Bệnh dịch, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm nảy sinh khi sức khỏe giảm sút trong khi ô nhiễm môi trường, thực phẩm không đảm bảo lại gia tăng.
Mưa, lũ dồn dập
Cơn bão số 1 vừa đi qua, người dân các tỉnh phía Bắc chưa kịp khắc phục hậu quả thì lại tiếp tục chịu ảnh hưởng của bão số 2. Tuy không trực tiếp vào nước ta nhưng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhiều tuyến đường bị sạt lở, hoa màu bị cuốn trôi.
Tại xã Bình Thuận (Văn Chấn, Yên Bái), mưa lớn làm sạt lở đất khiến 3 người bị thương. Cũng tại Yên Bái, huyện Trạm Tấu, mưa lớn cũng gây thiệt hại 900 m2 lúa, 6 ha hoa màu và 57 ao cá bị tràn vỡ, tuyến đường liên xã Hát Lừu - Xà Hồ sạt lở 200m3 đất đá.
Hòa Bình cũng là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng sau bão. Mưa to kéo dài suốt đêm làm sạt lở đất tại tuyến Quốc lộ 6 (xã Đồng Bảng, Mai Châu).
Hàng nghìn mét khối đất đá đổ xuống, khiến giao thông bị tắc trong nhiều giờ. Huyện Tân Lạc và TP Hòa Bình cũng xảy ra tình trạng lúa, hoa màu bị ngập nước…
Trong khi các địa phương chưa kịp thống kê con số thiệt hại cuối cùng thì theo dự báo, miền Bắc tiếp tục đón cơn mưa lớn. Mưa trên diện rộng cũng sẽ xuất hiện ở miền Trung do hoàn lưu của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp cùng áp thấp.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, từ 14 - 19/8, ngập úng có thể xuất hiện tại các khu đô thị, các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Hải Dương.
Mưa liên tục nên nước các sông lên cao, lũ quét có thể xảy ra ở sông, suối nhỏ. Các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Nghệ An, Thanh Hóa sẽ bị ngập úng, sạt lở ở nhiều nơi. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai cấp1 - 2.
An toàn trong mùa mưa bão
Mưa, bão, lũ lụt là “đặc sản” thiên nhiên ban tặng cho khu vực miền Bắc và miền Trung. Năm nào cũng vậy, mưa - bão - lũ dồn dập khiến người dân nhiều khi không kịp trở tay.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, người dân cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm để hạn chế bị ngộ độc. Nguyên nhân do ở những vùng bị bão, lũ, các công trình vệ sinh, cống rãnh bị ngập trong nước nên chất thải của người và gia súc, xác động thực vật hòa vào nước gây ô nhiễm nặng cho môi trường nước, đất và đồ vật chìm trong nước khiến mầm bệnh rất dễ lan nhiễm vào thức ăn, nước uống gây bệnh cho mọi người dân.
Bên cạnh đó, sau bão lũ, việc cung cấp lương thực và thực phẩm bị hạn chế, nhiều địa phương còn bị cô lập bởi nước, chưa có điều kiện thực hiện ăn chín, uống sôi. Vì vậy, những bệnh liên quan đến an toàn thực phẩm như bệnh tiêu chảy, tả, lỵ thường rất hay xảy ra.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng trong mùa bão lũ, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng quốc gia) khuyến cáo, người dân không chế biến thực phẩm từ động vật chết không rõ nguyên nhân hoặc động vật đang bệnh.
Những ngày này, có thể dùng thực phẩm (nước tương, muối lạc…) để thay thế thức ăn từ động vật. Rau có thể không còn thì tận dụng bộ phận của cây chuối, mít non luộc chín ăn.
Mỗi đợt ngập lụt diễn ra từ 3 - 5 ngày, do vậy, ngay từ đầu mùa mưa nên chủ động tích trữ ít mỳ tôm, mắm, muối, nước uống, đồ ăn khô. Cứ như vậy cho đến khi hết mùa mưa lũ.
Ngoài việc nhanh chóng dọn vệ sinh môi trường, chôn lấp xác động vật, lau chùi nhà cửa bằng hóa chất tẩy rửa thì trong và sau mưa lũ cần quán triệt tới các thành viên trong gia đình việc ăn chín, uống sôi.
Việc làm đơn giản trên nhưng lại có tác dụng lớn trong việc đề phòng ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm. Vệ sinh thân thể sạch sẽ để hạn chế mắc bệnh da liễu. Quần áo bị ẩm cần giặt, phơi khô…