Trường học vùng lũ Nghệ An:

An toàn tới đâu, cho học sinh đến trường tới đó

GD&TĐ - Trận lũ ống lịch sử tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã để lại thiệt hại nặng nề cho người dân và cả trường học.

Cô trò Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) dọn dẹp vệ sinh khu nhà ở bán trú bị sạt lở đất.
Cô trò Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn) dọn dẹp vệ sinh khu nhà ở bán trú bị sạt lở đất.

Tuy nhiên, ngay sau khi lũ dừng, các trường khẩn trương chia lực lượng dọn dẹp vệ sinh, phòng dịch bệnh và tổ chức dạy học bình thường. Với những em vẫn trong vùng nguy hiểm, chỉ khi đảm bảo các điều kiện an toàn mới đi học trở lại. Nhà trường cũng có kế hoạch dạy bù, phụ đạo kiến thức cho trò để đảm bảo chương trình năm học.

Dạy học khi bảo đảm an toàn

Sau khi lũ dừng và trời nắng ráo, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã đón trò trở lại học tập và ở bán trú bình thường tại điểm chính. Việc dạy học được thực hiện sau khi nhà trường tổ chức dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn, đảm bảo các điều kiện an toàn cho học sinh và giáo viên.

Tuy nhiên, có hơn 60 học sinh ở bản Bình Sơn 2 vẫn chưa thể đến trường, do đây là một trong những bản vùng “tâm lũ”, chịu thiệt hại nặng nề, giao thông chia cắt. Thầy Hà Thắm Cảnh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tại bản Bình Sơn 2 có điểm trường lẻ tiểu học cho 23 học sinh khối 1 - 2. Điểm trường này bị đất đá trên núi sạt lở tràn vào bên trong, mới chỉ khắc phục được cơ bản phòng học. Vì thế, trong tuần này chưa thể tổ chức dạy học tại đây. Bên cạnh đó, bản Bình Sơn 2 còn hơn 40 em lớp 3 – 4 – 5, từ năm học này được chuyển về trường chính ở bán trú để thuận tiện học tập, triển khai Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, do mưa lũ, sạt lở nặng, giao thông nguy hiểm, học sinh không thể đi bộ tới trường được.

“Chúng tôi quan điểm an toàn đến đâu, cho học sinh tới trường đến đó. Đối với trò ở các bản không chịu thiệt hại nặng nề do lũ ống đã được đón quay trở lại trường chính học tập. Còn những bản khác khi giao thông đang nguy hiểm thì tạm dừng. Nhà trường cũng nỗ lực khắc phục hậu quả do mưa lũ để lại tại điểm trường bản Bình Sơn 2. Dự kiến đầu tuần tới có thể đón học sinh khối 1 - 2 đến lớp. Còn học sinh khối 3 – 4 – 5, nhà trường cũng sẽ liên lạc, trao đổi với phụ huynh dẫn các cháu về trường chính ở bán trú”, thầy Hà Thắm Cảnh nói.

Việc tổ chức bán trú, sớm ổn định dạy học là điều kiện duy trì sĩ số học sinh tại Kỳ Sơn sau lũ.

Việc tổ chức bán trú, sớm ổn định dạy học là điều kiện duy trì sĩ số học sinh tại Kỳ Sơn sau lũ.

Trường Tiểu học và Mầm non Tà Cạ đang cho học sinh các bản Hòa Sơn, Sơn Hà, Bình Sơn 1, bản Cánh tạm nghỉ do cơ sở vật chất điểm trường lẻ bị lũ tàn phá nặng nề, chưa khắc phục được. Trong khi đó, nhiều nhà dân cùng tài sản bị cuốn trôi, hư hỏng, mất điện… không có điều kiện tổ chức dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, nhà trường cũng đưa ra phương án sau khi giao thông thuận lợi hơn, sẽ chuyển học sinh về trường nuôi bán trú. Riêng bậc mầm non do điểm trường bị hư hỏng nặng chưa khắc phục được ngay, độ tuổi của trẻ còn nhỏ, nên dự kiến sẽ đưa vào nhà dân để dạy học.

Theo thầy Hà Thắm Cảnh – Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Tà Cạ, trong thời gian này, ngoài ổn định dạy học, ban giám hiệu, giáo viên cũng chia nhau về giúp đỡ 5 gia đình thầy cô có nhà bị hư hỏng, ngập bùn đất do lũ. Đó là các cô Mạc Lê Na, Lô Thị May, Lê Thị Đào, Nguyễn Thị Tuyết, Hồ Thị Phượng trong khi giúp đỡ người dân sơ tán đồ đạc thì lũ lớn ập về. Các cô sau đó chỉ kịp đưa gia đình chạy lên núi tránh nạn, còn nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi. Sau lũ, nước rút, đồng nghiệp đến giúp đỡ các cô dọn dẹp nhà cửa, cứu tài sản còn lại, để sớm ổn định cuộc sống, quay trở lại trường dạy học, công tác.

Ban giám hiệu, giáo viên Trường Phổ thông DTBTTiểu học và THCS Tà Cạ hỗ trợ giúp đỡ nhà đồng nghiệp sau lũ.

Ban giám hiệu, giáo viên Trường Phổ thông DTBTTiểu học và THCS Tà Cạ hỗ trợ giúp đỡ nhà đồng nghiệp sau lũ.

Tổ chức bán trú để giữ học sinh

Không nằm trong tuyến lũ nhưng mưa to gây sạt lở khiến lượng lớn đất đá tràn vào phòng ở của giáo viên và học sinh Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn). Thầy Đào Hải Lâm – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Trong 2 ngày 1-2/10, vào cuối tuần nhưng còn một số giáo viên và học sinh ở lại bán trú không về nhà. Khi bị sạt lở thầy trò chỉ kịp nhanh chóng tìm nơi kiên cố, để tránh nguy hiểm. Còn lại đồ đạc, thiết bị, quần áo, sách vở, đồ dùng sinh hoạt của cả giáo viên và học sinh đều bị ngập trong bùn đất.

Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Cắn có 309 học sinh, trong đó 258 em bán trú. Ngay khi trời tạnh ráo, nhà trường phối hợp cùng lực lượng địa phương dọn dẹp, vệ sinh, đẩy bùn đất ra ngoài. Trước mắt ưu tiên ổn định phòng ở để đón học sinh quay lại bán trú và học tập bình thường.

Cũng theo thầy Đào Hải Lâm, học sinh của trường hầu hết là con em đồng bào dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú. Nhiều em ở bản xa trường hàng chục km, phải ở bán trú. Nếu không sớm khắc phục hậu quả, tổ bán trú để các em yên tâm đến trường dễ có nguy cơ học sinh bỏ học.

Những ngày qua, giáo viên Trường Phổ thông DTBT THCS Tây Sơn cũng gùi theo lương thực, thực phẩm, băng rừng quay về trường dạy học. Xã Tây Sơn nằm cao hơn 1.000m so với mực nước biển, là khu vực thượng nguồn dòng lũ đổ về xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén. Vì vậy, giao thông từ thị trấn Mường Xén lên Tây Sơn hiện bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn đường nứt toác hoặc bị vùi dưới lượng đất đá lớn. Giáo viên không thể đi xe, mà chỉ có thể đi bộ mất hơn 7 tiếng mới vào tới nơi.

Tuy nhiên, khi thầy cô có mặt ở trường, thì một vấn đề khác đặt ra là lương thực, thực phẩm cho học sinh ở bán trú. Cô giáo Võ Thị Vinh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường có 360 học sinh ở 2 cấp tiểu học và trung học cơ sở, trong đó 120 em thuộc diện bán trú. “Do lũ về đột ngột, sau đó chia cắt tuyến đường Tây Sơn – thị trấn Mường Xén khiến xe cộ không thể lưu thông. Nguồn lương thực, thực phẩm dự trữ cho học sinh dần cạn kiệt. Kể cả gạo nấu cho các em cũng chỉ còn ít ngày. Bên cạnh đó, 37 giáo viên hiện cũng đang tập trung ở trường để dạy học vì không thể đi về như ngày bình thường”, cô Vinh lo lắng nói.

Trước thực tế này, nhà trường đã có thư kêu gọi và liên hệ với chính quyền địa phương, các đơn vị, tổ chức thiện nguyện. Trong ngày 7/10, gạo và một số thực phẩm đã được ưu tiên “xin” cho học sinh Tây Sơn. Các thầy cô giáo và cán bộ địa phương tiếp tục đi bộ vượt khoảng 8km đường rừng để gùi nhu yếu phẩm về trường.

Ông Phan Văn Thiết - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn cho biết: “Đến ngày 7/10, cơ bản học sinh tiểu học và phổ thông trên toàn huyện đã có thể tới trường. Trừ một số bản đường bị sạt lở, ngập bùn đất dày, giao thông khó khăn, chia cắt, học sinh đang phải nghỉ ở nhà. Phòng đã chỉ đạo các nhà trường, trước hết phải đảm bảo an toàn mới đón học sinh trở lại trường. Trong đó lưu ý đến vấn đề vệ sinh, phòng dịch bệnh sau lũ. Đồng thời quan tâm từng nhóm học sinh và kịp thời phụ đạo, bồi dưỡng những em phải nghỉ học dài ngày và tổ chức học bù hợp lý”.

Cũng theo thống kê của Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn, trên địa bàn có 41 gia đình giáo viên có nhà bị thiệt hại do lũ. Sở GD&ĐT Nghệ An đã kịp thời hỗ trợ ban đầu cho 41 gia đình trên và trao sách giáo khoa, vở học sinh, đồ dùng thiết bị dạy học cho trường học Kỳ Sơn bị ảnh hưởng bởi lũ với tổng trị giá hơn 320 triệu đồng.

Ngoài huyện Kỳ Sơn, Nghệ An còn 2 huyện Hưng Nguyên và Thanh Chương vẫn còn một số trường vùng sâu, thấp trũng đang phải cho học sinh nghỉ học. Trong đó, huyện Hưng Nguyên còn Trường Mầm non Hưng Đạo, Hưng Thịnh, Hưng Lợi và Trường Tiểu học Hưng Lợi. Huyện Thanh Chương cũng còn 9 trường ở vùng sâu trũng học sinh chưa thể đến trường, trong đó, có 2 trường tiểu học và 7 trường mầm non. Khi nước rút dần, các trường sẽ khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh trong điều kiện đảm bảo an toàn sẽ đón học sinh trở lại dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.