Ấn Độ: Rúng động bê bối bằng giả

GD&TĐ - ĐH tư thục Manav Bharti (MBU) ở phía Bắc bang Himachai Pradesh bị cáo buộc bán tới 36 nghìn tấm bằng kể từ khi được thành lập vào năm 2009 với giá dao động từ 100 nghìn đến 300 nghìn rupee (30 - 90 triệu đồng).

Khuôn viên Trường ĐH Manav Bharti (MBU).
Khuôn viên Trường ĐH Manav Bharti (MBU).

Vụ bê bối gây xôn xao ở Ấn Độ với thực trạng nhiều người coi trọng bằng cấp hơn kiến thức thực tế.

Ảnh hưởng lan rộng

Hàng trăm cựu SV của trường bị cáo buộc sử dụng bằng giả khi các nhà tuyển dụng ở Singapore, Malaysia, Dubai, Nam Phi, Mỹ và Canada gây áp lực buộc phải chứng minh bằng cấp của họ là thật. 

Một SV tốt nghiệp MBU có tên SK cho biết việc tiết lộ này đã làm đảo lộn kế hoạch tương lai của anh. SK là một nhân viên của chính phủ Nepal 33 tuổi, dự kiến có buổi phỏng vấn xin thị thực tại Đại sứ quán Mỹ vào tháng tới. “Tôi cho rằng khó có thể được chấp nhận thị thực nếu không chứng minh được bằng của mình là thật” – anh cho biết. Anh đã gửi 3 bức thư tới trường ĐH này để làm rõ rằng bằng của mình là thật, nhưng tất cả đều bị trả lại. Anh nói rằng bằng cấp của anh đã được các nhà cung cấp dịch vụ GD thế giới xác minh vào năm 2018.

Bộ Nhân lực Singapore ngày 17/2 thông báo họ đang điều tra 15 người có giấy thông hành đã nói trong đơn xin thị thực rằng bằng cấp của họ là từ MBU. Điều này làm tăng cáo buộc công dân Ấn Độ đã được phép vào Singapore để nhận những công việc mà người dân địa phương có thể làm (trong bối cảnh cạnh trang việc làm do nhiều người dân mất việc vì dịch Covid-19), mặc dù chính phủ khẳng định điều này không đúng. Trong khi đó tờ This Week In Asia cho thấy một số công dân Ấn Độ trước đây được người dùng mạng xã hội ở Singapore xác định là SV tốt nghiệp MBU. Kể từ đó, họ đã xóa mọi đề cập đến trường ĐH khỏi hồ sơ của mình trên trang mạng LinkedIn.

Cổng ĐH Manav Bharti (MBU).
Cổng ĐH Manav Bharti (MBU).

MBU cung cấp các khóa học về kỹ thuật và công nghệ, khoa học máy tính, quản lý, dược, luật và nhân văn. Trên trang web, họ liệt kê một loạt các công ty tư vấn và công nghệ đa quốc gia nổi tiếng với tư cách là nhà tuyển dụng SV tốt nghiệp của mình, trong đó có những người đến từ những nơi xa xôi như Afghanistan, Sri Lanka và châu Phi.

Tại Ấn Độ,  110 SV tốt nghiệp MBU đã nhóm lại để nộp đơn xin tòa án xác minh bảng điểm học tập của họ. Theo luật sư Amandeep Singh, một số người đã gặp phải vấn đề với người sử dụng lao động kể từ khi tin tức trên được tung ra.

Giám đốc Kamesh Kiran của Công ty sàng lọc IBC Ấn Độ có trụ sở tại Bangalore cho biết, ông đã nhận được yêu cầu từ các nhà tuyển dụng của SV tốt nghiệp MBU ở Ấn Độ, Canada, Mỹ và Australia yêu cầu xác minh bằng cấp của họ. Tuy nhiên, công ty ông đã từ chối kiểm tra vì không có cách nào xác minh bằng do trường ĐH này cấp.

MBU đã bị Ủy ban Điều tiết các tổ chức GD tư nhân Himachal Pradesh (HPPEIRC) phạt 10 triệu rupee (khoảng 30 tỷ đồng) vào năm 2012 vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn yêu cầu tối thiểu của cơ quan quản lý cấp tiểu bang. 

Tháng 9 năm ngoái, khoảng 1 năm sau khi các cáo buộc MBU bán bằng cấp giả lần đầu tiên xuất hiện, một quản trị viên đã được bổ nhiệm để điều hành trường ĐH theo đề nghị của cơ quan quản lý. Chủ tịch Atul Kaushik của HPPEIRC nói rằng quản trị viên do chính phủ bổ nhiệm này đã xin phép truy cập bản sao hồ sơ học tập đã bị thu giữ để điều tra, nhằm xác minh bảng điểm của SV tốt nghiệp nhưng bị từ chối. Chủ tịch Raj Kumar Rana của trường đã bị bắt vào tháng 6/2020 vì liên quan đến vụ án nhưng sau đó đã được tại ngoại. Một luật sư của MBU là Singh Chandel cho biết, ông Rana vô tội và nói “những kẻ xấu” sẽ phải chịu trách nhiệm cho vụ lừa đảo này. “Từ năm 2016 - 2019, ĐH đã khiếu nại với cảnh sát rằng, một số kẻ gian đã cấp khoảng 4.000 bằng cấp giả mạo” – ông Chandel cho biết.

Những tấm bằng giả của MBU.
Những tấm bằng giả của MBU.

Từ việc chuộng bằng cấp

Cuộc tranh cãi của MBU đã tạo ra một sự chú ý mới về vấn đề bằng giả ở Ấn Độ - nơi các trường ĐH trước đây bị lên án bán bằng giả cho những “SV” chưa bao giờ thi tuyển và tham gia bất kỳ lớp học nào. Những kẻ lừa đảo cũng đã bán các chứng chỉ bằng cấp giả dưới danh nghĩa các trường ĐH được công nhận trong quá khứ, trong đó ĐH Mumbai do Nhà nước điều hành đã nhận được hơn 900 đơn khiếu nại từ năm 2012 - 2016 về các những tấm bằng mà họ không hề cấp.

Một nguồn khác chuyên cấp bằng giả là các cơ sở GD hoạt động khi chưa nhận được sự chấp thuận cần thiết của các cơ quan theo luật định như Ủy ban cấp phép ĐH Ấn Độ (UGC). Chủ tịch Rajib Ra của Liên đoàn các Hiệp hội GV của các trường ĐH trung ương cho biết, hầu hết các vụ lừa đảo bằng cấp giả ở Ấn Độ liên quan đến các trường ĐH tư nhân, một lĩnh vực đã bùng nổ từ những năm 1990 sau khi nhu cầu về các khóa học quản lý và CNTT tăng vọt.

“Người Ấn Độ thích bằng cấp vì ở một quốc gia thiếu bình đẳng, bằng ĐH là một yếu tố bình đẳng tuyệt vời” – ông nói và nhấn mạnh chỉ những SV giỏi nhất mới có thể bảo đảm một suất vào các trường ĐH hàng đầu do chính phủ điều hành, còn những người khác buộc phải trả nhiều tiền tiền để có được bằng cấp từ các cơ sở tư nhân.

Năm 2019, 11 giáo sư tại các trường CĐ nghệ thuật và khoa học ở bang Tamil Nadu của Ấn Độ bị đình chỉ công tác khi những tấm bằng tiến sĩ của họ bị phát hiện là giả mạo. Cùng năm đó, Bộ GD đã mở một cuộc điều tra đối với 6 trường ĐH, trong đó có 3 trường công lập, bị cáo buộc bán bằng cấp giả.

Một số người kêu gọi cần có các biện pháp “cưỡng chế hơn” trong việc đối phó với các trường ĐH làm sai quy định. Tuy nhiên, cơ quan giám sát việc này là UGC bị giới hạn trong các mức phạt có thể đưa ra là 1.000 rupee (gần 300 nghìn đồng) theo đạo luật năm 1956 của Quốc hội.

Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ