Ấn Độ có giáo viên AI đầu tiên

GD&TĐ - Trường Trung học KTCT (Ấn Độ), trở thành trường đầu tiên trên toàn quốc đưa giáo viên trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy.

Học sinh Ấn Độ tương tác với giáo viên AI Iris.
Học sinh Ấn Độ tương tác với giáo viên AI Iris.

Trường Trung học KTCT, thành phố Thiruvananthapuram, bang Kerala, Ấn Độ, trở thành trường đầu tiên trên toàn quốc đưa giáo viên trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy. Giáo viên AI tên Iris, là robot hình người, được chỉnh trang đầu tóc, trang phục phù hợp với văn hóa Ấn Độ.

Do công ty công nghệ giáo dục Makerlabs phát triển, Iris là một phần dự án Atal Tinkering Lab (ATL) nhằm thúc đẩy các hoạt động ngoại khóa trong trường học. Iris góp phần nâng cao trải nghiệm học tập cho học sinh.

Đại diện Makerlabs chia sẻ: “Với Iris, chúng tôi bắt đầu cách mạng hóa giáo dục bằng cách khai thác sức mạnh của AI và tạo ra trải nghiệm học tập được cá nhân hóa”.

Trong một video giới thiệu về Iris được công ty Makerlabs đăng tải trên mạng xã hội, học sinh tỏ ra hào hứng, thích thú trò chuyện, bắt tay với giáo viên mới.

Iris có thể nói 3 ngôn ngữ là tiếng Anh, tiếng Hindi và tiếng Malayalam. Robot có thể dạy các môn từ mẫu giáo đến lớp 12 vì kiến thức được hỗ trợ bởi AI tạo sinh.

Iris có thể trả lời các câu hỏi phức tạp ở nhiều chủ đề khác nhau, cung cấp hỗ trợ bằng giọng nói được cá nhân hóa và tương tác với người dùng. Để tăng khả năng di chuyển, Iris được trang bị bánh xe.

Theo báo cáo của Makerlabs, học sinh rất ấn tượng với phương pháp giảng dạy mới. Không em nào vắng mặt trong các tiết học của Iris. Hơn nữa, robot còn có khả năng phát hiện và ngăn chặn những nội dung không phù hợp như ma tuý, bạo lực.

Theo Hindustantimes

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ