Tiếp bài 'Hoạt động dạy liên kết trong trường học tại Thanh Hóa':

'Ăn cắp' thời gian Nhà nước đã trả lương

GD&TĐ - Tiếp tục tìm hiểu về hoạt động dạy liên kết trong các trường học tại Thanh Hóa, Báo GD&TĐ nhận thấy có nhiều vấn đề cần được làm rõ.

Học sinh hào hứng trong một chương trình ngoại khóa tại trường học. Ảnh minh họa
Học sinh hào hứng trong một chương trình ngoại khóa tại trường học. Ảnh minh họa

“Mượn thủ lợn nấu cháo”

Nhiều trường tiểu học ở Thanh Hóa hiện nay đã, đang ký hợp đồng với các công ty phát triển giáo dục (PTGD) hoặc công ty truyền thông và giáo dục (TT&GD)... để liên kết dạy tăng cường ngoài giờ chính khóa các môn học Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Kỹ năng sống...

Nhiều ý kiến, trong đó có cả những nhà giáo đang công tác trong ngành Giáo dục (GD) và luật sư đã phân tích tính pháp lý, đồng thời lên tiếng phản ứng về vấn đề này.

Một thầy giáo dạy tiểu học ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa (đề nghị không nêu tên), cho rằng: Thông tư 17/2021 của Bộ GD&ĐT đã quy định không dạy thêm đối với học sinh (HS) tiểu học.

Vậy, tại sao lại cấp phép cho doanh nghiệp để liên kết thuê giáo viên (GV) dạy thêm ngoài giờ chính khóa cho các em ở ngay trong trường, như vậy có phải là “tréo ngoe” hay không? Hơn nữa, các doanh nghiệp không có GV và họ cũng chẳng phải đầu tư tiền bạc để xây dựng cơ sở vật chất.

“Chúng ta đang hiểu lầm giữa khái niệm “ngoài giờ chính khóa” và “ngoài tiết học chính khóa”. Vì, “ngoài giờ chính khóa” tức là thời gian không nằm trong khung 8 giờ/ngày, mà GV phải làm việc để được Nhà nước trả lương. Còn “ngoài tiết học chính khóa”, có nghĩa là GV dạy cho HS những kỹ năng sống như: Chơi cờ vua, học nhảy rumba, erobic...

Như vậy, nếu ký hợp đồng kinh tế liên kết, đưa các môn học văn hóa, như: Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh... tăng cường ngoài giờ chính khóa vào dạy trong khung giờ hành chính, là vi phạm luật và có thể coi đó là hành vi “bớt xén” thời gian của Nhà nước, khi mà GV đang được Nhà nước trả lương”, thầy giáo này phân tích.

Đồng quan điểm trên, một nhà giáo ở TP Thanh Hóa cho rằng, là viên chức ngành Giáo dục, GV phải làm việc 8 giờ/ngày - bằng người lao động theo quy định. Đối với số lượng 23 tiết/tuần dạy ở lớp của GV tiểu học, đó là nhiệm vụ. Còn thời gian làm việc của GV tiểu học, phải tuân thủ 40 giờ/tuần theo quy định, để ăn lương Nhà nước.

“Theo Chương trình GDPT mới 2018, GV tiểu học phải đi cả buổi chiều. Nếu không làm ở trường, GV phải dành thời gian để soạn giáo án, tự bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ. Khoảng thời gian đó, là dành để nghiên cứu, làm những công việc cho ngành GD, thì GV mới được trả lương đầy đủ.

Ví dụ: Buổi chiều, GV dạy 2 tiết trong chương trình chính khoá, còn 2 tiết dạy liên kết để thu tiền từ 15 giờ 15 phút đến hết buổi chiều - khung giờ này là khung giờ hành chính Nhà nước. Vì thế, tùy theo điều kiện của nhà trường bố trí, GV phải dạy kỹ năng sống, hay tổ chức cho HS vui chơi giải trí để phát triển tâm sinh lý. Cớ sao GV lại làm ngoài (dạy tăng cường liên kết) rồi thu tiền, để chia phần trăm hoa hồng cho nhau. Như thế, có khác gì “mượn thủ lợn nấu cháo” hay không?”, thầy giáo này đặt câu hỏi.

Là người có con đang học lớp 3, anh Nguyễn Văn Tân, ở TP Thanh Hóa, nêu quan điểm: “Tôi cũng chưa hiểu được các doanh nghiệp ấy có tư cách nào mà soạn thảo sách (giáo trình phần mềm) cho người ta dạy. Trong khi đó, Nhà nước còn phải thẩm định sách giáo khoa cho các cơ sở giáo dục toàn quốc?

Những bộ tài liệu, giáo trình, bài giảng, đặc biệt là môn Toán, Tiếng Việt... mà các doanh nghiệp dùng để thuê GV dạy tăng cường ngoài giờ chính khóa ở trường học, đã được cơ quan nào thẩm định, cấp phép chưa? Vì, có thể đó là một bộ tài liệu viết chung cho nhiều trường, nhiều địa phương và được dạy chung như một giáo án, một kế hoạch đại trà”, anh Tân nói.

Cũng theo phụ huynh này, sau khi kết thúc môn học tăng cường, ai là người kiểm tra, đánh giá kết quả, chất lượng của nó như thế nào? Tại sao lại chỉ có 2 bên (nhà trường và doanh nghiệp) nhận xét, rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện, rồi báo cáo về phòng và Sở GD&ĐT? Hơn nữa, hiện tại GV dạy các môn văn hóa cấp tiểu học của tỉnh Thanh Hóa còn chưa đủ, thì tại sao lại cho dạy liên kết?

Cần kiểm tra nhiều vấn đề

Điều khoản trách nhiệm trong hợp đồng sau khi kết thúc khóa học được kí giữa công ty và nhà trường.

Điều khoản trách nhiệm trong hợp đồng sau khi kết thúc khóa học được kí giữa công ty và nhà trường.

Ở góc độ hợp đồng liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp vào thuê GV của nhà trường để dạy cho HS và thu tiền của phụ huynh rồi chia phần trăm “hoa hồng” với nhau cho thấy chưa rõ ràng, minh bạch. Vì doanh nghiệp không phải bỏ vốn, không phải đầu tư cơ sở vật chất, con người... mà chỉ cần giấy phép rồi vào nhà trường ký hợp đồng liên kết, để “ăn chia”.

Và đương nhiên, công sức của GV bỏ ra dạy thuê lại được doanh nghiệp trả rất “rẻ mạt”. Còn người phải bỏ tiền để nộp với mức giá cao hơn quy định học thêm ở cấp THCS, THPT chính là phụ huynh của HS.

Hơn nữa, theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, trách nhiệm được nêu trong hợp đồng không rõ ràng. Ai là người quản lý HS khi dạy ngoài giờ chính khóa? Trường hợp HS có vấn đề gì, bị tai nạn... thì ai là người chịu trách nhiệm?

Bên cạnh đó, việc khấu hao tài sản cơ sở vật chất, điện, nước của nhà trường (là tài sản công), ai là người chịu trách nhiệm?

Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH của Bộ GD&ĐT hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường cấp tiểu học, nêu rõ: “Kế hoạch thời gian tổ chức dạy học các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc, môn học tự chọn, đảm bảo tổng số tiết/năm học được quy định trong chương trình cấp tiểu học.

Bố trí thời gian thực hiện chương trình đảm bảo tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh... Đối với các hoạt động giáo dục củng cố, tăng cường, hoạt động theo nhu cầu người học được tổ chức theo hình thức trải nghiệm, tham quan, hoạt động xã hội, tìm hiểu văn hóa địa phương...

Hiệu trưởng tổ chức xây dựng kế hoạch thời gian thực hiện phù hợp với kế hoạch thời gian thực hiện chương trình các môn học, hoạt động giáo dục và điều kiện cụ thể của nhà trường. Tạo môi trường cho HS được trải nghiệm, vận dụng các kiến thức đã học, phát huy năng lực đã đạt được trong chương trình các môn học, hoạt động giáo dục vào thực tiễn...”.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia pháp lý cho rằng: Nếu nhà trường phân bổ tiết dạy theo Luật Giáo dục mà GV đạt được số lượng giờ nhất định, thì thời gian còn lại, họ có thể dạy liên kết. Ngược lại, nếu nhà trường chưa thực hiện xong nghĩa vụ đối với viên chức giáo dục mà bố trí cho GV dạy giờ liên kết, là không được phép.

Bên cạnh đó, đã cấm dạy thêm, học thêm ở trường vào buổi chiều đối với HS tiểu học, mà lại ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp để lấy GV của trường dạy tăng cường thì cần phải kiểm tra, rà soát kỹ xem GV đó đã dạy đủ số lượng tiết theo quy định trong tuần hay chưa?

Ngoài ra, cần kiểm tra việc sử dụng cơ sở vật chất của Nhà nước để phục vụ dạy liên kết tăng cường một số môn văn hóa có phù hợp không? Bởi lẽ, Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất trường học, không phải là để phục vụ cho việc doanh nghiệp vào ký hợp đồng liên kết rồi thuê GV dạy tăng cường. Còn về khoản tiền lấy từ việc dạy liên kết đó, Nhà nước có được thu để bù vào chi phí đầu tư không?

Cũng theo quan điểm của chuyên gia pháp lý thì cơ quan chức năng có liên quan cần thanh, kiểm tra các doanh nghiệp, các trung tâm giáo dục... xem họ hoạt động có đúng luật không?

“Về nguyên tắc, khi anh được phép thành lập doanh nghiệp hoặc trung tâm giáo dục, thì phải đạt được các tiêu chí về cơ sở vật chất, như: Phòng học, đội ngũ GV, giáo trình giảng dạy... đủ các điều kiện cơ bản để giảng dạy.

Điều đáng nói ở đây là, khi anh được phép thành lập doanh nghiệp hay trung tâm giáo dục rồi, mà lại đi thuê cơ sở vật chất, đội ngũ GV của nhà trường... thì liệu đã đủ điều kiện hay chưa? Bên cạnh đó, công tác hậu kiểm, đánh giá của cơ quan chức năng về việc cho phép thành lập công ty, trung tâm đã chính xác chưa?”, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa nêu quan điểm.

Cuối cùng, vị luật sư này cho rằng, đối với HS tiểu học, vào buổi sáng sẽ học các môn trong thời khóa biểu theo quy định, còn buổi chiều các cháu vẫn học ở trường, nhưng đó là những giờ dành cho kỹ năng sống, vui chơi giải trí... để phát triển tâm sinh lý của trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ