Ấn Độ trở thành nguồn cung cấp công nghệ bị trừng phạt cho Nga

GD&TĐ - Trong thời gian qua, Ấn Độ đã tăng cường xuất khẩu các công nghệ quan trọng thuộc diện bị trừng phạt sang Nga.

Ấn Độ trở thành nguồn cung cấp công nghệ bị trừng phạt cho Nga

Thông tin trên được tờ Bloomberg của Mỹ cho biết sau khi tham khảo một số quan chức từ Liên bang Nga, Hoa Kỳ và Châu Âu - những người muốn giấu tên.

Theo dữ liệu được đưa ra, xuất khẩu đối với hàng hóa thuộc diện bị trừng phạt (bao gồm vi mạch, chip và máy công cụ) từ Ấn Độ sang Nga đã vượt quá 60 triệu USD mỗi tháng, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5.

Con số này cao gấp đôi so với những tháng đầu tiên của năm nay, thậm chí vào tháng 7, số tiền đã lên tới 95 triệu USD, hiện chỉ có Trung Quốc vượt qua Ấn Độ về chỉ số này.

Những người đối thoại của hãng tin Bloomberg nói rằng chính quyền New Delhi gần như không trả lời các khiếu nại liên quan đến vấn đề trên, đồng thời Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng từ chối bình luận.

“Dữ liệu mới nhất cho thấy gần 1/5 tổng số công nghệ nhạy cảm xâm nhập vào tổ hợp công nghiệp quân sự Nga đều thông qua Ấn Độ”, từ Bloomberg dẫn lời một quan chức giấu tên.

russiachip-3869.jpg
Ấn Độ cung cấp cho Nga nhiều mặt hàng Moskva rất cần để sản xuất vũ khí.

Sau đó vào hôm 11 tháng 10, Bloomberg dẫn lời một nhân vật từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết họ sẽ một lần nữa nêu quan ngại với các quan chức chính phủ Ấn Độ nhằm ngăn chặn hành động trên.

Vai trò của Ấn Độ trong việc cung cấp những mặt hàng bị cấm cho Nga đặt ra một vấn đề khó nói, khi các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và EU muốn duy trì mối quan hệ đối tác với chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi, bất chấp sự thân thiết của ông với Tổng thống Nga Putin.

Ấn Độ hiện cũng là khách hàng mua dầu lớn hàng đầu của Nga, bất chấp nỗ lực hạn chế doanh số bán hàng từ các quốc gia phương Tây.

Mặc dù vậy, New Delhi cũng đang cung cấp đạn pháo cho Ukraine thông qua trung gian là các công ty của Mỹ, điều này cho thấy Ấn Độ thực sự đang thu lợi ích từ cả hai bên trong cuộc xung đột.

Ấn Độ ra mắt xe tăng hạng nhẹ Zorawar.
Theo Bloomberg

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ