Ấn Độ: “Bật đèn xanh” cho cấp bằng trực tuyến

GD&TĐ - Từng hạn chế chương trình đào tạo đại học cấp bằng trực tuyến, Ấn Độ đang khuyến khích mở rộng mô hình giáo dục này tại các cơ sở chất lượng.

Sinh viên Ấn Độ học trực tuyến.
Sinh viên Ấn Độ học trực tuyến.

Xu hướng mới đặt ra thách thức kiểm soát tốt tỷ lệ sinh viên bỏ học khi học từ xa.

Vào tháng 9/2020, Cơ quan quản lý giáo dục đại học Ấn Độ và Ủy ban Tài trợ đại học (UGC) đã đưa ra hướng dẫn tiêu chuẩn cho chương trình đào tạo cấp bằng trực tuyến.

Theo đó, những trường có thể trao bằng trực tuyến gồm trường được công nhận bởi Hội đồng Đánh giá và Công nhận quốc gia (NAAC), được NAAC xếp hạng A++, A+ hoặc những trường nằm trong danh sách 100 trường hàng đầu Ấn Độ.

Đến cuối tháng 3, UGC đã phê duyệt kế hoạch cho phép 37 trường đại học hàng đầu cả nước tổ chức chương trình đào tạo trực tuyến, nhận bằng chính quy. Các trường có thể cung cấp tối đa 3 chương trình đào tạo đại học và 10 chương trình sau đại học dưới hình thức trực tuyến, ngoại trừ ngành Y học và Kỹ thuật.

Một số trường đã sẵn sàng tổ chức chương trình đào tạo cấp bằng trực tuyến gồm Trường Đại học Jawaharlal Nehru, ĐH Hồi giáo Aligarh, ĐH Mysore, ĐH OP Jindal và ĐH Shiv Nadar.

Phần lớn các trường đại học, học viện bày tỏ mong muốn được tổ chức các khóa học cấp bằng trực tuyến về Quản trị kinh doanh. Trong đó, Trường ĐH Alagappa, ĐH Mysore và ĐH Kuvempu dự kiến mở tối đa 13 ngành đào tạo trực tuyến mỗi niên khóa. 

Trước đó, Ấn Độ quy định các chương trình giảng dạy trực tuyến chỉ được chiếm nhiều nhất 20% so với chương trình đào tạo toàn trường. Đại dịch Covid-19 khiến các trường chuyển sang đào tạo trực tuyến, thúc đẩy phát triển hình thức đào tạo này.

Tuy nhiên, chỉ những cơ sở giáo dục đại học chất lượng, độ tin cậy cao và được công nhận mới được phép cấp bằng trực tuyến. Mục đích giúp các trường tạo thêm doanh thu, sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo.

Ngoài ra, kế hoạch mới được kỳ vọng sẽ cải thiện tỷ lệ học đại học tại Ấn Độ vì hiện nay, tỷ lệ thanh thiếu niên từ 18 - 23 tuổi học đại học chỉ ở mức 26%. Chính phủ đặt mục tiêu đạt tỷ lệ 50% vào năm 2035. Đại học trực tuyến sẽ là lựa chọn thích hợp cho người dân sống tại khu vực nông thôn, nơi thiếu các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời thúc đẩy khắc phục hạn chế về kết nối Internet, thiết bị công nghệ.

Các chuyên gia giáo dục thông tin, dù một số nhà tuyển dụng ưu tiên ứng viên tốt nghiệp theo hình thức truyền thống, ngày càng nhiều người chấp nhận bằng cấp trực tuyến. Sự thay đổi này đến từ niềm tin vào chất lượng đào tạo của những cơ sở giáo dục hàng đầu.

Ông Himanshu Rai, Giám đốc Học viện Quản lý Ấn Độ, khẳng định chất lượng giáo dục không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vì hầu hết các trường đều chuyển sang dạy trực tuyến. Nhiều sinh viên phản ánh học trực tuyến không hiệu quả như học truyền thống. Nhưng ông Rai cho rằng đây là hai chương trình đào tạo khác nhau, không thể so sánh.

Ông Rai cho biết: “Đào tạo truyền thống thông qua trải nghiệm, tương tác nên nó rất khác so với đào tạo trực tuyến. Lợi thế của chương trình học từ xa là “dân chủ hóa giáo dục”, giúp nhiều người có quyền đăng ký vào môi trường giáo dục chất lượng”.

Học trực tuyến giúp tiết kiệm chi phí, thuận lợi cho những sinh viên không đủ khả năng tài chính để theo học các trường đắt tiền. Tuy nhiên, do hạn chế tương tác thực tế nên sinh viên có thể thiếu động lực học. Vì vậy, các trường học, cơ quan liên quan cần giải quyết bài toán sinh viên bỏ học khi tham gia chương trình đào tạo cấp bằng trực tuyến.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.