Belarus xác nhận đang bắt đầu tiếp nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Nga đồng thời tuyên bố các “lằn ranh đỏ” để nước này tham chiến tại Ukraine, có thể mở ra bước ngoặt mới trong cuộc xung đột.
Trong tuyên bố của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đưa ra hôm 13/6, loại vũ khí hạt nhân chiến thuật mà Nga đang chuyển giao cho nước này có sức mạnh gấp 3 lần so với những quả bom được thả xuống hai thành phố Nhật Bản trong Thế chiến II. Nga sẽ vẫn là quốc gia giữ quyền kiểm soát số vũ khí hạt nhân chiến thuật được triển khai trên đất Belarus.
Trên lãnh thổ Belarus vẫn còn nhiều cơ sở lữu trữ hạt nhân được xây dựng từ thời Liên Xô và nước này đang cho khôi phục lại. Đây chính là những cơ sở tiếp nhận số vũ khí hạt nhân chiến thuật mà Nga triển khai tại Belarus.
Số vũ khí này gồm các đầu đạn hạt nhân tầm ngắn có khả năng được sử dụng trên chiến trường. Đây cũng là động thái liên quan đến vũ khí hạt nhân đầu tiên của Moscow được thực hiện bên ngoài nước Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Hai nước chính thức ký thỏa thuận từ ngày 25/5 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và người đồng cấp Belarus Viktor Khrenin về việc cho phép triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga trên lãnh thổ Belarus.
Hai nước giải thích cho quyết định này là do Mỹ cũng triển khai các vũ khí tương tự ở các nước châu Âu trong nhiều thập kỷ qua. Hiện tại, vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai ở các quốc gia đồng minh gồm Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Belarus còn cho biết việc tiếp nhận vũ khí hạt nhân từ Nga được nước này thực hiện sau nhiều năm phải chịu áp lực từ Mỹ và các nước đồng minh phương Tây.
Trước đó vào năm 2021 khi cuộc xung đột tại Ukraine còn chưa nổ ra, Nga đã kêu gọi Mỹ thu hồi số vũ khí hạt nhân ở các quốc gia châu Âu nói trên như một phần trong các đề xuất an ninh.
Tuy nhiên, Mỹ và NATO đã từ chối và đây được coi là lý do để Nga có hành động đáp trả bằng việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ quốc gia đồng minh thân cận của mình là Belarus.
Ngoài đầu đạn hạt nhân, Nga cũng sẽ bàn giao hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M có khả năng mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân và một số máy bay chiến đấu Su-25 đã được chuyển đổi để có thể sử dụng vũ khí hạt nhân cho lực lượng vũ trang Belarus.
Các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ đã kịch liệt phản đối động thái của Nga và Belarus, coi đây là hành động “khiêu khích”. Đáp lại, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 15/6 tuyên bố nước này sẵn sàng tham gia vào cuộc xung đột tại Ukraine, nếu Belarus trở thành mục tiêu bị tấn công hay bất kỳ sự can thiệp nghiêm trọng nào từ bên ngoài.
Với động thái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga và quan điểm cứng rắn của chính Belarus, một nước có đường biên giới chung với Ukraine, đang đặt cuộc xung đột tại nước này đứng trước một bước ngoặt mới.
Nhân tố vũ khí này được đánh giá là vừa có khả năng cân bằng sức mạnh giữa các bên liên quan, vừa có khả năng đẩy cuộc chiến rơi vào trạng thái nghiêm trọng chưa từng có.