Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen quanh chủ đề này.
- Những thành tựu nổi bật của trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang được nhiều trường học áp dụng. PGS có thể cho biết thành tựu nổi bật của công nghệ này?
- Với giáo dục, AI được sử dụng nhiều trong giảng dạy tiếng Anh vì dữ liệu ngôn ngữ tiếng Anh hiện nay rất lớn và nhu cầu đối với các dịch vụ AI hỗ trợ học tiếng Anh cũng rất cao.
Thành tựu nổi bật nhất của công nghệ AI trong giảng dạy ngoại ngữ các năm gần đây là các hệ thống hỗ trợ dịch nói và dịch viết tự động. Công nghệ nhận dạng giọng nói cũng đã có những bước tiến dài và được tích hợp vào khá nhiều các ứng dụng dạy học ngoại ngữ hiện đại.
- Tại hội thảo về ứng dụng AI vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy mới đây, nhiều học giả cho rằng; tương lai “trợ lý ảo” sẽ đóng vai trò lớn trong hỗ trợ giảng viên dạy học. PGS có thể cho biết ưu và nhược điểm của AI?
- Trong giảng dạy ngoại ngữ, các hệ thống AI giúp học viên nhận được nhiều phản hồi có giá trị cho việc học gần như tức thời. Từ đó, sự hứng thú của học viên và thời lượng tiếp nhận ngữ liệu ngoài giờ học truyền thống tăng lên. Tuy nhiên, AI xét cho cùng cũng chỉ là các thuật toán xử lý dữ liệu nên không thể đưa ra đề xuất, đánh giá tốt cho mọi tình huống.
- Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong quá trình đổi mới dạy và học, hướng đến việc học của học sinh, sinh viên không còn giới hạn và không gian. Nhưng nó cũng để lại nhiều lo ngại nơi đội ngũ giảng viên. Theo PGS “trợ lý ảo” có thể thay thế được giáo viên trong tương lai không?
- Thực tế, kiến thức và kĩ năng là kết quả của nhiều loại tương tác, như tương tác giữa người học với nhau, tương tác giữa giáo viên và học viên, tương tác giữa học viên với nhân viên, với trường, lớp, sách vở, thư viện... “Trợ lý ảo” hiện nay mới chỉ tăng cường tương tác giữa người học với máy tính và làm nền tảng giúp việc tương tác giữa người thật với nhau được nhanh, hiệu quả hơn. Vì vậy, trong tương lai gần, “trợ lý ảo” chưa thể thay thế giáo viên được.
- Không gian học thuật mở rộng, công nghệ tích hợp nhiều giải pháp giảng dạy mới, người giáo viên chắc chắn phải thay đổi. PGS có thể cho biết, khi áp dụng công nghệ AI sâu và mạnh vào việc đổi mới phương pháp dạy học, giáo viên cần phải thay đổi gì?
- Như tôi đã nói, AI sẽ không thay thế giáo viên, nhưng giáo viên biết sử dụng các hệ thống AI sẽ thay thế những giáo viên không biết sử dụng chúng. Tôi nghĩ giáo viên cần làm quen với các công cụ AI và tìm cách ứng dụng trong công việc cụ thể của mình.
- Phương pháp giảng dạy thay đổi, môi trường và không gian học tập thay đổi, người học (HS-SV) có cần phải thích ứng và thay đổi theo không, thưa PGS?
- Người học nên theo dõi, cập nhật các tiến bộ của công nghệ để tránh rơi vào tình huống phải cạnh tranh việc làm trực tiếp với AI. Tôi nghĩ khả năng tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, khả năng cảm thụ nghệ thuật, rung động trước cái đẹp, kĩ năng giao tiếp là những yếu tố nhà tuyển dụng nào cũng cần mà AI hiện nay lại gần như không có.
- Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ!