Phụ huynh, giáo viên bị 'bóc lột' vì chiêu trò dạy liên kết trong trường học

GD&TĐ - Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, hiện ở Thanh Hóa có khá nhiều công ty liên kết dạy kỹ năng sống, tăng cường Toán – Tiếng Việt với các nhà trường.

Học sinh Trường Tiểu học Hoằng Phong trong giờ chơi.
Học sinh Trường Tiểu học Hoằng Phong trong giờ chơi.

Dù hoạt động bồi dưỡng kiến thức môn Toán, Tiếng Việt, Kỹ năng sống trong các trường học công lập ở Thanh Hóa được tổ chức tự nguyện, nhưng đằng sau đó là những vấn đề khá “nhạy cảm” khiến phụ huynh lẫn giáo viên bức xúc.

Núp bóng “tự nguyện”

Năm học này, ngoài chương trình chính khóa, học sinh (HS) Trường Tiểu học Hoằng Phong (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) còn học thêm các tiết bồi dưỡng kiến thức môn Toán và Tiếng Việt.

Hoạt động bồi dưỡng kiến thức này được nhà trường ký hợp đồng liên kết với Công ty cổ phần Truyền thông và Giáo dục DARWIN (viết tắt là Công ty DARWIN, TP Thanh Hóa) để thực hiện dạy cho HS từ lớp 1 đến lớp 5.

Ông Nguyễn Xuân Hòa - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hoạt động bồi dưỡng kiến thức được tổ chức ngoài giờ chính khóa. HS tham gia hoàn toàn tự nguyện, không bắt buộc. Tuy nhiên, ông Hòa cũng thừa nhận, hầu hết HS nhà trường đều tham gia. Hiện, đã có hơn 500 em tham gia trong tổng số gần 670 HS toàn trường.

“Hoạt động bồi dưỡng kiến thức môn Toán và Tiếng Việt được nhà trường tổ chức 3 tiết/tuần. Nhà trường hợp đồng với Công ty DARWIN, chỉ thu 9.000 đồng/tiết học”, ông Hòa nói.

Trong bản hợp đồng ký kết giữa trường này với Công ty DARWIN có ghi rõ: “Nội dung dạy học được thực hiện theo kế hoạch năm học 2023 - 2024 của Trường Tiểu học Hoằng Phong và kế hoạch triển khai năm học 2023 - 2024 của Công ty DARWIN. Tổng số tiết theo phân phối chương trình là 70 tiết, với thời lượng mỗi tiết là 35 phút”.

Theo thỏa thuận, Trường Tiểu học Hoằng Phong (bên A) sẽ được nhận 23% mức thu học phí để chi cho các mục: Chi phí cho công tác quản lý, chi bổ sung cơ sở vật chất, điện nước và chi thường xuyên của nhà trường.

Công ty DARWIN (bên B) nhận 77% giá trị hợp đồng (chi trả phí thuê giáo viên giảng dạy là 50%, 27% còn lại công ty dùng để chi cho các mục: Chi lương của hệ thống nhân sự công ty; chi công tác quản lý; phục vụ, tài liệu giáo trình; nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; truyền thông - marketing thị trường; văn phòng phẩm; đầu tư và khấu hao cơ sở vật chất tại công ty...).

“Bên A tạo điều kiện cho giáo viên bên B sử dụng phòng học tốt nhất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức các môn Toán - Tiếng Việt ngoài giờ chính khóa đạt hiệu quả... Bên B chuẩn bị đầy đủ giáo viên, chương trình dạy, tài liệu, giáo án, phân phối chương trình, phần mềm cho giáo viên dạy, phục vụ, chăm sóc trong quá trình thực hiện phối hợp chương trình đảm bảo yêu cầu...”, nội dung hợp đồng nêu.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoằng Phong thừa nhận, hoạt động bồi dưỡng kiến thức môn Toán và Tiếng Việt hiện do giáo viên của trường phụ trách. Tổng số giáo viên tham gia giảng dạy đến thời điểm hiện tại là 16 thầy, cô.

“Đi họp phụ huynh, thấy ai cũng đăng ký cho con tham gia hoạt động bồi dưỡng kiến thức môn Toán, Tiếng Việt nên tôi cũng đăng ký cho con học. Theo tờ phiếu mà nhà trường phát cho phụ huynh thì chương trình được liên kết với Công ty DARWIN, chi phí là 9.000 đồng/tiết. Bây giờ, người ta đăng ký thế nào thì mình cũng theo vậy chứ biết thế nào” - một phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Hoằng Phong than thở.

Áp lực của giáo viên và phụ huynh

Văn bản do công ty in sẵn cho phụ huynh học sinh 'tự nguyện' đăng ký để con mình được học ngoài giờ chính khóa.

Văn bản do công ty in sẵn cho phụ huynh học sinh 'tự nguyện' đăng ký để con mình được học ngoài giờ chính khóa.

Không chỉ riêng Trường Tiểu học Hoằng Phong, theo ghi nhận thực tế, nhiều trường tiểu học tại huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc... cũng đang tổ chức hoạt động này.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, một giáo viên (xin giấu tên) đang tham gia hoạt động bồi dưỡng kiến thức Toán và Tiếng Việt, cho biết dù trên tinh thần là tự nguyện, không ép buộc, song hầu hết phụ huynh đều “buộc lòng” cho con tham gia.

“Ở trường tôi, hoạt động bồi dưỡng môn Toán và Tiếng Việt, được tổ chức vào một buổi gồm 3 tiết trong tuần và không đưa vào thời khóa biểu nên hầu hết HS đều tham gia.

Giáo viên giảng dạy chỉ được hưởng 50%, nhà trường hưởng 23%, còn lại gửi cho công ty liên kết. Tuy nhiên, nội dung bài giảng mà công ty cung cấp không sử dụng được nhiều. Chúng tôi gần như phải soạn thêm giáo án để giảng dạy cho các em”, nữ giáo viên chia sẻ.

Tại huyện Hậu Lộc, không ít phụ huynh cũng “kêu trời” vì nhà trường liên kết với các công ty tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng sống. Học phí mỗi năm học dành cho hoạt động này dao động từ 280.000 - 450.000 đồng/HS.

“Trong chương trình chính khóa, HS cũng đang học 3 tiết mỗi tuần cho hoạt động trải nghiệm. Đây cũng là hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Vậy, tại sao các trường còn kêu gọi phụ huynh đóng thêm một khoản tiền lớn cho cái gọi là dự án giáo dục kỹ năng sống, mà thực chất của nó là nhà trường đang ký hợp đồng liên kết với các công ty”, một phụ huynh (từ chối nêu tên) phản ánh.

Cũng theo phản ánh của nhiều phụ huynh HS, ngoài tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng sống, HS còn phải đóng góp các khoản đầu năm học, như: Quỹ hội phụ huynh, quỹ lớp, quỹ tri ân thầy cô dành cho HS lớp 9... Đó là những khoản thu hết sức vô lý. Đặc biệt, với những gia đình điều kiện kinh tế còn eo hẹp, thì làm sao họ cáng đáng nổi.

Tìm hiểu của Báo GD&TĐ cho thấy, hiện nay ở Thanh Hóa có khá nhiều công ty liên kết dạy kỹ năng sống, tăng cường Toán – Tiếng Việt với các nhà trường. Nhiều công ty soạn thảo hợp đồng để ký kết với trường học, nhưng họ đưa vào điều khoản ràng buộc trong hợp đồng như kiểu phải “bí mật”.

Đơn cử, hợp đồng đưa vào điều khoản: “Trong thời gian thực hiện và khi chấm dứt hợp đồng này, bên B (nhà trường) cam kết giữ bí mật và không tiết lộ bất kỳ các thông tin, tài liệu nào cho bên thứ ba liên quan đến vụ việc nếu không được bên A (công ty) chấp nhận. Trường hợp bên B vi phạm quy định về bảo mật thông tin, bên A có quyền chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bên B bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”.

Một phụ huynh ở huyện Hậu Lộc (đề nghị giấu tên) nêu quan điểm: “Xét cho cùng, việc các nhà trường ký hợp đồng với các công ty để dạy tăng cường môn Toán, Tiếng Việt hoặc Kỹ năng sống trong trường học, là hình thức ăn chia lợi nhuận mà thôi.

Bởi vì, giáo viên bỏ công sức ra dạy, thì chỉ được hưởng 50% học phí. Còn nhà trường được hưởng 23% để chi cho công tác quản lý, chi bổ sung cơ sở vật chất, điện nước và chi thường xuyên của nhà trường. Còn phía công ty đương nhiên họ hưởng 27% giá trị hợp đồng.

Như vậy, có công bằng cho giáo viên hay không? Nếu các công ty ấy mà tự bỏ vốn ra, xây dựng trung tâm, rồi thuê giáo viên, mời học sinh đến học, thì liệu có người nào cho con đến học không?”.

Điều đáng nói, khi ký hợp đồng với nhà trường, phía công ty in cho phụ huynh HS một tờ đơn “tự nguyện”, để đăng ký. Mẫu viết sẵn trong đơn tự nguyện này ghi rõ: “Tôi đã tham khảo đầy đủ thông tin chương trình Toán - Tiếng Việt ngoài giờ chính khóa năm học 2023 - 2024 của Công ty cổ phần Truyền thông và Giáo dục DARWIN phối hợp với nhà trường dạy tại trường. Tôi nghĩ rằng rất cần thiết và bổ ích cho con được tham gia học chương trình trên. Tôi tự nguyện đăng ký cho con học và nghiêm túc thực hiện nội quy và nộp phí đầy đủ”.

“Với cách làm như vậy, liệu rằng phụ huynh của HS đã thực sự tham khảo đầy đủ thông tin chương trình Toán - Tiếng Việt ngoài giờ chính khóa rất cần thiết và bổ ích hay chưa?”, một giáo viên (xin giấu tên) đặt câu hỏi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ