Bệnh cột sống và cách giảm đau lưng

GD&TĐ - Biểu hiện tiêu biểu và thường gặp nhất của cột sống là đau lưng. Bệnh lý về cột sống thì nhiều. Nhưng sau đây chỉ xin nêu ra hai bệnh thường gặp nhất. Đó là bệnh gai cột sống và thoát vị địa đệm.

Biểu hiện của bệnh thoát vị đĩa đệm cổ. Ảnh: Minh họa.
Biểu hiện của bệnh thoát vị đĩa đệm cổ. Ảnh: Minh họa.

Bệnh gai cột sống

Gai cột sống là tình trạng cột sống bị thoái hóa do quá trình sống và hoạt động. Vì vậy, tỉ lệ mắc bệnh gia tăng theo độ tuổi. Biểu hiện của bệnh trên phim X quang là tình trạng xương của thân đốt sống phát triển thêm ra trông giống như một cái “gai” nên gọi là gai cột sống.

Các nguyên nhân gây ra gai cột sống bao gồm: Viêm khớp cột sống mạn tính, sự lắng đọng calcium ở các dây chằng hay gân do rối loạn chuyển hóa của cơ thể và di chứng của một chấn thương trong quá khứ.

Đa số các gai cột sống xuất hiện ở mặt trước và bên, hiếm khi xuất hiện ở phía sau thân đốt sống nên ít gây chèn ép vào rễ thần kinh hay tủy sống. Các biểu hiện thường gặp ở gai cột sống nói chung là đau lưng, đau vai và bị tê tay hoặc chân.

Điều trị thường dùng các loại thuốc giảm đau kết hợp với vật lý trị liệu (xoa bóp, day ấn huyệt, chiếu đèn...), tập thể dục, chơi các môn thể thao nhẹ nhàng phù hợp như bơi lội, tập aerobic, yoga, ngồi thiền, đi bộ... Người bệnh nên tránh các công việc nặng như khiêng vác các vật có trọng lượng lớn.

Ngoài ra, cần lưu ý chế độ ăn nhằm tránh tình trạng tăng cân quá mức hay béo phì gây gia tăng áp lực lên cột sống qua việc hạn chế ăn nhiều chất béo, nhất là mỡ động vật. Cần tăng cường ăn nhiều rau xanh và trái cây.

Thoát vị đĩa đệm

Biểu hiện của bệnh gai đôi đốt sống.
Biểu hiện của bệnh gai đôi đốt sống.

Đĩa đệm là một cấu trúc có tính đàn hồi nằm giữa hai đốt sống. Nhờ có các đĩa đệm mà cột sống hoạt động một cách linh hoạt. Gọi là đĩa đệm vì hình dạng trông giống như là cái “đĩa” và có chức năng “lót” giữa hai đốt sống nên gọi là “đệm”.

Các thành phần cấu tạo cơ bản của đĩa đệm bao gồm: Nhân nhầy (một chất dạng gel), vòng sợi (một tổ chức dạng sợi, phía sau dày hơn phía trước để ngăn cản nhân nhầy “lồi” vào ống cột sống) và mâm sụn (một tổ chức sụn, gắn vào tấm cùng của thân đốt sống). Khi chụp phim X quang, đĩa đệm không hiện ra, trừ khi bị vôi hóa.

Khoảng trống thấy được giữa hai đốt sống chính là vị trí của đĩa đệm. Khoảng cách giữa hai đốt sống đúng bằng chiều cao của đĩa đệm. Tỉ lệ giữa chiều cao của đĩa đệm và thân đốt sống khoảng 1/6 - 1/4.

Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng rách vòng sợi, làm cho nhân nhày và tổ chức khác của đĩa đệm thoát khỏi vị trí bình thường “lồi” vào trong hoặc ra ngoài. Sự di chuyển vị trí này chèn ép các tổ chức lân cận và gây đau.

Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm có thể là thoái hóa sớm các đĩa đệm, do chấn thương, do hoạt động quá tải của cột sống, do sai lệch tư thế. Các biểu hiện của bệnh thoát vị đĩa đệm thường thấy là:

- Đau từ từ do thoái hóa đĩa đệm hoặc đau đột ngột vùng thắt lưng hông sau chấn thương, sau khiêng vác nặng hoặc sau vận động sai lệch cột sống.

- Tính chất cơn đau của thoát vị đĩa đệm là tăng đau khi ho, khi hắt hơi, khi vận động, rặn lúc đi đại tiện, đứng ngồi lâu, đi lại nhiều cũng gây đau. Nằm nghỉ ngơi thì giảm đau một cách rõ rệt, nhưng nếu đưa thẳng chân lên cao sẽ gia tăng cảm giác đau.

- Khi có tổn thương rễ thần kinh do chèn ép: Cảm giác tê rần, giảm hoặc mất cảm giác, giảm phản xạ, giảm trương lực cơ và sức co cơ, teo cơ.

- Người bệnh có thể đi nghiêng người về một bên do vẹo cột sống thắt lưng.

Nói chung, hơn 90% bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm đều được điều trị bảo tồn bằng nội khoa và tập phục hồi chức năng. Thời gian điều trị thường kéo dài khoảng 6 tuần. Sau khoảng thời gian đó, chỉ 5 - 10% được cân nhắc với chỉ định mổ, nếu mọi nỗ lực điều trị bảo tồn bị thất bại.

Cách phòng bệnh: Thường xuyên tham gia các hoạt động thể dục thể thao rèn luyện sực bền của cơ thể. Không khiêng vác quá nặng, Đứng ngồi đúng tư thế. Không nhấc một vật quá nặng trong tư thế nghiêng cột sống.

Cách hạn chế đau lưng

Nếu khung xương được xem như là giá đỡ của cơ thể con người thì cột sống chính là “thân” của cái giá đỡ ấy. Cột sống của con người có tổng cộng 26 đốt xương và được phân chia thành nhiều đoạn. Mỗi đoạn đều có tên gọi riêng. Nếu tính từ trên xuống dưới, cột sống được phân đoạn và gọi tên như sau: 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực (tương ứng với 12 đôi xương sườn), 5 đốt sống lưng, 1 xương cùng và 1 xương cụt). Thật ra về mặt bản chất thì xương cùng do 5 xương sống thoái hóa và hợp nhất và xương cụt cũng do 3 - 5 xương sống thoái hóa và hợp nhất mà thành.

Đau lưng là một biểu hiện khá phổ biến và thường gặp ở nhiều người. Có thống kê cho rằng, cứ 10 người trong chúng ta thì có đến… 8 người bị đau lưng ở những mức độ khác nhau. Tỉ lệ mắc chứng đau lưng ở phụ nữ cao hơn nam giới. Điều này liên quan đến chức năng làm mẹ. Gồm thời gian mang thai kéo dài và đặc điểm cúi người về phía trước ở nữ nhiều hơn nam. Sau đây là 5 cách hạn chế chứng đau lưng mà các nhà chuyên môn khuyến cáo:

Thứ nhất, ăn nhiều rau (thuộc họ rau cải càng tốt). Vì trong rau có nhiều vitamine K giúp tích lũy calci làm tăng độ chắc và sự “khỏe mạnh” cho bộ khung xương nói chung và cho cột sống nói riêng qua việc gia tăng mật độ của các tế bào tủy xương.

Thứ hai, ngồi đúng cách: Học sinh cần ngồi học đúng cách, những người làm việc văn phòng không ngồi “lì” trước màn hình vi tính, mà cần có sự vươn vai hoặc đi lại mỗi 30 phút để thư giản. Ngồi ghế tựa lưng có nệm tốt hơn không nệm hoặc ghế cứng.

Thứ ba, ngủ đúng cách: Giường ngủ có nệm sẽ giúp hạn chế đau lưng hơn loại giường cứng. Tư thể ngủ tốt nhất là nằm ngửa, đầu không được gối cao quá. Nếu có thói quen nằm ngủ trong tư thế nghiêng thì lưu ý không nên để vai bị gập cong (do gối đầu cao).

Thứ tư, hạn chế mang vác nặng và sai tư thế: Việc mang vác sai tư thế hoặc quá nặng (vượt quá 10% trọng lượng cơ thể) sẽ mang lại những điều bất lợi cho cột sống, làm cho hệ thống đĩa đệm của cột sống bị thương tổn. Trong tình huống phải mang vác nặng cần đúng tư thế và không nên ráng sức quá mức, đổi vai liên tục để chia đều sự chịu đựng này và nghỉ ngơi phù hợp.

Thứ năm, rèn luyện sức khỏe: Việc rèn thể lực thường xuyên sẽ tạo được một “tổ hợp” cơ lưng bụng ngực chắc khỏe, giúp tránh được các nguy cơ gây thoái hóa cột sống lưng. Có một bài tập đơn giản mang lại hiệu quả cao như sau: Nằm ngửa trên một mặt phẳng, chống chân và gập gối.

Thực hiện động tác nâng mông lên xuống. Rồi gập bụng sao cho các bó cơ lưng và bụng đựơc luyện tập sự đàn hồi. Sự luyện tập một thời gian dài sẽ giúp chúng chắc hơn và khỏe hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ