Ấn Độ: Nở rộ ứng dụng cho vay... tống tiền

GD&TĐ - Chỉ từ tháng 1/2020 – 3/2021, Ấn Độ xác thực 600 ứng dụng cho vay bất hợp pháp.

Các ứng dụng cho vay bất hợp pháp ở Ấn Độ dụ dỗ nạn nhân bằng quy trình đăng ký đơn giản, nhanh chóng.
Các ứng dụng cho vay bất hợp pháp ở Ấn Độ dụ dỗ nạn nhân bằng quy trình đăng ký đơn giản, nhanh chóng.

Chúng hoạt động bằng cách cho phép người vay đăng ký tài khoản đơn giản, chuyển tiền ngay lập tức nhưng chỉ một nửa số đã định, sau đó quay ra đòi trả gấp ba. Nếu người vay không trả chủ nợ sẽ dùng quyền truy cập danh bạ quấy rối.

Nạn nhân điển hình

Tháng 3/2022, Raj (trú tại Pune, Ấn Độ) quyết định tải một ứng dụng cho vay trên mạng Internet về điện thoại. Qua tìm hiểu, anh biết nó có quy trình cho vay hết sức đơn giản, chỉ bao gồm tải ứng dụng, đăng ký tài khoản, cho phép truy cập điện thoại và gửi ảnh chụp căn cước là xong.

Giống như hứa hẹn, yêu cầu vay của Raj được xử lý ngay lập tức. Anh nhanh chóng nhận được khoản tiền vay, nhưng bất ngờ vì nó chỉ bằng một nửa số tiền đăng ký xin vay. Mới 3 ngày sau, ứng dụng này đã đòi Raj phải trả tiền gấp 3 lần.

Số tiền Raj được ứng dụng cho vay chuyển vào tài khoản là 110 USD (khoảng 2,5 triệu đồng). Ban đầu, Raj từ chối trả vì bên cho vay vi phạm điều kiện. Không ngờ, anh bị đe dọa phát tán hình ảnh khỏa thân của vợ tới tất cả người quen.

Nhờ quyền truy cập vào điện thoại, ứng dụng cho vay có toàn bộ danh bạ và hình ảnh của Raj. Hoảng sợ, Raj vội vàng đăng ký ứng dụng cho vay khác, lấy tiền thanh toán. Tổng nợ của anh tăng dần, lên đến 600 USD (khoảng 13,9 triệu đồng), với 33 ứng dụng cho vay khác nhau.

Tất cả các ứng dụng cho vay đều có quyền truy cập vào điện thoại của Raj. Hình thức đòi trả tiền của họ giống y hệt ứng dụng đầu tiên. Raj phải cầm cố hết trang sức của vợ mới đủ tiền thanh toán.

Tuy đã dứt nợ, anh vẫn không ngừng lo sợ. “Tôi không nghĩ là chúng để cho tôi yên. Mỗi ngày, điện thoại của tôi đều có rất nhiều cuộc gọi và tin nhắn gửi đến”, Raj khổ sở trình bày.

Vì nghèo túng, không tài sản thế chấp, nhiều cư dân Ấn Độ buộc phải đánh liều vay tiền qua ứng dụng trên Internet.

Vì nghèo túng, không tài sản thế chấp, nhiều cư dân Ấn Độ buộc phải đánh liều vay tiền qua ứng dụng trên Internet.

Vấn nạn phổ biến

Ấn Độ có 1,4 tỷ dân và hầu hết dân số trưởng thành đều dùng điện thoại di động. Tại đất nước này, lừa đảo qua điện thoại là vấn nạn quá phổ biến. Từ ngày 1/1/2020 - 31/3/2021, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ

(Reserve Bank of India - RBI) đã xác định được tộng cộng 600 ứng dụng cho vay bất hợp pháp. Cũng trong khoảng thời gian này, bang Maharashtra (miền Tây Ấn Độ) ghi nhận số lượng khiếu nại liên quan đến ứng dụng cho vay cao kỷ lục, 572 đơn.

“Các nạn nhân bị dụ dỗ bởi quy trình vay đơn giản, nhanh chóng mà không nhận ra điện thoại của họ bị tấn công, dữ liệu bị đánh cắp và quyền riêng tư bị lạm dụng”, Thanh tra Yashasvi Yadav (Maharashtra) cho biết.

Hầu hết các ứng dụng cho vay bất hợp pháp hoạt động tại Ấn Độ đều có máy chủ ở nước ngoài. Thông qua giấy tờ giả mạo, chúng trốn tránh tai mắt chính quyền, lộng hành khắp cả nước.

“Tất cả những gì chúng tôi cần chỉ là máy tính xách tay và điện thoại có kết nối mạng Internet. Mỗi chúng tôi đều có trên 10 số điện thoại để liên lạc và đe dọa khách hàng”, một ứng dụng cho vay bất hợp phát bị bắt giữ khai nhận.

Nạn nhân của các ứng dụng lừa đảo cho vay là thường là người nghèo. Lợi dụng sự thiếu thốn và cả tin của họ, chúng chỉ đưa 1/2 hoặc 1/3 số tiền nhận cho vay, sau đó quay lại đòi trả gấp đôi hoặc gấp ba. Nếu người vay không thanh toán ngay lập tức, chúng trăm phương ngàn kế gây áp lực.

“Bước đầu tiên là quấy rối, sau đó thì đe dọa. Vì có trong tay toàn bộ dữ liệu điện thoại của họ, chúng tôi thoải mái chơi trò tống tiền”, một tội phạm lừa đảo cho vay khai nhận.

Chiêu bài đe dọa thường thấy là nói với người nhà và đồng nghiệp về khoản nợ của nạn nhân. Người vay càng chậm trễ trả, thủ đoạn đe dọa càng tàn nhẫn hơn, đáng sợ nhất là phát tán video khiêu dâm được cắt ghép vào hình ảnh của chính họ.

Ứng dụng cho vay bất hợp pháp quấy rối, đe dọa nạn nhân ngay cả khi họ chưa vay và đã trả xong tiền.

Ứng dụng cho vay bất hợp pháp quấy rối, đe dọa nạn nhân ngay cả khi họ chưa vay và đã trả xong tiền.

Khó dẹp bỏ

Tháng 5/2021, Chính phủ Ấn Độ mạnh tay dẹp bỏ nạn lừa đảo cho vay qua điện thoại. Họ yêu cầu Google kiểm duyệt toàn bộ các ứng dụng cho vay trên Play, khống chế những ứng dụng bất hợp pháp.

Tuy nhiên, hoạt động này không gây thiệt hại cho những kẻ lừa đảo. Chúng chỉ việc tạo lập ứng dụng mới và gửi tin nhắn quảng cáo đi.

RBI vào cuộc, kiến nghị chính phủ đưa ra luật mới, cho phép họ xác minh các ứng dụng. Chính phủ Ấn Độ chấp thuận, hứa sẽ sớm đưa ra quyết định và thông qua dự luật.

Ngày 4/5/2022, Sandeep Korgaonkar, một trong các nạn nhân của ứng dụng cho vay bất hợp pháp tự tử. Theo lời khai của Dattatreya, anh trai Sandeep, Korgaonkar còn chưa đăng ký vay mà mới chỉ tải ứng dụng về.

Thoại viên của ứng dụng này đã gọi điện cho các đồng nghiệp của Korgaonkar, nói anh có nhiều khoản nợ không chịu trả. Họ còn chỉnh sửa ảnh của Korgaonkar thành hình khỏa thân, gửi cho 50 người cùng công ty.

“Korgaonkar đã nộp đơn tố cáo cho cảnh sát, nhưng hành vi quấy rối vẫn không dừng lại. Anh mất ăn mất ngủ, trầm cảm nghiêm trọng, cuối cùng dẫn đến hành vi tự kết liễu”, Dattatreya đau lòng.

“Nguyên nhân khiến lừa đảo cho vay qua điện thoại lan rộng có lẽ là vì nhiều người Ấn Độ không đủ điều kiện vay ngân hàng”, Yadav nói. Như mọi ngân hàng trên toàn cầu, các ngân hàng ở Ấn Độ cũng đòi hỏi thế chấp.

Những cư dân nghèo, không có tài sản buộc phải tìm tới các ứng dụng, vô tình trở thành con mồi béo bở cho những kẻ cho vay tống tiền.

Ngay cả khi biết bị lừa đảo, nhiều nạn nhân không dám tìm đến sự giúp đỡ của chính quyền. Họ sợ bị lộ hoàn cảnh và lo ngại bị các ứng dụng cho vay bất hợp pháp trả thù.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.