Khi trụ chống đỡ cơ thể lâm nguy

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cột sống được ví như trụ chống đỡ cơ thể con người. Nhờ cột sống, các bộ phận trong cơ thể ổn định vị trí và thực hiện chức năng của mình.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Bộ xương người được “ghép” từ 206 chiếc xương và được chia làm 2 nhóm chính: Xương trục (80) và xương chi (26). Cột sống thuộc về nhóm xương trục và là một trục cong mềm mại, uyển chuyển được hợp nhất từ 26 cái xương, gọi là đốt sống.

Các đốt sống được chia thành từng nhóm nhỏ và mang tên gọi theo vị trí mà nó “đứng mũi chịu sào”, gồm: 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực - tương ứng với 12 đôi xương sườn, 5 đốt sống lưng, một xương cùng và một xương cụt. Cột sống có chức năng chống đỡ, ổn định hình dạng và giữ thăng bằng cho mọi hoạt động của cơ thể con người.

Có thể khiến người bệnh bị tàn phế

Giống như các cơ quan khác, cột sống cũng có bệnh lý riêng. Viêm cột sống dính khớp là một bệnh thường gặp và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bệnh mang tính di truyền này có diễn biến kéo dài và trở thành bệnh mạn tính. Hiện chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh. Nam giới mắc nhiều hơn nữ giới. Đa số các trường hợp mắc bệnh trước tuổi 35, một số ít hơn xảy ra sau tuổi 45.

Viêm cột sống dính khớp là loại bệnh lý viêm mang tính hệ thống. Ngoài các thương tổn tại cột sống, nhiều trường hợp còn kéo theo sự thương tổn ở các khớp háng, khớp gối, dây chằng, các khớp bàn chân. Thậm chí còn thương tổn tại các bộ phận không có liên quan gì đến xương khớp như da, mắt, tim, phổi và gan.

Nếu không được chẩn đoán xác định và điều trị sớm, bệnh viêm cột sống dính khớp sẽ gây các biến dạng ở khớp xương và khiến người bệnh bị tàn phế, mất sức lao động, học tập…

Biểu hiện chính của bệnh là đau lưng, đau thắt lưng. Lúc mới khởi bệnh thì đau mơ hồ, âm ỉ. Cùng với thời gian, đau sẽ rõ dần và mức độ cũng tăng. Điều đáng lưu ý là tính chất đau không giảm khi người bệnh nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, sự vận động nhẹ nhàng lại mang đến cho người bệnh cảm giác dễ chịu hơn. Một số bệnh nhân, vào buổi sáng sớm thấy có hiện tượng cứng cột sống gây khó khăn trong các hoạt động. Đầu không cử động được, muốn nhìn ngang hoặc nhìn ra phía sau phải xoay luôn cả cơ thể.

Ở các bệnh nhân có ảnh hưởng khớp thì các khớp tiến triển viêm, gây hiện tượng sưng - nóng - đỏ - đau, trường hợp nặng có tràn dịch khớp. Các khớp bị tổn thương thường gặp là khớp háng và khớp gối. Thương tổn ở các khớp này luôn mang tính đối xứng hai bên.

Ngoài ra, người bệnh còn có thể gặp một số biểu hiện sau đây:

- Sốt nhẹ, mệt mỏi, mất ngủ, sụt cân, ăn uống kém ngon.

- Sưng đau các ngón chân, ngón tay, vảy nến.

- Viêm kết mạc mắt, viêm màng bồ đào.

- Các bệnh lý ở hệ tuần hoàn, hô hấp và tiêu hóa (như đau vùng bụng, tiêu chảy, viêm ruột, xuất huyết...).

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Hướng điều trị và phòng bệnh

Do yếu tố di truyền, mạn tính và không rõ nguyên nhân, nên việc điều trị chỉ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra và làm chậm quá trính tiến triển của bệnh. Mục tiêu này chỉ đạt được khi các tổn thương không hồi phục chưa xuất hiện.

Thuốc điều trị chủ yếu nhằm mục đích giảm đau, giảm viêm và giảm hiện tượng cứng khớp. Các thuốc thường được sử dụng theo chỉ định thuộc nhóm Non-steroid (NSAIDs) như Naproxen (Naprosyn), Voltaren (Diclofenac) hay Indomethacin (Indocin, Tivorbex). Trường hợp dùng thuốc thông thường không hiệu quả thì được chỉ định dùng các chế phẩm sinh học như kháng TNF hoặc chất ức chế IL-17.

Bên cạnh việc dùng thuốc, châm cứu cũng mang lại kết quả giảm đau tốt. Vật lý trị liệu rất quan trọng trong việc cải thiện tình trạng đau, cứng khớp và hạn chế sự vận động. Việc chăm sóc và tập luyện cần được tiến hành hằng ngày để tăng sức bền và tăng sự dẻo dai, linh hoạt cho các khớp.

Sau đây là một số biện pháp mà bản thân người bệnh hoặc người nhà có thể thực hiện được mỗi ngày tại gia đình: Chườm nóng hoặc chườm lạnh, xoa bóp, massage, thay đổi tư thế đúng cách lúc vận động cũng như khi nghỉ ngơi.

Phẫu thuật chỉ được đặt ra cho các trường hợp có biến chứng nghiêm trọng như viêm dính khớp háng gây đau nhức thường xuyên và không vận động được. Trường hợp này cần phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo.

Do không biết được nguyên nhân gây bệnh là gì. Nên việc phòng bệnh không có cách nào gọi là đặc hiệu. Tuy nhiên, ăn uống hợp lý, đầy đủ các chất dinh dưỡng và sự rèn luyện thân thể bằng các phương pháp thể dục thể thao phù hợp sẽ giúp hạn chế được sự tiến triển của bệnh và trì hoãn được quá trình xuất hiện bệnh viêm cột sống dính khớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Huỳnh Như giữ lời hứa với Lank FC

Huỳnh Như giữ lời hứa với Lank FC

GD&TĐ - Hầu hết các đồng đội đã khăn gói ra đi sau khi Lank FC khủng hoảng tài chính nhưng Huỳnh Như vẫn giữ lời hứa với đội bóng Bồ Đào Nha.