Ăn gì giúp tăng cường đề kháng?

GD&TĐ - Probiotic giúp điều chỉnh vi khuẩn đường ruột, giảm nguy cơ mắc các bệnh, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.

PGS.TS Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
PGS.TS Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Việc sử dụng sữa chua hằng ngày cung cấp các nguồn dinh dưỡng như đạm, đường, canxi, phốt pho, vitamin, chất khoáng… dễ hấp thu.

70% hệ miễn dịch nằm tại ruột

Tại chương trình hưởng ứng “Ngày sức khỏe tiêu hóa thế giới 29/5” được phát động bởi Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - chia sẻ, sức khỏe tiêu hóa đóng vai trò rất quan trọng đối với sức đề kháng và sức khỏe của cơ thể con người. Đặc biệt, hệ đường ruột được xem như người gác cổng, hàng rào đường ruột, bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho cơ thể.

Trong đó, hệ vi sinh đường ruột gồm vi khuẩn, virus, nấm sống dọc chiều dài khoảng 7,5 mét của đường ruột. Vi khuẩn ruột giúp duy trì hàng rào, có lợi cạnh tranh về thức ăn, tiêu diệt vi khuẩn có hại, hình thành đáp ứng miễn dịch. Ngoài ra, hàng rào ruột khỏe mạnh được bao phủ bởi lớp niêm mạc nhày.

Những tế bào niêm mạc tạo nên hàng rào vật lý và sinh hóa ngăn các vi sinh vật gây hại cũng như các chất độc xâm nhập. Đồng thời, cho phép các chất dinh dưỡng có lợi hấp thu. Các nhà khoa học nhận thấy, thiếu chất xơ trong chế độ ăn sẽ ăn mòn hàng rào niêm mạc nhày, làm chúng ta dễ mắc các vi khuẩn gây bệnh.

“Khoảng 70% hệ miễn dịch của cơ thể nằm tại ruột, trong thành ruột có khu vực đặc biệt được gọi là mô lympho liên quan đến ruột (GALT) như mảng Peyer…. GALT sản xuất và dự trữ tế bào miễn dịch (IgA…) giúp giám sát miễn dịch những chất đi qua ruột.

Tế bào miễn dịch trong ruột tương tác với hệ vi khuẩn ruột và trực tiếp tác động bởi chế độ ăn và lối sống của cá thể. Những hệ vi khuẩn này sẽ khỏe và hỗ trợ hệ miễn dịch khi chúng ta có chế độ ăn khỏe, cân đối, đa dạng”, PGS Dương cho biết.

Chuyên gia nhấn mạnh, chế độ dinh dưỡng tốt vô cùng quan trọng đối với hệ vi khuẩn đường ruột và tăng chức năng miễn dịch. Chế độ ăn cân đối, lối sống lành mạnh có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch.

Trong khi đó, chế độ ăn nghèo nàn có thể làm giảm hệ thống miễn dịch, khiến dễ mắc nhiễm trùng. Chế độ ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng cần cho hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Do đó, chăm sóc hệ tiêu hóa nâng cao sức khỏe cần chủ động và duy trì đều đặn hằng ngày bằng chế độ ăn uống cân đối, lành mạnh, đa dạng thực phẩm, đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng là bột đường, đạm, béo, vitamin - khoáng chất.

Khi đó, chế độ ăn sẽ cung cấp đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu như các acid amin cần thiết, acid béo không no omega 3, các loại vitamin A, D, E, C và các chất khoáng như sắt, kẽm, đồng selen… Đó là nguyên liệu góp phần quan trọng trong đáp ứng miễn dịch của cơ thể.

Cụ thể, vitamin A giúp bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Vitamin D có vai trò trong điều chỉnh các phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với các tác nhân nhiễm trùng.

“Chìa khóa” điều chỉnh vi khuẩn đường ruột

Để tăng cường lợi khuẩn đường ruột, theo ông Dương, mọi người nên bổ sung các sản phẩm có probiotic (ví dụ như sữa chua). Probiotic giúp điều chỉnh vi khuẩn đường ruột, giảm nguy cơ mắc các bệnh, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.

Trong các thực phẩm lành mạnh hỗ trợ tốt cho hệ tiêu hóa, sử dụng sữa chua hằng ngày không chỉ cung cấp các nguồn dinh dưỡng như đạm, đường, canxi, phốt pho, vitamin, chất khoáng… dễ hấp thu, mà còn được lên men với lượng lớn men vi sinh. Từ đó, giúp cải thiện cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa và đề kháng miễn dịch cho cơ thể.

Theo chuyên gia, việc sử dụng các sản phẩm sữa chua đầu tiên trong chế độ ăn uống của con người có thể bắt nguồn từ thời kỳ Tân Đồ Đá. Khi đó, những người chăn gia súc ở Trung Đông tình cờ phát hiện ra sữa chua sau khi đựng sữa trong những chiếc túi làm bằng ruột động vật. Họ thấy loại sữa đựng trong những chiếc túi này ăn ngon và mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho sức khỏe.

Theo truyền thuyết, Thành Cát Tư Hãn còn cho quân đội của mình ăn sữa chua, với niềm tin sữa chua truyền sức mạnh và lòng dũng cảm. Đến thế kỷ 16, Vua Pháp Francois Đệ Nhất bắt đầu đưa sữa chua vào Tây Âu, sau khi ông được một bác sĩ từ Thổ Nhĩ Kỳ cho dùng nó như một phương pháp điều trị bệnh tiêu chảy nặng.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho biết, đường ruột có vai trò quan trọng là tiếp nhận dinh dưỡng để nuôi dưỡng cơ thể. Do vậy, đường ruột khỏe giúp cho vi chất dinh dưỡng được hấp thu đầy đủ, tăng cường đề kháng, chống lại các nhiễm trùng.

Để tăng cường sức khỏe tiêu hóa cũng như sức đề kháng cho cơ thể, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị sử dụng thực phẩm giàu probiotic hằng ngày.

Liên quan tới vấn đề nhiều trẻ bị ngộ độc do ăn sữa chua tự làm tại trường học, PGS.TS Lâm cho biết, nếu không đảm bảo an toàn vệ sinh, bảo quản không tốt thì sản phẩm có thể nhiễm các vi khuẩn có hại gây ra ngộ độc.

Ngoài ra, việc bảo quản không tốt sẽ làm giảm đi chủng men tốt. Theo chuyên gia này, sữa chua nên bảo quản kín ở nhiệt độ 4 - 8 độ C. Với nhiệt độ này, sữa chua không bị đóng đá, vẫn giữ được độ mềm mịn, ngon.

PGS Lâm cho biết, chế độ ăn đa dạng đủ 4 nhóm thực phẩm, tăng cường rau xanh và quả chín mỗi ngày là “chìa khóa vàng” nâng cao sức khỏe đường tiêu hóa. Mọi người nên ăn từ 15 - 20 thực phẩm/ngày, tùy theo nhóm tuổi nên có các chế biến phù hợp.

“Vào mùa Hè cần lưu ý nên chế biến món ăn mềm, lỏng. Lưu ý cần ăn đủ rau xanh, quả chín. Thực phẩm giàu chất xơ chính là thức ăn cho các lợi khuẩn đường tiêu hóa. Nếu có điều kiện, nên bổ sung 1 - 2 hộp sữa chua vào chế độ ăn để tốt cho sức khỏe tiêu hóa”, PGS Lâm khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ