Dùng toán học 'cải biến' học trò

GD&TĐ - Dù đã nửa cuối thế kỷ XX, giáo dục Mỹ vẫn giữ định kiến 'trẻ em da màu thì dốt toán'.

Khi thầy Escalante ở Trường Garfield, tỷ lệ học sinh dự thi học sinh giỏi toán đậu đạt 90%. Ảnh: Latimes.com
Khi thầy Escalante ở Trường Garfield, tỷ lệ học sinh dự thi học sinh giỏi toán đậu đạt 90%. Ảnh: Latimes.com

Ở Trường Trung học Garfield (Đông Los Angeles) dành cho con em người lao động nhập cư, bài giảng về toán chỉ ngang trình độ tiểu học. Các em chán nản, quậy phá còn giáo viên thì thờ ơ.

Chỉ khi thầy Jaime Escalante (1930 - 2010) đến đây, bằng tình yêu vô tận với môn Toán và trách nhiệm nhà giáo, thầy biến Garfield thành ngôi trường nhiều học sinh giỏi toán nhất quốc gia.

Tuổi trẻ nhiệt huyết

Thầy Escalante chào đời tại La Paz (Bolivia, quốc gia thuộc Tây - Trung Nam Mỹ), có cả cha lẫn mẹ đều là giáo viên. Lớn lên, thầy gia nhập quân đội và từng tham chiến trong một cuộc nổi dậy ngắn. Đi lính về, thầy mới đăng ký nhập học vào Trường Cao đẳng Sư phạm Normal Superior.

Vì quá xuất sắc nên trước khi tốt nghiệp, thầy đã có kinh nghiệm giảng dạy tại 3 trường trung học hàng đầu của Bolivia. Giáo viên toán “nở sớm” này cũng kết hôn trong thời sinh viên, với nữ sinh cùng trường tên Fabiola Tapia và nhanh chóng có con trai đầu lòng là Jaime Jr.

Cô Tapia nghĩ để chồng sang Mỹ xin việc thì tốt cho tương lai của con cái hơn nên tích cực “thì thầm bên gối”, khiến thầy Escalante xiêu lòng. Dù trong túi chỉ có mỗi 3 nghìn USD và trong đầu không chút vốn liếng tiếng Anh, thầy vẫn một mình bay tới Los Angeles vào đúng đêm Giáng sinh năm 1963.

Công việc đầu tiên mà thầy Escalante tìm được ở Los Angeles là… dọn dẹp vệ sinh trong quán cà phê nằm đối diện Trường Cao đẳng Thành phố Pasadena. Vừa đi làm, thầy vừa chăm chỉ học tiếng Anh.

Chỉ trong vòng vài tháng, thầy đã lấy được cả vị trí đầu bếp (đi làm vào ban ngày) lẫn bằng cao đẳng toán và vật lý (đi học vào ban đêm). Với bằng cấp mới, thầy xin vào công ty điện tử, được cấp trên đánh giá cao nhưng vẫn không ngừng khao khát quay trở lại nghề dạy học. Nhờ giành được giải thưởng tới Cal State, thầy lần nữa theo đuổi chứng chỉ giảng dạy và thành công.

Mùa Thu năm 1974, thầy Escalante háo hức bước chân vào Trường Garfield làm giáo viên dạy toán với mức lương chỉ 13 nghìn USD/năm, thấp hơn rất nhiều so với các công việc khác. “Ai cũng nói tôi thật điên rồ nhưng chẳng sao. Tôi thích được dạy học và việc được đứng trước các em học sinh là điều tuyệt vời hơn tiền bạc”, thầy chia sẻ niềm hạnh phúc.

“Máy tạo học sinh giỏi toán”

Thầy Jaime Escalante (1930 - 2010) Ảnh: Latimes.com

Thầy Jaime Escalante (1930 - 2010) Ảnh: Latimes.com

Garfield là trường nghèo, chủ yếu nhận con em người Mỹ gốc nước ngoài có thu nhập thấp. Cầm sách giáo khoa toán trên tay, thầy Escalante ngỡ ngàng tột độ vì chương trình “chỉ ngang toán lớp 5 ở Bolivia”. Bước vào lớp, thầy còn kinh ngạc hơn nữa vì trước mặt thầy toàn là những học sinh chưa thuộc bảng cửu chương và cực kỳ quậy phá.

Dù vỡ mộng ngay phút đầu tiên, thầy Escalante không tuyệt vọng. Sau khi tự chấn chỉnh tinh thần, thầy bắt tay vào uốn nắn thái độ cho học sinh. “Nếu giỏi toán, các em có thể kiểm soát được tương lai”, thầy tuyên bố.

Để nâng cao trình độ toán cho học sinh, thầy Escalante mở cửa lớp sớm hơn và đóng cửa lớp muộn hơn giờ dạy bình thường, dạy thêm vào thứ 7. Với những học sinh có hoàn cảnh quá khó khăn, thầy hỗ trợ tài chính. Vì lao lực, thầy từng lên cơn đau tim và phải nhập viện. Dẫu vậy, thầy vẫn dạy thêm vào buổi đêm và xuất hiện với thần thái tươi tỉnh lúc sáng hôm sau.

Phải mất 4 năm, thầy Escalante mới mở được lớp giải tích nâng cao đầu tiên và lớp này cũng chỉ có 14 học sinh. Qua các đợt kiểm tra, chỉ 5 em trụ được và 2 em vượt kỳ thi học sinh giỏi toán. Tuy nhiên, cũng kể từ lúc này, lớp toán của thầy ngày càng đông học sinh.

Tại Mỹ, vào được lớp nâng cao và vượt qua kỳ thi học sinh giỏi là đủ điều kiện vào thẳng đại học. Hầu hết học sinh của các lớp nâng cao là con em nhà giàu có nên các lớp này còn được ví như “sân chơi riêng của con cháu đại gia”.

Trường Garfield nghèo chưa bao giờ có học sinh đủ điều kiện tuyển thẳng vào đại học. Vậy mà mới đến năm 1980, lớp giải tích nâng cao của thầy Escalante đã có 7 em thi đậu kỳ thi học sinh giỏi toán.

Năm 1981, con số này tăng lên 14 em và năm 1982 là 18 em. Đặc biệt, trong năm 1982, tổng số học sinh đi thi giỏi toán của trường cũng là 18. Nói cách khác là tỷ lệ thi đậu 100%, chưa kể còn có tới 7 em đạt điểm tuyệt đối.

Tên tuổi thầy Escalante nổi như cồn nhưng, thầy chưa kịp vui mừng thì đã bị hội đồng thi học sinh giỏi gọi vào họp. Viện Khảo thí Giáo dục Mỹ nghi ngờ các học sinh của thầy sao chép bài của nhau, vì cách giải đề của các em giống hệt nhau và hủy kết quả.

“Nhiều người cứ định kiến con em gốc ngoại thì không có khả năng học toán và các môn khoa học”, thầy Escalante tức giận cho biết. Quá bất mãn, thầy cùng các học sinh bày tỏ sự phản đối, đòi thi lại để chứng minh. Viện khảo thí buộc phải ra đề mới. Sau bài kiểm tra, 12/18 em vẫn đủ điểm đậu.

Năm 1983, 33 học sinh của thầy Escalante tham dự kỳ thi toán nâng cao và 30 em đậu. Năm 1987, con số này lên tới 83. Thầy Escalante xin nghỉ phép, hoàn thành bằng tiến sĩ và kỳ vọng có thể lên làm Hiệu trưởng Trường Garfield.

Nào ngờ, sự nhiệt huyết và thành tích của thầy lại là nỗi e ngại với giáo viên và ban lãnh đạo nhà trường. Mấy năm cuối thập niên 1980, thầy Escalante liên tục bị đe dọa sa thải và “bom” thư thù hận.

Năm 1990, thầy Escalante bị đẩy ra khỏi vị trí trưởng khoa toán. Năm 1991, thầy thu dọn hành trang, bỏ Garfield vì “chán ngấy chính trị hóa trường học và những trò đố kị vặt vãnh”.

Cùng năm, thầy chuyển vào Trường Trung học Hiram Johnson. Kể từ khi có thầy, lượng học sinh tham gia các lớp giải tích nâng cao của trường này cũng liên tục gia tăng. Suốt 7 năm, tỷ lệ các em vượt qua kỳ thi học sinh giỏi toán luôn trên 75%.

Năm 2001, ở tuổi 71, thầy Escalante mới nghỉ hưu và quay về quê hương Bolivia. Thầy định cư tại Cochabamba, được Trường Đại học Valle mời làm giảng viên và tiếp tục sự nghiệp giảng dạy đến năm 2008.

Tuy mất lòng đồng nghiệp ở Mỹ, nhưng thầy vẫn giành nhiều danh hiệu và giải thưởng dành cho giáo viên nhờ thành tích giảng dạy xuất sắc, trong đó có cả huân chương từ tổng thống.

Năm 2010, thầy Escalante qua đời, thọ 79 tuổi. Trường Garfield tổ chức buổi tưởng niệm tôn vinh thầy, nền giáo dục Mỹ cũng phải công nhận thầy là nhà giáo vĩ đại nhất. Năm 2016, bưu chính Mỹ phát hành con tem in chân dung thầy Escalante.

Theo latimes

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.