chức phải tự chịu trách nhiệm cho việc duy trì giá trị của bằng cấp mà họ đã trao cho người học”.

Đáp lại cảnh báo trên, các trường ĐH, các tổ chức cung cấp dịch vụ GD ĐH hàng đầu cũng đã có những giải thích hoặc tìm cách giải quyết vấn đề. Ông Alistair Jarvis, Giám đốc Điều hành của ĐH Vương quốc Anh, cho biết: Các trường ĐH ở Vương quốc Anh đang thực hiện các bước để giải quyết lạm phát bằng cấp. Trong báo cáo gần đây, chúng tôi đã công bố một số biện pháp để bảo vệ giá trị của bằng cấp theo thời gian. Những biện pháp này đang nhận được sự tư vấn của Ủy ban Thường trực Đánh giá chất lượng của Vương quốc Anh. Mục tiêu cao nhất và cần thiết nhất của các trường là giữ niềm tin của công chúng đối với giá trị của một tấm bằng được trao cho người học.

Theo Independent

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.