Xóa bỏ các kỳ thi
Theo khuyến nghị của Ủy ban dự thảo Chính sách GD quốc gia (NEP), MHRD sẽ quyết định loại bỏ các kỳ thi tại bậc GD THPT kể từ năm 2021. Theo đó, việc đánh giá trình độ người học sẽ được dựa trên quá trình học tập trên lớp và theo cấu trúc “5-3-3-4”.
Cũng theo các nhà lãnh đạo, chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc các khả năng để hoàn thiện chính sách GD quốc gia vào tháng 10/2020 và thực thi vào năm 2021. “Chúng tôi sẽ sớm thông báo tới các hội đồng về những khuyến nghị mà họ đưa ra về cấu trúc mới của kỳ thi được đề xuất bởi ủy ban. Sau khi nhận được đề xuất từ hội đồng và các chuyên gia GD, Bộ sẽ xem xét xóa bỏ cấu trúc “10+2” và sẽ tiến hành quá trình đánh giá đề xuất kể từ năm 2021”, nguồn tin phát biểu.
Tháng 6 vừa qua, Ủy ban dự thảo Chính sách GD quốc gia (NEP) đã đề xuất thiết kế cấu trúc “5-3-3-4”, bao gồm 5 năm nền tảng (3 năm trước tiểu học cùng với lớp Một và Hai), 3 năm chuẩn bị (lớp 3 - 5), 3 năm giai đoạn giữa (lớp 6 - 8) và 4 năm trung học (lớp 9 -12).
Ủy ban đề xuất cấu trúc mới dựa trên các trường quốc tế, tức là đánh giá một HS thông qua thành tích của họ ở lớp. Cũng theo ủy ban, các kỳ thi hiện tại đã khiến HS chỉ tập trung vào một vài môn học mà không có cách thức hiệu quả để học đều các môn, thậm chí đôi khi khiến người học rơi vào trạng thái quá căng thẳng.
“Để theo dõi sự tiến bộ của người học trong suốt quá trình trải nghiệm tại trường, chính sách dự thảo đề xuất kỳ thi ở các lớp 3, 5 và 8. Hơn nữa, dự thảo cũng khuyến nghị tái cấu trúc các kỳ thi bằng cách chỉ kiểm tra những yếu tố cốt lõi, kỹ năng và năng lực của HS.
Các kỳ thi sẽ đánh giá trên một loạt các môn học. HS có thể lựa chọn những môn học cũng như thời gian mà họ muốn làm bài kiểm tra. Các kỳ thi tốt nghiệp có thể sẽ được thay thế bằng các kỳ thi hội đồng này”, ủy ban cho biết.
Song song với đó, MHRD cũng đang xem xét mở rộng độ tuổi HS được miễn học phí, thay vì chỉ ở người học từ 14 – 18 tuổi theo Đạo luật Quyền GD (RTE) hiện tại. Theo đề xuất của Ủy ban NEP, Bộ đang nỗ lực trong việc đưa HS bậc GD mầm non và GD trung học vào phạm vi của Đạo luật RTE. Điều này sẽ có nghĩa là, tất cả trẻ em trong độ tuổi từ 3 - 18 sẽ thuộc diện được miễn học phí”, một quan chức cho hay.
Trong khi đó, các trường tại các bang của Ấn Độ là Gujarat, Tây Bengal và Odisha đã áp dụng hệ thống thi không chấm điểm và chỉ thông báo cho HS về việc liệu người học có đỗ hay không.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng đang cân nhắc tới việc cải cách hệ thống GDĐH. Vừa qua, MHRD đã đề xuất thành lập Cơ quan Quản lý GD quốc gia (NHERA). “Việc thiết lập cơ quan quản lý độc lập sẽ giúp các trường ĐH, CĐ được phép tự chủ trong việc đưa ra quyết định. Cơ quan độc lập này sẽ giúp hạn chế vai trò của Hội đồng GD Kỹ thuật toàn Ấn Độ (AICTE), Hội đồng Luật sư Ấn Độ và Ủy ban tài trợ ĐH (UGC)”, một quan chức nhận định.
Bên cạnh đó, NEP cũng đề nghị thành lập các tổ chức GDĐH thông qua Hiến chương tổ chức GDĐH từ NHERA, giới hạn vai trò của Nghị viện hoặc cơ quan lập pháp tiểu bang. “Các tổ chức GDĐH mới phải được công nhận theo quy định của NHERA trong vòng 5 năm kể từ khi thành lập”, NEP đề xuất.
Ý kiến từ các chuyên gia GD
Trước những thông tin xóa bỏ kỳ thi đối với HS bậc THPT, ông Rashmi Nandkeolyar, Hiệu trưởng kiêm Giám đốc Trường tư thục Delhi Dubai, cho biết: “Đó là một ý tưởng tuyệt vời khi không phải dựa vào một kỳ thi khốc liệt - yếu tố gây nên tính cạnh tranh cao, sự căng thẳng và đôi khi là trầm cảm ở trẻ em. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn vẫn sẽ cần được duy trì. Kết quả học tập của HS nên có sự cải thiện và không hạ thấp tiêu chuẩn”.
Phát biểu với truyền thông, bà Lalitha Suresh, Hiệu trưởng kiêm Giám đốc điều hành của Trường “Ấn Độ của chúng ta”, khẳng định sẽ không tiến hành các kỳ thi đối với HS tiểu học; đồng thời cho biết sẽ đánh giá theo từng khoảng thời gian. “Nên có sự tập trung hơn vào học tập chuyên sâu thay vì học một cách hời hợt và dẫn đến học vẹt”, nữ hiệu trưởng nói.
Cũng theo bà Suresh, các chuyên gia GD cần tập trung vào kinh nghiệm học tập của HS và cách thức đánh giá những gì người học biết, những gì họ có thể áp dụng và làm thế nào họ có thể duy trì việc học, hơn là những gì HS có thể nhớ.
Bà Shanta Viswanathan, Phó Hiệu trưởng Trường “trung học của chúng ta”, tại Al Warqa’a, Dubai cho biết: “Ý tưởng này nghe có vẻ tham vọng vì nó sẽ loại bỏ các bảng xếp hạng giữa HS cũng như các trường, sự so sánh và cạnh tranh từng gắn liền với các kỳ thi. Tuy nhiên, sự thay đổi căn bản là điều cần thiết trước khi chúng ta chuyển sang hệ thống không thi cử. Các trường học cần GD cho trẻ em về cách học thay vì cách đối mặt với các bài kiểm tra và những lần thi cử. Chúng ta cũng cần có sự thay đổi từ nội dung cho đến kỹ năng”.
Trong khi đó, bà Mala Mehra, Hiệu trưởng của Trường trung tâm tại Dubai, nhận định: “Đây chắc chắn là một bước tiến tích cực để đạt được sự đổi mới về chất lượng cũng như sự công bằng thông qua việc tự chủ tài chính và quản lý học thuật. Mọi thay đổi đều đồng nghĩa với việc chúng ta đang bước ra khỏi vùng an toàn, nhưng nếu kết quả được xác định rõ thì đó sẽ là nỗ lực đáng giá”.