Đánh máy chữ thuê giữa thời công nghệ số

GD&TĐ - Giữa lòng thành phố hiện đại và nhộn nhịp, vậy mà 4 ông lão ở tuổi thất thập cổ lai hy vẫn ngày ngày đến chợ An Lạc (đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) để mưu sinh bằng nghề đánh máy chữ thuê. Dẫu biết thời kỳ công nghệ cao và cái “nghề cổ” dần đi vào quên lãng, thế nhưng họ vẫn bám trụ với nghề...

Đánh máy chữ thuê giữa thời công nghệ số

Những người muôn năm cũ…

Đến “phố” thảo đơn vào sáng sớm, chúng tôi thấy một ông lão tuổi đã thất tuần tay chống cằm, mắt kèm nhèm nhìn dòng người qua lại với những nếp nhăn chất chứa suy tư hằn sâu trên khuôn mặt. Đó là chân dung ông Nguyễn Văn Hiếu ngụ phường Hưng Lợi - người có thâm niên 42 năm trong nghề thảo đơn bằng máy đánh chữ. Hai chân bị mảnh bom cắt đứt trong chiến tranh phải gắn chân giả, đôi tay còn mảnh đạn và 10 ngón giờ chỉ còn 8 ngón rưỡi… Thế mà ông vẫn gắn bó với nghề này ngần ấy năm.

Hằng ngày, cứ tờ mờ sáng là người đàn ông tật nguyền này rời căn trọ tồi tàn, ngồi trên xe lăn ra chợ. Lê từng bước đi khó nhọc rồi ngồi vào chiếc ghế gỗ, ông Hiếu buồn bã nói: “Một ngày ngồi đây từ sáng tới chiều, bữa nào đắt khách thì được hơn 100.000, khi ế thì chẳng có đồng nào”. Từ sáng cho đến 1 giờ chiều mà “cửa hàng” ông chẳng có đến một người khách. Dẫu vậy ông vẫn đều đặn ngồi đợi từ lúc tờ mờ cho đến ánh đèn đường bật sáng để hy vọng kiếm vài chục ngàn. “Ráng ngồi đây để kiếm được đồng nào đỡ đồng đó, chứ về sớm không có tiền rồi cơm đâu mà ăn”, ông Hiếu cho biết.

Chúng tôi quay sang trò chuyện với ông Tư Sang - người được xem là “lão làng” nhất trong nghề này. Ông chia sẻ: “Tôi bệnh cả tháng nay, giờ thấy đỡ nên ra ngồi đây ráng kiếm được bao nhiêu thì kiếm, chứ ở nhà hoài là đói”. Theo lời ông Tư Sang, ông có 4 người con đều đã có cuộc sống riêng tư và kinh tế cũng khó khăn nên vợ chồng ông tự nương tựa nhau mà sống. “Tôi cũng bị mất 2 chân trong chiến tranh, may trời thương còn để lại đôi tay để tôi kiếm sống và nuôi vợ nuôi con. Giờ cái tay phải sắp chuyển sang tai biến nên làm việc gì cũng khó. Gõ chữ, cầm viết cũng rất vất vả”, ông Sang lo lắng.

Đoạn đường đến chợ An Lạc như dài hơn với ông Tư Sang kể từ khi tay ông bị bệnh. Thế mà ngày nào ông lão cũng ra ngồi đó “ngóng khách” kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình và thuốc thang cho người vợ bị bệnh tim. Sau khi có được người khách, ông cẩn thận cuốn tờ giấy vào máy, mắt nheo lại, tay run run cố gắng gõ từng phím thật nhanh và chuẩn xác. Được một lúc ông Tư Sang ngưng để nhấp chút trà nghẹn ngào: “Cái nghề này bạc bẽo lắm! Một ngày ngồi đây làm nhiều lắm là 100.000, có khi 50.000 - 60.000, lúc thất thì 2 - 3 bữa không có đồng nào. Như cả tháng nay tôi bệnh đâu có làm ra tiền, cũng nhờ mấy đứa con nó cho vài trăm, lương tháng được hỗ trợ thêm 400 nên mới có tiền xoay sở, thuốc men cho vợ”.

Xưa vang bóng, giờ… vắng bóng

Theo ông Nguyễn Văn Quốc Việt - người làm nghề này từ hồi giải phóng, những năm trước 1975 là thời kì hoàng kim của nghề đánh máy. Lúc bấy giờ, có rất nhiều người theo nghề và họ lập hẳn một tổ hợp chuyên đánh máy, thảo đơn. Ngoài các cơ quan và người dân địa phương, người của các tỉnh lân cận cũng tìm đến thuê. “Hồi mới giải phóng, nghề này làm được lắm. Các giấy tờ của cơ quan Nhà nước đều giao cho tụi tôi làm hết. Từ giấy phép đi đường, giấy giới thiệu cho đến các loại hợp đồng, đơn thư… Vì thời đó không có máy photocopy nên các văn bản sao y bản chính hay in ra nhiều bản cũng phải dùng máy cơ này; mà thu nhập lúc đó rất ổn định. Một mình tôi làm có thể nuôi 10 nhân khẩu trong nhà lại được xã hội rất coi trọng. Nhiều lúc tôi đi đám tiệc 2 - 3 ngày người ta cũng phải chờ tôi về mà làm”, ông Việt tự hào. Cùng ngồi cạnh bên ông Lê Thanh Liêm (66 tuổi) tiếp lời: “Hồi xưa đồng tiền có giá trị hơn bây giờ. Lúc tôi vào tổ hợp, người ta đến thuê rất đông, làm không xuể. Mỗi ngày như vậy tôi kiếm khoảng 7.000 - 8.000 ngàn đồng là nuôi sống được cả gia đình”.

Sau giải phóng, tổ hợp nghề đánh máy thuê đã 7 - 8 lần đổi chỗ hoạt động. Nhưng có lẽ đây chưa phải là điểm dừng chân cuối cùng của các ông. Ông Tư Sang cho biết: “Chỗ chúng tôi làm từ xưa đến giờ toàn trúng nơi quy hoạch giải tỏa nên anh em làm nghề này mới tan rã. Chứ hồi còn làm chung anh em đoàn kết vui vẻ, tiền bạc làm bao nhiêu chia bấy nhiêu sống rất khỏe. Tại chợ An Lạc này tụi tôi về đây cũng mấy năm nay, mà nghe đâu cũng sắp giải tỏa để xây bờ kè. Nếu dời lần nữa chắc anh em tụi tôi phải giải thể “về vườn”.

Trước đây tổ hợp có đến 13 người, trong đó có người đại diện, tổ trưởng, tổ phó… Tiền làm được sau khi trừ chi phí văn phòng phẩm ra, số còn lại được chia đều cho các thành viên. Tuy làm chung nhưng cuộc sống thoải mái, dư giả. Sau này khi những chiếc máy vi tính hiện đại xuất hiện, người ta ít sử dụng máy đánh chữ; thế là họ dần dần rời bỏ nghề để tìm kế khác sinh nhai. Hiện nay, ở Cần Thơ chỉ còn duy nhất 4 người gắn bó với chiếc máy cũ kĩ sắp đi vào huyền thoại này. Bây giờ, nghề này không còn thịnh hành như trước nên họ hoạt động cá nhân không còn chung nhau như thời bao cấp.

Gian nan kiếm từng đồng bạc lẻ, nhưng những người thợ nơi đây vẫn thấy nhẹ lòng: “Tôi làm đa dạng các loại đơn, nhưng nhiều nhất là đơn kiện tụng, tranh chấp, ly hôn. Nhiều khi tôi thấy người kiện tụng mà nói quá sự việc tôi cũng ráng khuyên họ viết dằn xuống bớt. Bởi nhiều việc mình thấy không đúng sự thật mà gõ vào thì tội cho người bị kiện. Còn đối với đơn ly hôn, tôi nghĩ có thể người ta chưa suy nghĩ thấu đáo, bởi đơn kí rồi là mất chồng mất vợ nên mình khuyên được người ta thay đổi ý định hạnh phúc còn hơn được tiền. Cũng có nhiều người, tới thuê làm đơn tôi cũng khuyên vậy rồi hòa giải được, trở lại cảm ơn tôi rối rít”, ông Hiếu chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ