Ấn Độ: Tổn thương vì danh gọi 'chị dâu'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Trong tiếng Ấn Độ, từ “chị dâu” phát âm “bhabhi”. Không rõ vì lý do gì, xã hội Ấn Độ nảy sinh rồi phát triển chiều hướng áp đặt bhabhi với… “đàn bà hám dục”.

Xã hội Ấn Độ áp đặt, “chị dâu” là “đàn bà khát dục”.
Xã hội Ấn Độ áp đặt, “chị dâu” là “đàn bà khát dục”.

Nó khiến các chị em đã kết hôn vừa xấu hổ lẫn tức giận khi bị gọi “chị/em dâu”, đặc biệt với người gọi lại là anh em, bạn bè của chồng.

Ánh nhìn khiếm nhã

Như hầu hết các cô gái trong ngày vu quy, Sunaina (32 tuổi, quê quán Raipur, Chhattisgarh, miền Trung Ấn Độ) vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên, cảm giác hoan hỉ đã vụt tắt khi trước mặt cô là 3 người bạn của chồng.

Họ vừa chúc mừng chồng cô, vừa thì thào với nhau “đúng là bhabhi đỉnh nhất vùng”. Chồng cô nghe thấy nhưng không cáu gắt mà nhếch miệng cười tự mãn, như thể đó là lời khen cho “chiến tích chọn vợ” của mình.

“Thì ra, trong mắt họ, tôi chỉ là đối tác tình dục không hơn không kém”, Sunaina cay đắng.

Xã hội Ấn Độ gọi phụ nữ đã kết hôn là “dâu”. Không rõ từ khi nào, từ bhabhi đi quá xa ý nghĩa danh gọi ban đầu. “Từ những năm 1970, phim ảnh Ấn Độ đã đầy các tình tiết quan hệ mờ ám giữa chị dâu với các đối tượng ngoài hôn nhân, ví dụ như em chồng”, nhà tâm lý học Jasdeep Mago cho biết.

Năm 2008, nhà xuất bản Kirtu ra mắt bộ truyện tranh 18+ Savita Bhabhi, kể về cuộc phiêu lưu tình ái của nhân vật cùng tên. Savita được xây dựng là phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu, theo đuổi quan hệ tình ái với nhiều người, không phân biệt giai cấp, tuổi tác, giới tính. Đối với quan niệm đạo đức gia trưởng của Ấn Độ, đây là kiểu phụ nữ phóng túng đáng chê nhất.

Sau khi chào đời, Savita trở thành “hình mẫu bhabhi”. Bất cứ chị em Ấn Độ nào đã kết hôn cũng bị so sánh với Savita. “Ngày bước chân về nhà chồng, tôi mới 23 tuổi và là dâu trẻ nhất nhà”, Hemali (38 tuổi, Hemali) nhớ lại. Mẹ chồng Hemali đã tặng cho chị bộ sari (trang phục truyền thống của Ấn Độ) màu hạt dẻ, trùng với màu áo thường được vẽ cho Savita.

“Mọi người quây lấy tôi, thi nhau khen tôi giống hệt Savita và giọng điệu chòng ghẹo của họ khiến tôi cảm thấy thật kinh khủng. Tôi đã âm thầm vứt bỏ chiếc sari đó, thậm chí ghét luôn cả màu hạt dẻ”, Hemali vẫn còn bị ám ảnh.

Savita Bhabhi, nhân vật hoạt họa đại diện cho “hình tượng chị dâu”.

Savita Bhabhi, nhân vật hoạt họa đại diện cho “hình tượng chị dâu”.

Danh gọi tranh cãi

Ngày nay, bên cạnh danh gọi “dâu” thông thường, bhabhi còn bị sử dụng như từ lóng, ám chỉ “đàn bà hám dục”.

“Ấn Độ vừa nặng thành kiến khinh nữ, vừa chưa phổ biến giáo dục giới tính toàn diện”, Apurupa Vatsalya (29 tuổi) lên tiếng. Ngay sau khi ra mắt, Savita Bhabhi đã vấp vô số kiểm duyệt và nhanh chóng bị cấm vào năm 2010. Song, theo đánh giá của tờ Wall Street Journal (Mỹ), Savita Bhabhi chỉ nằm ở mức độ “nội dung an toàn”.

Bởi vì, “nhân vật hoạt họa, không kích động buôn bán thể xác hoặc quan hệ tình dục thiếu an toàn”. Các nhà nữ quyền cũng nhận định, Savita Bhabhi đơn giản là người phụ nữ có tinh thần tự do, dám dũng cảm đối đầu với chế độ gia trưởng và tìm kiếm hạnh phúc cá nhân.

Dù vậy, với xã hội Ấn Độ, Savita Bhabhi vẫn cứ là đại diện của “nàng dâu có ham muốn vô độ”. Ngay cả trong phạm vi học đường, nhiều học sinh nam cũng chọc ghẹo bạn nữ là “bhabhi”. Dưới định kiến gia trưởng, phụ nữ không có quyền cũng như khả năng phản kháng. “Bhabhi” trở thành danh gọi tục tĩu, gây khó chịu và ngày càng ảnh hưởng trầm trọng lên sức khỏe tinh thần nữ giới.

“Có thể, với các anh em, bạn bè của chồng tôi, việc nhận xét tôi giống hệt Savita Bhabhi là lời khen”, Hemali nhìn nhận lại. Có điều, chị vẫn không thể vì suy nghĩ này mà thấy vui. “Dù cố gắng thế nào, tôi cũng chỉ thấy mình bị vây bởi một đám đàn ông và bị cợt nhả giữa chốn đông người”, Hemali tự chua xót.

Khó dẹp bỏ và chữa lành

“Vài năm trước, tôi có hẹn hò với một anh. Bạn bè của anh ấy luôn bỡn cợt rằng, chỉ cần anh ấy xao nhãng, họ sẽ bắt cóc em dâu – tức là tôi ngay tức khắc”, Henna Pande (31 tuổi) chia sẻ.

Theo Jasdeep Mago, nguyên nhân dẫn đến áp đặt “đàn bà khát dục” cho bhabhi có thể là vì phức cảm Oedipus. Phức cảm này do nhà phân tâm học Sigmund Freud (1856 – 1939, Áo) đặt tên, giải thích ham muốn chiếm hữu cha mẹ của trẻ em.

“Thông thường, phức cảm Oedipus sẽ biến mất khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, ở vài trường hợp nhất định, đặc biệt là với nam giới, nó duy trì và khiến họ có xu hướng tìm người yêu mang dáng dấp, tính tình giống với bậc sinh thành của mình. Hình tượng chị dâu trưởng thành, chín muồi vừa hay đáp ứng khao khát này”, Mago phân tích.

Trong khi nam giới Ấn Độ thích thú với danh gọi bhabhi, phụ nữ căng thẳng và suy sụp. “Bạn luôn cảm thấy không ổn trước cái nhìn và giọng gọi của người khác.

Bạn cũng khổ sở vì không biết nên đáp lại hay phải thể hiện thái độ như thế nào. Trên tất cả, nó khiến chúng tôi nghi hoặc về bản thân. Tôi đã là bhabhi ư, hay tôi sắp thành bhabhi? Tôi có con đường nào khác không, ngoài việc phải trở thành bhabhi?”, Henna thay mặt các chị em Ấn Độ bộc bạch.

Theo Vice

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.