Bất chấp Godrej & Boyce – Công ty sản xuất máy đánh chữ cuối cùng đã ngừng hoạt động từ năm 2009, Ấn Độ nỗ lực tái sử dụng máy đánh chữ cũ. Họ thậm chí sẵn sàng bỏ tiền gấp 10, chỉ để hồi sinh một chiếc máy đánh chữ đã tồn tại hơn 100 năm.
Đào tạo và cấp chứng chỉ
Với người Ấn Độ, máy đánh chữ không phải thiết bị công nghệ lỗi thời, mà là vật dụng thiết thực và đáng được trân trọng. Chỉ cần ghé vào con phố sầm uất nhất thị trấn Madurai, miền Nam đất nước này, bạn liền bắt gặp trung tâm dạy đánh máy chữ: Học viện Đánh máy Umapathi (The Umapathi Typewriting Institute).
Giám đốc của học viện này là Dhanalakshmi Bhaskaran, cô giáo với 6 năm thâm niên dạy đánh chữ. Trong Umapathi có tổng cộng 20 máy đánh chữ. Dhanalakshmi chia 1 ngày thành nhiều ca giảng dạy, tiếp nhận cả trăm người học. Bà hướng dẫn họ đánh 3 ngôn ngữ, tiếng Anh, tiếng Hindi và tiếng Tamil.
“Học viên của tôi bao gồm nhiều độ tuổi và tầng lớp xã hội” - Dhanalakshmi cho biết - “Một số em là học sinh trung học, tập đánh chữ vì mục đích nâng cao lợi thế cạnh tranh xin việc sau khi tốt nghiệp THPT”.
Ngoài ra, Umapathi còn có học viên là những bà mẹ trẻ mới sinh con. Họ tập luyện đánh máy chữ vì mong có thể bắt đầu lại sự nghiệp. Sau mỗi 6 tháng, Umapathi tổ chức thi cấp chứng chỉ đánh chữ. Với chứng chỉ này, các học viên dễ dàng xin việc hơn so với những ai không có.
Giữa thế giới công nghệ kỹ thuật số ngày nay, công nghệ cơ học đã là “dĩ vãng”. Hầu hết các quốc gia đều chỉ dùng máy đánh chữ như “cổ vật trưng bày”, để làm ví dụ minh họa hoặc triển lãm. “Nguyên nhân chính khiến máy đánh chữ vẫn thịnh hành ở Ấn Độ là kinh tế nghèo” - Dhanalakshmi giải thích - “Với những người không có máy tính xách tay hoặc máy tính để bàn, tập đánh máy trên máy đánh chữ là cứu cánh. Khi tập luyện trên máy đánh chữ, bạn cải thiện được cả tốc độ lẫn sự chính xác”.
Khác với máy vi tính có thể sửa lỗi sai, máy đánh chữ không cho phép sai một ký tự nào. “Khi mà bạn thành thạo bàn phím máy đánh chữ, bạn cũng thành thạo luôn bàn phím máy vi tính”, Dhanalakshmi khẳng định.
Cuồng máy đánh chữ
Năm 2009, Godrej & Boyce – Công ty sản xuất máy đánh chữ cuối cùng của Ấn Độ tuyên bố ngừng hoạt động. Kể từ lúc này, thị trường Ấn Độ không có bất cứ thiết bị hay linh kiện máy đánh chữ mới nào. Ai cũng nghĩ, máy đánh chữ sẽ bị thời thế vùi lấp. Nào ngờ cả thập kỷ sau, từ những thị trấn nghèo nàn đến tận đô thị giàu có, Ấn Độ vẫn thịnh hành máy đánh chữ.
“Nhà tôi đã kinh doanh máy đánh chữ được hơn 100 năm”, Rajesh Palta – chủ sở hữu của Cửa hàng Universal Typewriters Co., chợ Kamla, New Delhi, bày tỏ niềm tự hào. Ông nội Palta đã mở cửa tiệm bán máy đánh chữ, sau đó thì cha và anh nối tiếp duy trì.
Hiện tại, khách hàng của Palta chủ yếu là những người Ấn Độ say mê sưu tầm máy đánh chữ. Họ sẵn sàng bỏ nhiều tiền để mang về nhà chiếc máy càng cổ càng tốt.
Palta vừa thu mua vừa nhận sửa chữa các máy đánh chữ cũ trên cả nước. Anh thường xuyên gặp rắc rối vì thiếu linh kiện. “Nếu các bộ phận không khớp nhau, máy đánh chữ không hoạt động”, Palta nói. Anh cố gắng tìm kiếm, thậm chí tự làm ra linh kiện thiếu. Lắm khi, tiền chế tạo 1 linh kiện bị thiếu còn cao gấp 10 lần giá trị chiếc máy đánh chữ.
Một trong những khách hàng thường xuyên của Palta là nhà văn Maharaja Jayendra Pratap Singh (Ấn Độ). Ông có đến 11 chiếc máy đánh chữ, trong đó có 1 chiếc được sản xuất từ thập niên 1950.
Singh bén duyên với máy đánh chữ vào năm 2013, khi giúp cha làm công việc văn thư. Sự thuận tiện của máy vi tính khiến ông cảm thấy nhàm chán và quyết định mua một chiếc máy đánh chữ để cải thiện kỹ năng đánh máy. Thế rồi càng lúc, ông lại càng say mê kiểu chữ được in trên giấy của nó, cuối cùng “xiêu đổ” hoàn toàn.
Kỹ năng nên có
Khác với “mối tình lãng mạn” của Singh, phần lớn người sử dụng máy đánh chữ ở Ấn Độ phải học vì yêu cầu tuyển dụng. Bộ máy nhà nước Ấn Độ đặc biệt trọng dụng máy đánh chữ. “Nhiều tài liệu quan trọng của chính phủ phải được soạn thảo bằng máy đánh chữ, vì mực của chúng không bao giờ phai”, Murugavel Prakash – Giám đốc Học viện đánh chữ tư nhân Sri Krishna, Madurantakam, cho biết.
Học viện Sri Krishna được mở từ năm 1954, hiện có 80 máy đánh chữ và khoảng 300 học viên. Thời gian bị hạn chế vì Covid-19, Prakash mở kênh YouTube, dạy trực tuyến.
Năm 2014, ước tính hệ thống tòa án Ấn Độ có đến 2.000 nhân viên đánh máy chữ. Họ trực bên ngoài các tòa nhà xét xử, ghi chép sự kiện và giúp các đương sự làm thủ tục giấy tờ, đặc biệt hữu ích trong những lúc mất điện (Ấn Độ mất điện và cắt Internet thường xuyên như cơm bữa).
Những năm gần đây, số lượng người đánh máy đánh chữ đã giảm nhưng không biến mất. Bên ngoài mỗi văn phòng pháp lý ở thủ đô Delhi, vẫn có khoảng 14 - 15 người.
Tháng 11/2019, chỉ vài tháng trước khi Covid-19 hoành hành khắp Ấn Độ, Palta thành công khôi phục chiếc máy đánh chữ có tuổi đời 90 năm cho một gia đình khách hàng ở Karnataka. Khi được gửi tới anh, nó tàn tạ đến mức tưởng không sao khắc phục nổi.
Chẳng bao lâu sau khi Palta gửi chiếc máy đã sửa tới cho chủ sở hữu, anh nhận được bưu thiếp. Đó là ảnh chụp cả gia đình khách hàng ngồi trên ghế sô pha, nâng niu đặt chiếc máy đánh chữ trên đùi, với dòng ghi chú: “Vô cùng cảm ơn vì đã giúp người nhà của chúng tôi trở về”.