‘Ấn tượng’ mô hình giúp phụ nữ Khmer nông thôn thoát nghèo

GD&TĐ -Xã Long Phú (Sóc Trăng) có đến hơn 70% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Nơi đây xuất hiện nhiều “điểm sáng” phát triển kinh tế thoát nghèo.

Mô hình chăn nuôi heo.
Mô hình chăn nuôi heo.

Mô hình trồng sen - nuôi bò

Thời gian qua, hội viên phụ nữ ở xã Long Phú (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) đã xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như trồng lúa kết hợp nuôi heo, trồng màu; trồng sen kết hợp chăn nuôi bò… Các mô hình đã giúp nhiều hộ gia đình của chị em phụ nữ thoát cảnh nghèo, vươn lên ổn định.

Chị Súc Thị Mỹ Lệ, người dân tộc Khmer, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Phú Đức (xã Long Phú, huyện Long Phú) thành công với việc trồng sen lấy ngó đã hơn 5 năm nay. Mô hình này kết hợp chăn nuôi bò thịt đã từng bước giúp chị thoát cảnh nghèo khó, vươn lên.

PN 3.jpg
Mô hình chăn nuôi bò giúp phụ nữ Khmer nông thôn thoát nghèo.

Chị Lệ chia sẻ, gia đình chị trước đây là hộ nghèo, không có đất sản xuất nên đời sống khá chật vật. Những năm trước, chị tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với lần lượt là 30 triệu đồng, 50 triệu đồng và năm 2023 là vay 100 triệu đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Có vốn, chị đã mạnh dạn chọn mô hình trồng sen - nuôi bò để phát triển kinh tế.

Sau thời gian nỗ lực, cùng sự hỗ trợ, động viên của địa phương, chị đã gặt hái được “quả ngọt”. Chị Lệ hiện đang sở hữu 2 con bò cái giống và 3 con bò trưởng thành. Riêng mô hình trồng sen, chị thuê 1 ha đất để trồng (chia thành 2 đợt trồng xen kẽ), thu hoạch quanh năm.

Cứ 3 ngày chị thu hoạch một lần với hơn 20kg ngó sen, giá bán 22 ngàn đồng/kg. Những lúc cao điểm, thu từ 60-80kg mỗi lần thu hoạch, giúp gia đình chị có nguồn thu nhập khá quanh năm.

Chị Lệ bộc bạch: “Trước đây khi đi làm mướn, chị thấy mô hình trồng sen hiệu quả nên về cũng thuê đất trồng, lời hơn làm lúa. Trồng sen vất vả nhất là lúc thu hoạch, nhưng lợi nhuận cao, giúp gia đình có nguồn thu ổn định, lo con cái ăn học”.

Lúa kết hợp màu - chăn nuôi heo

Tương tự chị Lệ, gia đình chị Triệu Thị Phol Ly, Chi hội trưởng Chi Hội Phụ nữ ấp Kinh Ngang (xã Long Phú, huyện Long Phú) lại thành công với mô hình trồng lúa kết hợp trồng màu và chăn nuôi heo.

Nói về hành trình lập nghiệp trên chính quê nhà, chị Phol Ly chia sẻ, không thể tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm ngành Ngoại ngữ. Chị đã phải vất vả sống cuộc sống công nhân lao động ở các tỉnh miền Đông. Khi thấy cha mẹ già sức yếu, con nhỏ không người chăm sóc, chị quyết định về quê lập nghiệp cùng chồng.

PN 1.jpg
Mô hình sản xuất bồn bồn tại xã Long Phú.

Được giới thiệu tham gia Chi Hội Phụ nữ ấp, chị Phol Ly được tiếp cận vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển nghề chăn nuôi heo truyền thống của gia đình. Hiện nay, chị có 4 con heo nái để bán và tự cung cấp con giống, cùng hơn chục con heo thịt. Mỗi năm chị nuôi 3 đợt, thu về lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng.

Đối với 1,8 ha đất trồng lúa, vụ vừa qua, nhờ bán được giá, gia đình thu lời 40 triệu đồng. Ngoài ra chị còn có thu nhập từ 20-30 triệu đồng từ việc trồng màu quanh năm.

“Tôi vay được 150 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, về đầu tư mua thức ăn, thuốc thú y, xây chuồng, rồi còn làm ruộng, kinh tế cũng ổn định lên. Hội phụ nữ cũng gọi mình tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, đi tham quan các mô hình để làm theo”, chị Phol Ly phấn khởi nói. Hiện chị Phol Ly có lợi nhuận mỗi năm hơn 150 triệu đồng.

Cùng với những mô hình trên, tại xã Long Phú còn một số “điểm sáng” như mô hình trồng bồn bồn - sen giúp nhiều chị em trong tổ vươn lên khá giả. Các mô hình này thành công nhờ vào sự hỗ trợ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.

Thông tin về tình hình sản xuất của chị em phụ nữ ở địa phương, bà Nguyễn Thị Hồng Đang, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Long Phú (huyện Long Phú) cho biết: Việc triển khai các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện việc làm, thu nhập, đời sống cho phụ nữ rất được hội quan tâm.

Theo đó, hàng năm hội đều duy trì giúp chị em khởi nghiệp hiệu quả, mang lại nguồn kinh tế khá giả.

Bà Hồng Đang chia sẻ, đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng phần lớn sống chủ yếu ở vùng nông thôn. Sau khi được tạo điều kiện để tiếp cận với nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều chị em phụ nữ đã chọn lĩnh vực nông nghiệp để phát triển kinh tế gia đình và đã, đang gặt hái nhiều quả ngọt, giúp cải thiện thu nhập, đưa đời sống từng bước ổn định.

Tại Sóc Trăng nói chung, xã Long Phú (huyện Long Phú) nói riêng, chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Từ đó mang lại lợi ích thiết thực, góp phần khẳng định được vị thế của phụ nữ với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.