Ấn Độ: Cô giáo khuyết tật dạy miễn phí cho trẻ em nghèo

GD&TĐ - Ba năm trước, chứng hoại tử đã cướp đi tứ chi của cô giáo người Ấn Độ, Pratibha Hilim nhưng ước mơ đứng lớp đã tiếp thêm sức mạnh để nữ giáo viên vượt qua khó khăn.

Cô giáo Hilim (thứ 2 từ phải sang) dạy học cho trẻ em nghèo.
Cô giáo Hilim (thứ 2 từ phải sang) dạy học cho trẻ em nghèo.

Cô giáo 51 tuổi, sống tại làng Karhe, phía Đông thành phố Mumbai, đang mở lớp học miễn phí tại nhà. Mỗi ngày, cô hướng dẫn các em học sinh không có cơ hội đến trường cầm bút, cầm phấn viết nên con chữ.

“Tôi là một giáo viên, tôi không thể ngồi không mà phải làm gì đó cho những đứa trẻ khó khăn này. Tôi yêu trẻ em và muốn dạy các em về thế giới xung quanh”, cô Hilim tâm sự.

Năm 2019, cô Hilim bị sốt cao đến mức bất tỉnh. Bác sĩ chẩn đoán cô bị sốt xuất huyết nặng và bắt đầu bị hoại tử, phải cắt cụt tay phải. Chỉ trong vài tuần, vì tình trạng nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng, bác sĩ buôc phải cắt bỏ tay còn lại và hai chân của cô.

Nhờ sự động viên của gia đình, cô Hilim đã tìm thấy mục đích trở lại với công việc giảng dạy. Năm 2020, khi trường học Ấn Độ đóng cửa vì dịch Covid-19, nữ giáo viên bắt đầu dạy học tại nhà cho những đứa trẻ trong gia đình không có tiền chi trả cho học trực tuyến. Trên lớp, cô giáo đeo một chiếc vòng được thiết kế lại để cầm bút hoặc phấn bằng tay phải và điều chỉnh kỹ năng viết của mình.

Dù trường học đã mở lại từ đầu năm 2022, 40 trẻ em trong làng vẫn đến nhà Hilim học tập vì gia đình không thể trang trải học phí. Ngoài dạy học, gia đình cô Hilim nấu đồ ăn trưa cho những đứa trẻ vì các em thường xuyên phải nhịn đói.

Cô Hilim sinh ra và lớn lên trong một cộng đồng người bản địa ở Ấn Độ. Do sự cô lập về địa lý, người dân nơi đây có cuộc sống khó khăn, vất vả, trái ngược với nền kinh tế đang bùng nổ tại Ấn Độ.

Nhiều gia đình trong làng Karhe buộc phải cho con nghỉ học để làm thêm hỗ trợ gia đình. Đến tuổi đi học cũng là lúc những đứa trẻ sẵn sàng làm việc trên đồng ruộng.

Tuy nhiên, cô Hilim không muốn những đứa trẻ trong làng phải chịu đựng vòng luẩn quẩn của nghèo khó qua nhiều thế hệ nên muốn thúc đẩy các em tiếp tục học tập và tự quyết định cuộc sống của mình. Cô giáo thường kể câu chuyện của bản thân, khi đã đấu tranh với khó khăn để trở lại dạy học, làm minh chứng cho sức mạnh của lòng quyết tâm.

Anh Eknath Laxman Harvate, một nông dân có con đang theo học tại lớp của cô Hilim, chia sẻ: Các con tôi thích đi học nhưng gia đình không đủ tiền cho việc này. Dù vậy, tôi vẫn muốn các con có tương lai tốt đẹp hơn. Tôi sẽ tiếp tục cho các con theo học cô Hilim.

Dù việc dạy học tương đối ổn định, cô Hilim vẫn còn trăn trở do nhiều gia đình vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của giáo dục. Đến mùa gặt, họ kéo những đứa trẻ từ lớp học lên nương, rẫy phụ giúp gia đình. Cô Hilim mong muốn một ngày có thể tự di chuyển đến nhà học sinh, động viên phụ huynh cho con cái đi học.

“Tôi nghĩ rằng không có chân tay thì tôi chẳng là gì cả nhưng sau đó tâm trí tôi trở nên vững vàng. Tôi quyết định rằng tôi có thể làm mọi thứ và tôi sẽ làm mọi thứ vì học sinh thân yêu”, cô Hilim chia sẻ.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh giả mạo salon ô tô trên Facebook để lừa đảo.

Lập salon ô tô 'ma' để lừa đảo

GD&TĐ - Hoàng Văn Cương và Nguyễn Anh Văn tạo dựng salon ô tô 'ma', sau đó đăng thông tin giả bán xe để chiếm đoạt tiền đặt cọc.
Ảnh minh họa ITN.

Dục tốc bất đạt

GD&TĐ - Đầu mùa tuyển sinh 2024, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã công bố loạt kết luận liên quan đến việc mở và đào tạo ngành học mới với nhiều trường đại học.