Tự sát vì thi trượt
Theo thống kê, từ tháng 2 đến tháng 3 năm nay, khoảng 1 triệu học sinh của bang Telangana tham dự kỳ thi, trong đó, có tới 350 nghìn em bị đánh trượt.
Ngay sau khi kết quả kỳ thi được công bố vào cuối tháng Tư vừa qua, giới chức địa phương ghi nhận 19 em học sinh tìm đến cái chết trong vòng một tuần vì điểm số không được như mong muốn.
Theo cha mẹ học sinh, nguyên nhân dẫn đến việc các em tự tử là do sai sót của phần mềm chấm thi. Sự kiện này đã khiến hàng nghìn phụ huynh đồng loạt biểu tình, phản đối quy trình chấm điểm và phân loại của kỳ thi tuyển sinh dành cho học sinh lớp 12. Họ cho rằng đã có sự sai sót trong quá trình chấm thi, dẫn tới việc nhiều em học sinh bị trượt khỏi kỳ thi với điểm số không chính xác. Những lời chỉ trích được nhắm đến chính quyền bang
Telangana và Hội đồng Trung học của bang, đơn vị chịu trách nhiệm chính cho việc xử lý kết quả kỳ thi.
Một số học sinh đã lên tiếng rằng đã không được điểm danh dù có tham gia ngày thi, hoặc nhận được điểm 0 cho một số môn thi dù đã hoàn thành đầy đủ bài thi hôm đó.
“Một sự việc thật đáng tiếc. Mọi người không nên hướng tới những hành động cực đoan như vậy. Sai sót đã xảy ra ở một số bước. Điều đó hoàn toàn có thể được kiểm tra và sửa chữa”, ông Jitender, một cảnh sát địa phương cho biết.
Nhà chức trách bang
Telangana đã liên tục yêu cầu phụ huynh học sinh đệ đơn kiến nghị tới Hội đồng Giáo dục nếu như có bất cứ nghi ngờ nào về sai sót trong kết quả chấm thi. Trong trường hợp khác biệt điểm số được phát hiện, các quan chức cho biết, toàn bộ kết quả thi sẽ được chỉnh sửa.
Thủ hiến bang Telangana, ông K. Chandrashekhar Rao cũng đã yêu cầu kiểm tra lại kết quả chấm thi; đồng thời kêu gọi học sinh không tự sát vì thi trượt không có nghĩa là cánh cửa vào đời đã hoàn toàn khép lại.
Nhưng theo ông Jitender, bất chấp những nỗ lực của nhà chức trách, từ 18/4, giới chức địa phương ghi nhận trung bình có khoảng 3 vụ tự sát mỗi ngày ở Telangana.
“Chúng tôi đang rất nỗ lực để đưa thông tin tới mọi người, nhưng với phần đông dân số trải dài trên một khu vực rộng lớn như vậy, lời kêu gọi của chúng tôi sẽ bị hạn chế đáng kể”, vị cảnh sát này giải thích.
Thiếu trường lớp
Các chuyên gia quốc tế đánh giá rất thấp chất lượng nền giáo dục của Ấn Độ, với lý do học sinh phải chịu quá nhiều áp lực không chỉ từ việc vượt qua kỳ thi tuyển sinh, mà còn là kỳ vọng vào điểm số xuất sắc bằng mọi giá từ gia đình và xã hội.
Theo số liệu từ Bộ Nội vụ Ấn Độ, đã có gần 26,5 nghìn học sinh tự sát chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2016, trong đó bang
Maharashtra dẫn đầu danh sách khi ghi nhận hơn 3.700 trường hợp. Theo đó, trung bình mỗi giờ có một học sinh ở Ấn Độ tự tử.
Theo thống kê, trong ba năm gần đây, hơn 26 nghìn học sinh đã tìm đến cái chết trên toàn lãnh thổ Ấn Độ. Phần lớn nguyên nhân dẫn đến tình trạng tự tử ở học sinh là do yếu tố tâm lý như stress, thất vọng và lo lắng. Ngoài ra còn phải kể đến việc các em gặp khó khăn trong học tập, những kỳ vọng không khả thi và áp lực từ cha mẹ cũng như thiếu sự hỗ trợ từ bạn bè.
Có nhiều nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho hiện tượng đáng báo động này. Theo ông Nagasimha G Rao, Giám đốc Tổ chức Bảo vệ quyền trẻ em (Child Right Trust), sự phát triển của xã hội đang đẩy thế hệ thanh thiếu niên Ấn Độ rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm cảm nghiêm trọng.
“Các em học sinh chưa thể chống chọi với stress. Gia đình và trường học không còn là nơi mà các em có thể giải tỏa được áp lực tâm lý. Với sự lo lắng về tương lai và khủng hoảng danh tính, nhiều học sinh đang dần tự cô lập bản thân và đối mặt với chứng bệnh trầm cảm mà ít có được sự quan tâm từ người thân và bạn bè”.
Chuyên gia tâm lý học Samata Deshmane cũng đồng tình với quan điểm trên: “Ngoại trừ hệ thống đẳng cấp và tôn giáo, những thứ trên danh nghĩa là hòa hợp nhưng thực chất cũng mang tính chia rẽ rất cao, con người đang dần cô lập bản thân áp lực cạnh tranh khủng khiếp”.
Một lý do khác dẫn tới nỗi ám ảnh về sự thành công ở Ấn Độ, đó chính là chất lượng giáo dục ở đất nước Nam Á này. Công nghệ đã và đang là những nhóm ngành cạnh tranh nhất ở Ấn Độ.
Dù vậy, với tổng dân số ước tính vào khoảng 1,3 tỷ dân, đất nước này lại chỉ có 23 học viện đủ tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu học tập của các em học sinh. Sự thiếu hụt về cơ sở vật chất cũng như chất lượng cán bộ là một trong những lý do then chốt dẫn tới tình trạng quá tải ở nhiều trường đại học.