Ẩn họa từ những gánh hàng rong trước cổng trường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hàng rong tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ngộ độc thực phẩm...

BS.CKII Nguyễn Ngọc Nghĩa – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng, Đồng Nai thăm khám cho bệnh nhi liên quan đến vụ ngộ độc bánh mì tại TP Long Khánh.
BS.CKII Nguyễn Ngọc Nghĩa – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng, Đồng Nai thăm khám cho bệnh nhi liên quan đến vụ ngộ độc bánh mì tại TP Long Khánh.

Những gánh hàng rong có một sức hút “kỳ lạ” đối với học sinh các cấp, nhưng đây cũng là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ngộ độc thực phẩm. Liên ngành Y tế - Giáo dục tăng cường cảnh báo.

Hàng rong tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc

Giờ tan học tại nhiều cổng trường trên địa bàn quận Phú Nhuận (TPHCM), không khó để bắt gặp một số trẻ đi học về mặt mày bí xị, có bé còn khóc không chịu đi về. Theo chia sẻ của người bán hàng rong trước cổng trường, các bé đòi ăn kẹo bông gòn hoặc bánh tráng trộn, cá viên chiên nhưng bố mẹ không cho. Chị N.M.L (35 tuổi, ngụ Phú Nhuận) cho biết, trước đây đón con chị vẫn thường xuyên mua một món gì đó để con ăn sau giờ tan học. Tuy nhiên, dạo gần đây các vụ ngộ độc liên tục xảy ra, chị sợ quá nên cấm hẳn.

Gánh hàng rong là một hình ảnh quen thuộc đối với tuổi học trò, thậm chí có những bạn còn là “mối ruột” với vài gánh hàng như: Bánh tráng trộn, đá me... T.H.K – hiện học lớp 12 (Quận 1, TPHCM) cho biết, nhóm em còn có cả zalo của chị bán hàng, thích ăn gì các bạn sẽ chủ động nhắn tin để chị làm trước, sau đó ra lấy sau.

Khi được hỏi về vấn đề có lo ngại khi sử dụng những thực phẩm lề đường, các bạn vui vẻ trả lời: “Tụi em ăn miết có sao đâu, lâu lâu cũng có đau bụng mà nghĩ do uống đá me chua quá, bụng yếu thì đau. Lo gì cô ơi, ngon là được. Ăn ít, chẳng làm sao đâu, nếu đau quá thì đi ngoài hoặc ói được sẽ hết”.

Liên quan đến “quan niệm” trên của một số học sinh, BS.CKII Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai khẳng định, lượng thực phẩm ăn nhiều hay ít không quyết định việc ngộ độc nặng hay nhẹ mà lượng độc tố vào cơ thể và đối tượng sử dụng thực phẩm mới quyết định điều đó.

Theo BS Nguyễn Trọng Nghĩa, việc nhiều người lầm tưởng ăn ít thì không ngộ độc là hoàn toàn sai lầm, nhất là ở bệnh nhi. Tình hình bệnh tật ở các bé khác hoàn toàn với người lớn, nên để nắm được hết tất cả các mặt bệnh là rất khó. Bệnh ở người lớn thì triệu chứng có thể nhẹ hơn hoặc có thể uống thuốc sẽ cải thiện và hết. Nhưng đối với trẻ em thì cơ thể yếu, sức đề kháng còn kém nên khả năng chống lại tác nhân gây hại là chưa cao, vì vậy bệnh sẽ diễn tiến nhanh và nặng hơn.

“Sau ngộ độc việc đi tiêu lỏng, nôn ói là dấu hiệu để biết cơ thể có chất lạ thâm nhập vào chứ không phải đi tiêu lỏng, nôn ói là có thể khỏi bệnh. Người lớn cần chú ý đến tình hình sức khỏe của trẻ như đi tiêu lỏng, sốt, nôn ói, ngủ li bì, không vui chơi thì tuyệt đối không tự ý mua thuốc cho trẻ uống mà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời”, BS Nghĩa lưu ý.

Một gánh hàng bánh tráng trộn thu hút rất nhiều học sinh xếp hàng mua.

Một gánh hàng bánh tráng trộn thu hút rất nhiều học sinh xếp hàng mua.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa từ xa

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc tại TPHCM và các tỉnh lân cận, đặc biệt số ca nặng tập trung chủ yếu ở trẻ nhỏ, học sinh. Ngành Giáo dục và y tế các địa phương đặc biệt quan tâm quán triệt chỉ đạo các giải pháp phòng chống, đặc biệt nhấn mạnh cảnh báo mối nguy từ hàng rong.

Ông Đỗ Huy Khánh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai cho hay, hầu hết các xe/gánh hàng rong thuộc diện kinh doanh nhỏ, lẻ, không đăng ký kinh doanh, không được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đảm bảo vệ sinh ATTP, ít được cơ quan chức năng kiểm tra nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai đề nghị thầy cô lãnh đạo, phụ trách các đơn vị thực hiện nghiêm các chỉ đạo của sở về công tác bảo đảm ATTP trong trường học. Cụ thể, tập trung phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trường học trong việc bảo đảm an ninh, ATTP trong trường học.

Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền địa phương trong việc xử lý tình trạng bán hàng rong xung quanh trường (giải tán hoặc tăng cường kiểm tra, xử phạt khi phát hiện vi phạm quy định ATTP). Thường xuyên kiểm tra, tự kiểm tra, rà soát việc chấp hành các quy định về bảo đảm ATTP trong việc tổ chức căn tin, bữa ăn bán trú, nội trú của đơn vị.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về ATTP cho học sinh; nhắc nhở các con/em hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn đường phố, nhất là tại các xe, gánh bán hàng rong để phòng, tránh nguy cơ ngộ độc.

Trước tình hình ngộ độc thực phẩm liên tục xảy ra trên địa bàn TPHCM, bà Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM nhận định, đặc thù của thức ăn đường phố khó đảm bảo an toàn vệ sinh vì đây là những quán không cố định, di chuyển liên tục nên khả năng dính bụi, côn trùng xâm nhập rất cao.

“Thời tiết nắng nóng, giao mùa lúc nắng, lúc mưa là điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn có hại phát triển, nếu không may ăn phải sẽ có nguy cơ nhiễm độc, nhiễm khuẩn gây đến tình trạng ngộ độc thực phẩm”, bà Lan cho hay.

Theo bà Lan, mỗi khu vực, địa phương cần tập trung kiểm soát thức ăn đường phố, nhất là tăng cường tập trung, kiểm soát nguồn nguyên liệu, đảm bảo đầu vào trước khi các cơ sở chế biến thành phẩm để đưa ra thị trường.

“An toàn nhất là mỗi cá nhân cần trang bị kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện ăn chín, uống sôi, mua hàng đảm bảo nguồn gốc, không ăn đồ thiu, ôi hay đồ để qua đêm không được bảo quản, che chắn. Đặc biệt, nếu phát hiện nơi nào không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có thể liên hệ trực tiếp đến đường dây nóng của Sở để thông báo”, bà Lan nhấn mạnh.

Liên quan đến vụ ngộ độc bánh mì ở TP Long Khánh (Đồng Nai), ngày 7/5, Sở Y tế Đồng Nai cho biết, kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR và cấy phân tìm tác nhân gây ngộ độc trên 29 mẫu bệnh phẩm do các bệnh viện và Viện Y tế công cộng TPHCM thực hiện ghi nhận: 16/29 mẫu dương tính đồng thời với 2 chủng vi khuẩn Salmonella và E.coli, 9/29 mẫu dương tính với vi khuẩn E.coli.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm lấy tại cơ sở bánh mì nêu trên khi vụ ngộ độc xảy ra do Viện Y tế công cộng TPHCM thực hiện ghi nhận 4/8 mẫu thực phẩm như pate, thịt heo đã qua chế biến, chả lụa, dưa muối chua, có kết quả phát hiện vi khuẩn Salmonella. Qua phân tích các kết quả xét nghiệm trên có thể kết luận nguyên nhân ra vụ gây ngộ độc thực phẩm có liên quan đến vi khuẩn Salmonella.

Tin tiêu điểm

Ông MacNair cắt tỉa cây cảnh tại nhà riêng ở Dubai.

Bậc thầy bonsai ở Dubai

Thế giới
GD&TĐ - Khi lần đầu mua cây cảnh vào những năm 1980, ông Robert MacNair (Scotland), không hề biết rằng nó sẽ là khởi đầu đam mê suốt đời mình.

Đừng bỏ lỡ