Ngày 12/3, Bộ trưởng phụ trách tiến trình đàm phán Brexit - David Davis thông báo, London đang lên các phương án dự phòng trong trường hợp cuộc đàm phán về việc nước này rời khỏi EU không thành công.
Chỉ còn vài ngày nữa, Chính phủ bà Theresa May sẽ kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon cho phép Anh tách khỏi Liên minh châu Âu nhưng theo Bộ trưởng Davis.
Anh vẫn đang chuẩn bịc ác kế hoạch đề phòng cho mọi kịch bản có thể xảy ra trong đó bao gồm cả việc đàm phán về tiến trình Brexit thất bại hay việc Anh rời khỏi EU mà không đạt được bất cứ thỏa thuận thương mại nào - còn được gọi là Brexit cứng.
Nếu xảy ra Brexit cứng, Anh sẽ mất cả Scotland.
Bộ trưởng Davis dẫu vậy vẫn cho rằng chắc chắn mọi người dân Anh đều hy vọng cuộc đàm phán về tiến trình Brexit sẽ có kết quả tốt đẹp đồng thời kêu gọi các nghị sỹ quốc hội ủng hộ Brexit và sẽ sớm thông qua dự luật Brexit do Chính phủ Anh đề xuất.
Kế hoạch dự phòng cho Brexit từng được Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh, ông Crispin Blunt khuyến cáo nên được thực hiện nhằm tránh rủi ro trong các trường hợp các cuộc đàm phán về Brexit đổ vỡ.
Theo nghị sỹ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền này, tiến trình đàm phán giữa Anh và EU một khi đổ vỡ sẽ gây ra "hậu quả hết sức tiêu cực," gây tổn hại kinh tế cho cả hai phía, buộc nhiều doanh nghiệp và cá nhân rơi vào tình trạng rối loạn pháp lý.
Theo đánh giá của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh, công tác chuẩn bị này sẽ giúp củng cố vị thế của Chính phủ Anh và tránh những thỏa thuận không có lợi cho Anh.
Thủ tướng Anh Theresa May sẽ chính thức công bố quyết định Brexit vào ngày 29/3 tới, khởi động tiến trình đàm phán giữa Anh và EU, dự kiến kéo dài 2 năm.
Ngược lại với các dự báo, bà May cho rằng, Anh sẽ sẵn sàng rời khỏi EU mà không cần bất kỳ thỏa thuận nào một khi phía EU gây sức ép. Nữ Thủ tướng ANh cho rằng, một kịch bản "Brexit cứng" còn hơn là chấp thuận những thỏa thuận "thua thiệt" với EU.
Thượng viện Anh đã yêu cầu bổ sung vào dự luật quyền phủ quyết của các nghị sỹ đối với kết quả đàm phán của Thủ tướng Theresa May với EU, cũng như điều khoản nhằm đảm bảo quyền lợi của các công dân EU tại Anh sau Brexit.
Do những yêu cầu trên của Thượng viện, dự luật Brexit sẽ được trình lại tại Hạ viện vào ngày 13/3 tới. Hạ viện sẽ ra quyết định cuối cùng có chỉnh sửa bổ sung hay giữ nguyên nội dung dự luật Brexit do Chính phủ đệ trình.
Việc Anh chuẩn bị kế hoạch B nếu xảy ra "Brexit cứng" còn nhằm vào việc hạn chế các tác động đặc biệt của ảnh hưởng hậu Brexit trong lòng Liên Hiệp Anh.
Scotland- vùng đất có lịch sử 300 năm nằm trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland mới tuyên bố về khả năng trưng cầu dân ý để tách khỏi Vương quốc này thành một vùng lãnh thổ độc lập nếu xảy ra "Brexit cứng".
Thủ hiến Scotland quyết định sẽ trưng cầu dân ý nếu Anh rời EU.
Hôm 9/3, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon đã thông báo về kế hoạch tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tách riêng, độc lập khỏi Anh vào mùa thu năm 2018 Thời điểm cuộc trưng cầu dân ý dự định diễn ra cũng là lúc Anh đã cơ bản thống nhất các quan điểm chi tiết về một thỏa thuận cho Anh ra khỏi EU.
Scotland chưa quyết định cụ thể về ngày tổ chức trưng cầu dân ý. Theo quy định hiến pháp, cuộc bỏ phiếu này phải nhận được sự phê chuẩn của Chính phủ Anh ở London mới có thể diễn ra.
Dẫu vậy, nếu cuộc trưng cầu dân ý ở Scotland thực sự diễn ra, khi chính phủ của bà Theresa May có khả năng chấp thuận "Brexit cứng" hơn những nỗ lực thoát khỏi châu Âu, nước Anh sẽ tự cô lập mình.