TS Nguyễn Trọng Hưng – Phòng khám Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cơ sở 2 cho biết anh gặp nhiều bệnh nhân là nạn nhân của giảm béo trong đó có giảm béo không đúng cách khiến không kiểm soát được việc tăng cân, thiếu các chất cần thiết cho cơ thể.
Chị Trần Thu Nguyên trú tại Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội là một điển hình. Chị Nguyên tâm sự sau khi sinh cháu thứ hai, chị vẫn không giảm cân thậm chí còn tăng thêm. Do bận rộn, chị không có thời gian tập thể dục được nên chọn giảm cân bằng cách giảm ăn.
Chị loại bỏ các thực phẩm có nhiều chất béo như trứng, thịt chân giò và cá loại mỡ động vật. Tuy nhiên, liệu trình giảm cân của chị không được như ý khi trong 6 tháng nuôi con nhỏ chị tăng từ 58 lên 62 kg.
Hay trường hợp của bà Vũ Thị Vinh, 53 tuổi trú tại Đức Giang, Long Biên, Hà Nội bị ngất vì giảm cân. Bà Vinh phải đi viện khi đến bác sĩ cho biết bà có dấu hiệu hạ đường huyết, tiền đình. Bà Vinh kể hai tháng nay bà ăn kham khổ để giảm cân. Hàng ngày bà nhịn cơm và các món khác chỉ ăn đĩa rau luộc với miếng đậu phụ. Vốn bị huyết áp thấp nên khi giảm cân đứng lên ngồi xuống bà bị chóng mặt và một lần sau khi đi làm về, cất xe mà đã ngã ra sân.
TS Hưng cho biết sai lầm thường gặp trong giảm cân là nhiều người ăn kiêng quá “khắc nghiệt” hoặc nhịn ăn khi tin rằng nếu thiếu năng lượng, cơ thể sẽ đốt mỡ. Thực tế thì trước khi chuyển hóa ngược mỡ trắng thành năng lượng cho hoạt động, cơ thể sẽ sử dụng năng lượng từ cơ trước. Điều đó dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như mệt mỏi, tụt huyết áp, hạ đường máu, cơ thể suy kiệt gây nên nhiều bệnh lý, thậm chí có thể tử vong.
Do vậy, giảm ăn khoa học là phải đảm bảo “nghèo năng lượng nhưng giàu dinh dưỡng”, tức là vẫn phải đủ lượng đạm, vitamin, khoáng chất, chất xơ, chất béo và đường bột.
Trả lại vai trò cho chất béo
Thạc sĩ Nguyễn Huy Cường - Phòng Khám nội tiết số 131 Thái Hà cho biết thêm suy nghĩ giảm béo bằng cách nói không với chất béo là sai lầm và không có giá trị trong giảm béo vì chất béo rất cần cho chuyển hóa.
Thạc sĩ Cường cho biết mới đây các chuyên gia Anh Quốc đã cảnh báo những khuyến cáo hiện tại về chế độ ăn ít chất béo đang gây ra những “hệ quả tai hai cho sức khỏe”.
Trên Diễn đàn béo phì quốc gia (National Obesity Forum: NOF) và Tổ chức cộng tác vì sức khỏe cộng đồng (Public Health Collaboration: PHC) kêu gọi xem xét kỹ lưỡng về khuyến cáo chế độ ăn hiện nay. Suốt 30 năm nay, khuyến cáo chính thức về chế độ ăn giảm béo tới cộng đồng; Diễn đàn béo phì quốc gia và Tổ chức cộng tác vì sức khỏe phát hành những báo cáo đề nghị thay đổi chế độ ăn giảm béo này.
Cũng theo Thạc sĩ Cường bản báo cáo của Diễn đàn béo phì quốc gia biện luận rằng chế độ ăn giảm béo nhằm mục đích giảm cholesterol đã dựa trên những suy diễn khoa học sai lầm, chế độ ăn giảm béo này khiến cho mọi người gia tăng đồ ăn vặt và carbohydrate. Bản báo cáo cũng quy kết trách nhiệm của chế độ ăn giảm béo gây ra nhiều ca béo phì và tiểu đường hơn ở Anh vì ăn vặt chính là lý do hàng đầu khiến chúng ta bị béo phì.
Không chỉ với bệnh béo phì mà lâu nay, bệnh nhân tiểu đường vẫn được khuyến cáo ăn nhiều hơn carbohydrate, giảm chất béo. Nhưng những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng ăn ít carbohydrate, tăng chất béo có lợi ích hơn rất nhiều trong việc quản lý đường máu và giảm cân.
Trong các báo cáo của Diễn đàn béo phì quốc gia, rất nhiều nghiên cứu chứng minh chế độ ăn nhiều chất béo, ít carbohydrate tốt hơn cho việc giảm cân và giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
Bản báo cáo cũng cố gắng thuyết phục bệnh nhân tiểu đường type 2 hãy ăn thực phẩm nhiều chất béo hơn là ăn chất bột - đường. Tránh những thực phẩm được dán nhãn “ít béo” bởi vì không có bằng chứng thuyết phục nào chứng minh ăn ít chất béo bão hòa làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch và tử vong. Không những vậy, ăn các sản phẩm đầy đủ chất béo như sữa, sữa chua, phô-mai còn bảo vệ được tim.
Tóm lại, chế độ ăn giảm béo giàu bột-đường là 1 sai lầm nghiêm trọng cho sức khỏe cần nhanh chóng được thay đổi bởi chế độ ăn giàu chất béo, ít tinh bột.