An toàn trường học: Rà soát từ chi tiết nhỏ nhất

GD&TĐ - Mặc dù đã chuẩn bị kĩ càng điều kiện về cơ sở vật chất để đón năm học mới song sự cố đổ sập cổng điểm trường Bản Phung, Trường TH Khánh Yên Thượng (Văn Bàn – Lào Cai) đã buộc các địa phương, nhà trường tiến hành rà soát lại trường lớp nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho GV, HS trong quá trình dạy và học. 

Học sinh Trường TH Hương Lâm (Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) chăm sóc cây xanh trong trường. Ảnh: IT
Học sinh Trường TH Hương Lâm (Phong Điền, Thừa Thiên – Huế) chăm sóc cây xanh trong trường. Ảnh: IT

Rốt ráo kiểm tra

Ông Đỗ Văn Thông – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết: Để chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ năm học  2020 - 2021, sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường học trong toàn tỉnh tiến hành kiểm tra, rà soát và kịp thời có giải pháp khắc phục hệ thống phòng học và hạng mục công trình xây dựng xuống cấp.

Hiện Ninh Bình có 10 phòng học và 34 phòng (hạng mục) công trình xây dựng xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ gây mất an toàn cho việc dạy học cũng như hoạt động khác của các trường học. 209 phòng học và 115 phòng (hạng mục) công trình xây dựng xuống cấp nhẹ.

Để bảo đảm an toàn cho GV, HS… toàn bộ số phòng học và hạng mục công trình xuống cấp nghiêm trọng được niêm phong để tiến hành xây mới hoặc sửa chữa. Đồng thời các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch sử dụng cơ sở vật chất phù hợp, không bố trí học tập và làm việc tại các phòng không an toàn. Mặt khác, với phòng học và công trình xuống cấp nhẹ đang được địa phương khẩn trương sửa chữa, khắc phục để phục vụ dạy và học.

Ông Bùi Văn Tiến – Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Hà (Lào Cai) chia sẻ: Sau khi diễn ra sự việc đáng tiếc tại huyện Văn Bản, UBND huyện Bắc Hà yêu cầu các trường trong toàn huyện Bắc Hà kiểm tra rà soát an ninh, an toàn, cơ sở vật chất trường lớp. Phòng GD&ĐT Bắc Hà thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành (chuyên môn về kĩ thuật, hạ tầng cơ sở, tài chính…) đi kiểm tra 60 trường học từ MN, tiểu học, THCS.

Học sinh Trường PTDTBT TH Lùng Tám, huyện Quản Bạ - Hà Giang trong giờ chơi. Ảnh: Đức Trí
Học sinh Trường PTDTBT TH Lùng Tám, huyện Quản Bạ - Hà Giang trong giờ chơi. Ảnh: Đức Trí

“Trước khai giảng 1 - 2 tháng ngành GD&ĐT đã tiến hành rà soát cơ sở vật chất trường lớp, tu sửa nhiều phòng học, chuyển HS các lớp học ở điểm trường không an toàn về điểm trường an toàn học tập trong suốt năm học. Tuy nhiên với đặc thù trường vùng cao, mưa nhiều gây sụt lún…  việc tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra kĩ càng cơ sở vật chất trường lớp vẫn vô cùng cần thiết” - ông Tiến bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Lịch – Trưởng phòng GD&ĐT Yên Bình (huyện Yên Bình, Yên Bái) thông tin: Sau khi xảy ra sự cố đáng tiếc, Phòng GD&ĐT thông qua kênh liên lạc bằng Zalo chỉ đạo “nóng” hiệu trưởng các trường tiến hành kiểm tra lại cơ sở vật chất trường lớp.

Mặc dù ngày 27 - 28/8, ngành GD&ĐT đã thành lập 2 đoàn kiểm tra, mỗi đoàn 3 người kiểm tra trong 2 ngày tại 52/52 cơ sở giáo dục MN, tiểu học, THCS toàn huyện. Tuy nhiên, các nhà trường vẫn phải tiến hành kiểm tra lại từ phòng học, sân trường, phòng bán trú, cây xanh, cổng trường, tường rào… của các điểm trường chính và điểm trường lẻ để tăng cường hơn nữa an toàn cho HS.

Nâng cao trách nhiệm mỗi thầy cô

Ông Đỗ Văn Thông cho biết: Sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh kiểm tra rà soát cơ sở vật chất, trường lớp học nhất là trong mùa mưa bão, bảo đảm an toàn cho học sinh ngay từ đầu năm học 2020 - 2021… Sở GD&ĐT Ninh Bình đã có công văn yêu cầu trưởng phòng GD&ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo hiệu trưởng các trường tiểu học, tiểu học&THCS rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm an toàn cho cán bộ, GV, HS trong quá trình sử dụng.

Trường PTDTBT TH Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà – Lào Cai. Ảnh Đức Trí
Trường PTDTBT TH Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà – Lào Cai. Ảnh Đức Trí

Quán triệt nhà trường không đưa hạng mục công trình, thiết bị dạy học không an toàn vào sử dụng. Đồng thời yêu cầu bố trí cán bộ, GV quản lí HS trước, trong và sau giờ học ở trường; bảo đảm an toàn giao thông khu vực cổng trường…

Với ngành GD&ĐT Bắc Hà (Lào Cai), ông Bùi Văn Tiến cũng khẳng định luôn yêu cầu cao về chất lượng rà soát đối với các đoàn kiểm tra. Chỗ nào chưa đáp ứng kĩ thuật, thiết kế, đoàn kiểm tra kiên quyết dừng thi công, chưa hợp lý sẽ đề xuất điều chỉnh thiết kế cho phù hợp. Phòng ốc nào có thể sửa thì tiến hành sửa chữa ngay, không an toàn sẽ lập tức niêm phong.

Đặc biệt, đoàn kiểm tra sẽ chú trọng rà soát tại điểm trường khó khăn, công trình xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa của tổ chức, cá nhân hoặc xây dựng quá lâu chưa nâng cấp. Ngoài ra, kiểm tra các dãy nhà bán trú cấp 4 đã xây dựng lâu năm, cổng trường cũ, không bảo đảm về mặt kỹ thuật… để đưa ra cảnh báo, biện pháp xử lý. Với công trình kiên cố 2 - 3 tầng không vì thế mà chủ quan, sẽ tập trung kiểm tra lan can, cánh cửa sổ, cửa lớp... một cách chi tiết và cẩn thận nhất.  

Chúng tôi yêu cầu các trường không chủ quan, kiểm tra cẩn thận tất cả thiết bị điện, quạt trần, cửa sổ, cửa chính, hệ thống cây xanh… Hiệu trưởng chịu trách nhiệm báo cáo lại tình hình rà soát cơ sở vật chất trường lớp, đưa ra đề xuất xử lý, khắc phục những công trình chưa an toàn… về phòng GD&ĐT trong thời gian sớm nhất. Tăng cường trách nhiệm từ hiệu trưởng tới đội ngũ GV, nhân viên trong việc bảo đảm an toàn, an ninh cho HS là quan trọng, cần thiết. - Ông Nguyễn Văn Lịch 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.