An Giang: Gần 79 nghìn học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến

GD&TĐ - Năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT tỉnh An Giang còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai dạy và học trực tuyến. Rất nhiều học sinh của tỉnh chưa đủ thiết bị để tham gia học trực tuyến.

Thầy cô giáo và học sinh tiểu học An Giang làm quen với lớp học trực tuyến.
Thầy cô giáo và học sinh tiểu học An Giang làm quen với lớp học trực tuyến.

Theo kế hoạch, học sinh các cấp trong tỉnh An Giang sẽ chính thức thực học chương trình năm học mới qua hình thức trực tuyến từ ngày 20/9.

Ông Võ Văn Quới, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT An Giang) cho biết, cấp tiểu học sẽ dạy học trực tuyến chính thức từ ngày 27/9. Từ 20/9 đến 24/9, các trường tiếp tục tổ chức hướng dẫn cho học sinh làm quen với thiết bị, lớp học trực tuyến, ôn tập kiến thức để chuẩn bị  tâm thế bước vào năm học mới.

Mặc dù các cơ sở giáo dục đã chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về việc dạy và học trực tuyến, nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là học sinh chưa đủ thiết bị để theo học hình thức này.

Thống kê từ Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, toàn tỉnh có 78.725 học sinh cấp tiểu học, THCS và THPT chưa có thiết bị học trực tuyến, chiếm 21,73%. Trong đó, số học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và diện khó khăn cần hỗ trợ thiết bị học trực tuyến là 35 nghìn em.

Trước tình hình này, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh An Giang đã triển khai kế hoạch "vận động đóng góp kinh phí, hiện vật trong toàn ngành" nhằm hưởng ứng Chương trình "Sóng và máy tính cho em" của Chính phủ.

Theo đó, Sở kêu gọi, vận động mọi nguồn lực đóng góp kinh phí, hiện vật trong và ngoài ngành nhằm hưởng ứng tích cực chương trình. Trong đó vận động mỗi cán bộ, giáo viên, người lao động trong ngành đóng góp tối thiểu 1 ngày lương hiện hưởng theo lời kêu gọi của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Ngoài ra, nếu có điều kiện, các cán bộ, giáo viên và người lao động trong ngành có thể đóng góp thêm bằng hiện vật như laptop, máy tính để bàn, máy tính bảng, điện thoại thông minh còn mới hoặc đã qua sử dụng, nhằm hỗ trợ học sinh khi bước vào thực học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ