Trước đó, vào năm 2019, con số này là 700 nghìn người. Năm nay và sau này, khi các giới hạn bị gỡ bỏ, ước tính lượng khách du lịch phẫu thuật sẽ tăng vọt.
Rẻ hơn 50%
Khoảng 10 năm trước, Juan Francisco Paladines (56 tuổi), kỹ sư công nghiệp người Chile (Nam Mỹ) nhận được chẩn đoán bị u não. Bác sĩ cho biết, khối u của ông có hình dạng bất thường và nằm ở vị trí khó, không cách nào triệt tiêu an toàn.
“Nghe xong, tôi cảm giác như trời sập. May mắn thay, bên cạnh tôi có người thân và bạn bè quan tâm”, Paladines chia sẻ. Khối u não tác động lên thị giác, khiến tầm nhìn của Paladines bị nhòe hoặc gấp đôi, tức là nhìn 1 thành 2.
Sau đợt xạ trị đầu tiên ở quê nhà, các triệu chứng rối loạn tầm nhìn ở Paladines biến mất. Liên tiếp 4 năm, bản chụp cắt lớp cho thấy khối u không phát triển thêm. Tuy nhiên, Paladines chưa kịp thở phào thì bệnh tái phát. Vào năm 2019, ông lần nữa khổ sở vì nhìn nhòe. “Tôi biết chuyện gì đang xảy ra với thị giác của mình, bắt đầu tìm kiếm biện pháp chữa chạy khác”, Paladines nhớ lại.
Tìm hiểu sâu về u não, Paladines được biết có liệu pháp trị liệu mới là công nghệ chùm tia proton. Đây là một hình thức điều trị bằng bức xạ, loại bỏ khối u ác tính với độ chính xác cao.
Proton là hạt nguyên tử điện tích dương, có thể điều khiển và kiểm soát bằng thiết bị y tế công nghệ. Nó cho phép bác sĩ phẫu thuật chỉ tập trung chiếu vào và tiêu diệt khối u, tránh tổn thương mô lành xung quanh.
Paladines xác định, xạ trị proton là biện pháp thích hợp nhất cho mình. Ông tìm kiếm bệnh viện Chile, nhưng không thấy có cơ sở nào ứng dụng liệu pháp proton. Điều này buộc Paladines phải tìm hiểu các bệnh viện ở nước ngoài. Ông choáng váng bởi phí điều trị quá đắt đỏ, cuối cùng may mắn tìm ra Bệnh viện Trung tâm Apollo (Centre of Apollo Hospital), Chennai, Ấn Độ với chi phí chỉ bằng 1/2 so với nơi khác.
Thiên đường du lịch phẫu thuật
Trong khu vực Nam Á, Ấn Độ nổi danh vì số lượng bác sĩ đông đảo. Văn hóa nơi đây giàu lòng hiếu khách, hệ thống y tế kết hợp nhuần nhuyễn y học hiện đại với cổ truyền.
Theo số liệu của Bộ Du lịch (Ministry of Tourism) Ấn Độ, số lượng du khách nước ngoài ghé thăm vì mục đích chữa bệnh đã liên tục tăng mạnh kể từ năm 2016. Nếu vào năm này, Ấn Độ có tổng cộng 430 nghìn bệnh nhân ngoại quốc thì đến năm 2019, con số này vọt lên 700 nghìn người, gấp 1,6 lần.
Ước tính, năm 2019, du lịch chữa bệnh mang lại cho Ấn Độ doanh thu khoảng 9 tỷ USD. Mấy năm gần đây, vì đại dịch, lượng du khách chữa bệnh giảm 73%, nhưng vẫn có gần 183 nghìn người.
Ngoại trừ lĩnh vực xạ trị proton giá thành thấp, Ấn Độ còn đa dạng các dịch vụ phẫu thuật khác. Trong đó, nổi bật nhất là 2 mảng phẫu thuật thẩm mỹ: Hút mỡ và cấy ghép tóc (chữa hói đầu).
“Chúng tôi có bệnh nhân từ Mỹ đến châu Phi và vùng Vịnh”, Satish Bhatia, bác sĩ phẫu thuật da ở Mumbai cho biết. Nhiều khách hàng của Bhatia là tiếp viên hàng không các nước, tìm kiếm thủ thuật làm đẹp nhanh, rẻ và ít rủi ro.
Giống như mảng xạ trị proton, các lĩnh vực chữa trị hút bệnh nhân nước ngoài ở Ấn Độ đều có chi phí thấp hơn ở châu Mỹ, châu Âu và Trung Đông chí ít là 50%. “Tôi tin tưởng, du lịch phẫu thuật sẽ sớm “phất” lại như trước đây”, Bhatia lạc quan.
Cẩn trọng!
Mặt trái của du lịch phẫu thuật đang lên ở Ấn Độ là nguy cơ “dính” phải “thầy rởm”. “Các viện thẩm mỹ mới đang tới tấp mọc lên khắp Ấn Độ như nấm sau mưa. Thiếu nhân lực và hám lợi, nhiều nơi sẵn sàng chiêu mộ cả bác sĩ trái ngành hoặc chưa đủ trình độ”, Bhatia phản ánh.
Ngoài ra, vật tư y tế của Ấn Độ cũng chưa đuổi kịp công nghệ y khoa. “Đôi khi, bác sĩ thiếu công cụ và gặp khó khăn trong việc theo dõi các chỉ số, phản ứng, độc tính…”, Bhatia thừa nhận.
Trên tất cả, pháp luật Ấn Độ chưa kiểm soát và áp đặt quy định chặt chẽ. “Chúng tôi hiện chưa có hệ thống nguyên tắc hiệu quả để quản lý lĩnh vực này, nên nó rất thiếu giám sát và vẫn còn vô tổ chức”, Rakesh Kumar Verma, Thư ký Bộ Du lịch cảnh báo.
Giá thành các dịch vụ phẫu thuật ở Ấn Độ chênh lệch tùy bệnh viện. Ngoài việc khiến du khách đau đầu lựa chọn, nó còn khiến chính các y, bác sĩ mệt mỏi vì bệnh nhân “nhảy viện”. Các công ty du lịch chữa bệnh tha thiết mong mỏi, chính phủ áp giá tiêu chuẩn trên từng phương pháp điều trị, đồng thời ban bố quy định pháp luật nghiêm minh.
Trở lại với Paladines, ông thuận lợi trải qua xạ trị proton, đang được bác sĩ phẫu thuật theo dõi. “Tôi cảm thấy rất ổn. Hình như, tôi còn nhìn tốt hơn nữa cơ”, Paladines hài lòng.