Ẩn họa từ bẻ cổ không đúng cách

GD&TĐ - Bẻ cổ có thể gây ra rủi ro nếu không được thực hiện đúng cách, bao gồm tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu.

Việc điều trị tại cơ sở không có chuyên môn, bác sĩ không có tay nghề sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người bệnh. Ảnh minh họa
Việc điều trị tại cơ sở không có chuyên môn, bác sĩ không có tay nghề sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người bệnh. Ảnh minh họa

Gãy xương sườn do bấm huyệt và bẻ khớp

Do mệt mỏi, bà P.K.A. (51 tuổi, ngụ TPHCM) đến TP Thủ Đức bấm huyệt và bẻ khớp. Địa điểm bà A. lựa chọn đến là một nơi khá nổi tiếng, nhiều người lui tới. Khai thác bệnh sử, bà A. cho biết, sau khi được bấm huyệt và bẻ cột sống, cảm giác đau nhói vùng thắt lưng xuất hiện.

Tuy nhiên, “thầy” bảo không sao, hẹn hôm sau tiếp tục điều trị. Sau buổi trị liệu thứ 2, cơn đau không giảm mà tăng dần, bà A. không thể vận động, không di chuyển được do đau, khó thở, nằm mệt nên nhập Bệnh viện 1A thăm khám và điều trị.

Tại bệnh viện, kết quả chụp phim cho thấy bà A. bị gãy xương sườn 12 phạm khớp sườn cột sống. Do không có mảng sườn di động không ảnh hưởng chức năng hô hấp. Các bác sĩ cho toa thuốc, nghỉ ngơi 1 tháng, hạn chế cử động vùng thân để xương sườn chóng lành. Khi tình trạng ổn, tiếp tục tiến hành chữa đau thắt lưng và thoát vị đĩa đệm.

Liên quan đến trường hợp này, BS Calvin Q Trịnh, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng và hình thể HMR cho rằng, nắn chỉnh khớp “chiropractice” kỹ thuật điều trị này khá phổ biến, nhưng hiện nay đang bị đẩy lên mức thái quá. Thực tế, có đến hơn nửa số bệnh nhân nắn khớp sẽ không kêu, không kêu to hay nhận phản ứng thái quá của bệnh nhân như trên các clip trên các nền tảng mạng xã hội.

“Việc các kỹ thuật viên thực hiện kém tay nghề hay cố làm tiếng kêu giúp bệnh nhân thỏa mãn thì chấn thương và gãy xương là không tránh khỏi.”, BS Calvin Q Trịnh cho hay.

Hai khái niệm về điều trị và trị liệu

an-hoa-tu-be-co-khong-dung-cach-1.jpg
Bà A. bị tổn thương sau khi thực hiện bấm huyện và bẻ khớp. Ảnh: BVCC

Theo ThS.BS Nguyễn Hữu Đức Minh, Trưởng đơn vị trị liệu đau, Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp, điều trị và trị liệu là hai khái niệm khác nhau, nhưng thường được sử dụng bổ sung cho nhau trong lĩnh vực y tế và tâm lý. Điều trị (Treatment) thường liên quan đến việc sử dụng thuốc, can thiệp y tế hoặc quy trình để chữa trị một căn bệnh hoặc triệu chứng cụ thể.

Ví dụ như sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng hoặc phẫu thuật để loại bỏ khối u. Trị liệu (Therapy) thường liên quan đến các phương pháp hỗ trợ tinh thần hoặc tâm lý để giúp người bệnh đối phó với các vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc cảm xúc. Trị liệu có thể bao gồm các phương pháp như liệu pháp hành vi nhận thức, trị liệu tâm lý, và các hình thức hỗ trợ khác.

Bẻ cổ, hay còn gọi là nắn cổ là một kỹ thuật trị liệu không hoàn toàn được coi là một thủ thuật của xoa bóp truyền thống. Kỹ thuật trên liên quan đến việc nắn chỉnh các đốt sống cổ với mục tiêu điều chỉnh vị trí hoặc khôi phục chức năng. Bẻ cổ khác biệt với xoa bóp truyền thống. Xoa bóp chủ yếu là phương pháp tác động lên cơ và mô mềm để giảm căng thẳng, đau đớn và cải thiện lưu thông máu.

Bẻ cổ cần được thực hiện bởi những người có trình độ chuyên môn như bác sĩ nắn xương (chiropractor) hoặc bác sĩ vật lý trị liệu. Hiện nay, ở các nước châu Á và ngay cả tại Việt Nam vẫn chưa có hệ đào tạo bác sĩ chuyên ngành này. Bẻ cổ có thể gây ra rủi ro nếu không được thực hiện đúng cách, bao gồm tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu.

BS Nguyễn Hữu Đức Minh lưu ý, những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong như: Tổn thương dây thần kinh, đứt mạch máu, chấn thương cột sống, thiếu kiến thức kỹ thuật… Cụ thể, nếu bẻ cổ mạnh có thể gây áp lực lên các dây thần kinh cổ hoặc tuỷ sống, dẫn đến cảm giác tê liệt, yếu cơ, hoặc thậm chí là tổn thương nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động.

Bên cạnh đó, nếu bẻ cổ mạnh gây ảnh hưởng đến các mạch máu chính, như động mạch đốt sống, chạy gần cột sống cổ, có thể xảy ra rách hoặc đứt tĩnh mạch, dẫn đến thiếu máu não hoặc đột quỵ thậm chí tử vong.

Những động tác bẻ cổ mạnh có thể dẫn đến chấn thương cột sống, gây xô lệch hoặc chấn thương các đốt sống cổ, làm tăng nguy cơ đau lưng mãn tính hoặc gãy xương. Song song đó, nếu người thực hiện không có kiến thức hoặc kỹ năng cần thiết trong việc bẻ cổ, không khéo léo có thể làm tăng khả năng gây chấn thương.

Vừa qua, báo chí đưa tin nữ ca sĩ P. đã tử vong sau khi trải qua ba buổi mát-xa, trong đó có hai buổi mát-xa cổ, tại một cửa hàng mát-xa ở tỉnh Udon Thani, Thái Lan.

BS Minh cho biết thêm, xoa bóp Thái Lan, hay còn gọi là “Nuad Thai” có nguồn gốc từ các truyền thống y học cổ truyền của Ấn Độ, Trung Quốc và các nền văn hóa Đông Nam Á. Nó được phát triển và tinh chỉnh qua nhiều thế kỷ, trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa Thái Lan.

Xoa bóp cũng là ngành dịch vụ góp phần phát triển du lịch tại Thái Lan. Do đó, các kỹ thuật viên đã được học bài học rất bài bản trước khi thực hiện cho khách. Tuy nhiên, vẫn có những nơi đào tạo không bài bản và chuyên sâu.

Theo đó, về trường hợp ca sĩ P. gây ra sự chú ý và bàng hoàng trong cộng đồng minh chứng cho việc vẫn tiềm ẩn những rủi ro liên quan đến kỹ thuật bẻ cổ. Ca tử vong của nữ ca sĩ sau ba lần thực hiện massage cổ vai gáy có bẻ cổ cho thấy tầm quan trọng của việc thực hiện các kỹ thuật điều trị này bởi những người có chuyên môn và trong một môi trường an toàn. Đây cũng là một nhắc nhở về việc cần thông báo rõ ràng về tình trạng sức khỏe của bản thân trước khi thực hiện các thủ thuật có thể gây rủi ro.

Từ câu chuyện xoa bóp ở Thái Lan và đứng trên vai trò là người giảng dạy trên 10 năm liên quan đến chuyên ngành xoa bóp trị liệu tại Việt Nam, BS Minh nhận định: Nhu cầu liên quan trị liệu đau nhức cổ vai gáy ngày càng trẻ hoá và tăng lên rất cao. Tuy nhiên, cùng một bài học về xoa bóp cổ vai gáy, một bác sĩ chuyên ngành, một huấn luyện viên, một doanh nhân hay bất kỳ ai có thể tiếp nhận khác nhau và chọn giải pháp khác nhau.

“Trong y khoa có một câu kinh điển nếu bạn chọn làm những ngành dịch vụ sức khoẻ: Trước hết đừng làm hại. Nếu chưa có kiến thức thì hãy tham gia đào tạo khóa ngắn hạn, khóa cơ bản, đừng chạy theo lợi nhuận mà làm tổn hại thậm chí tử vong cho khách hàng”, BS Minh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/ITN

Lợi đây, hại kia

GD&TĐ - Ông Trump coi trọng và tập trung ưu tiên trước hết vào cái lợi về đối nội trước mắt và cố tình làm ngơ cái lợi bất cập hại đối với nước Mỹ.