Ấn báu của vua đúc chữ gì?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ở thời Trần, tuy sử sách ghi nhiều sự kiện liên quan đến ấn báu, nhưng không ghi cụ thể để đời sau biết trên ấn báu đúc những chữ gì.

Dấu ấn “Sắc mệnh chi bảo” đóng trên sắc phong đời Lê, niên hiệu Vĩnh Khánh năm thứ 2 (1730), đời Lê Đế Duy Phường.
Dấu ấn “Sắc mệnh chi bảo” đóng trên sắc phong đời Lê, niên hiệu Vĩnh Khánh năm thứ 2 (1730), đời Lê Đế Duy Phường.

Nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nên di sản văn vật thời xưa để lại bị mất mát quá nhiều. Như ấn triện của vua chúa từ thời Lê trở về trước hầu hết đều không còn, sót lại chỉ thấy chiếc ấn “Môn hạ sảnh” từ thời Trần, hoặc một số sắc phong có đóng ấn “Sắc mệnh chi bảo” thời Lê trung hưng mà thôi.

Sau khi vua Bảo Đại thoái vị tháng 8/1945, triều đình nhà Nguyễn đã bàn giao cho chính quyền cách mạng toàn bộ kho bảo vật, trong đó ngoài vàng bạc, châu báu và hàng chục chiếc ấn báu của vương triều.

Từ hiện vật được lưu trữ tại bảo tàng, chúng ta biết được triều Nguyễn có những chiếc ấn báu như ấn vàng truyền quốc “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” đúc từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu, năm 1709; các ấn vàng như “Hoàng đế chi bảo”, “Sắc mệnh chi bảo”, “Quốc gia tín bảo”, “Hoàng đế tôn thân chi bảo”, “Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo”…, các ấn ngọc như “Đại Nam thiên tử chi tỷ”, “Đại Nam hoàng đế chi tỷ”, và đặc biệt là ấn ngọc “Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ”, được chế tác vào năm Thiệu Trị 6 (1846), sau khi có một người dân dâng lên vua một viên ngọc cực lớn. …

Ấn tín của các đời vua Việt Nam từ nhà Lê về trước, đến nay không còn nữa, chúng ta chỉ có thể tìm hiểu qua những gì viết trong sử sách. Như thời Lê, sau thời vua Lê Thái Tổ, đến khi vua Lê Thái Tông lên ngôi, vào năm Thiệu Bình thứ 2 (1435), tháng 3, ngày mồng 6, “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết mới đúc xong ấn báu. Vua sai bọn Hữu bật Lê Văn Linh đến Thái miếu làm lễ tế cáo.

Cả 6 chiếc ấn đều đúc bằng vàng bạc. Ấn “Thuận thiên thừa vận chi bảo” (tức ấn “thay trời nối vận”) thì cất đi không dùng, chờ khi nào truyền ngôi mới dùng. Ấn “Đại thiên hành hóa chi bảo” (tức ấn “Thay trời tiến hành giáo hóa nhân dân”) thì dùng khi ban chiếu chế. Ấn “Sắc mệnh chi bảo” thì dùng khi có sắc dụ và hiệu lệnh thưởng phạt cùng các việc lớn.

Ấn “Ngự tiền chi bảo”, dùng đóng vào giấy tờ sổ sách. Ấn “Ngự tiền tiểu bảo” thì dùng khi có việc cơ mật. Tuy nhiên, trong các việc chính sự thì vẫn dùng ấn bằng ngà, chưa dùng đến các ấn mới đúc.

Hoặc đến đời vua Lê Thánh Tông, tháng 12, năm Quang Thuận thứ 8 (1467), vua đưa ấn “Thiên Nam Hoàng Đế chi bảo” cho các tế thần xem để cùng bàn. Quyền Thượng thư bộ Hộ là Nguyễn Cư Đạo nói: “Ấn của Hoàng đế là ấn truyền quốc, nhưng hai chữ ‘Thiên Nam’ hình như hơi mới lạ, không bằng dùng các chữ ‘Thuận thiên thừa vận chi bảo’ rất hàm súc, rất có ý nghĩa”. Vua mới dụ các quan rằng:

“Mới rồi, ấn truyền quốc đã sai quan bí thư là bọn Lương Như Hộc xét trong sách ‘Văn hiến thông khảo’ để đúc, gọi là ‘Hoàng đế thụ mệnh chi bảo’, các quan tể thần bàn thế nào, hãy làm bản tâu lên”.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta đều biết, từ thời vua Lý Anh Tông, trong quan hệ bang giao với triều đình phong kiến Trung Quốc, vua nhà Tống đã phong cho vua Lý làm An Nam quốc vương.

Theo quy định thời Tống thì khi phong vương cho vua các nước lân bang, đều ban cho ấn bạc có núm hình lạc đà, khắc các chữ “An Nam quốc vương ấn”. Điều này cũng được ghi rõ trong sử nhà Minh, như tháng 6 năm Hồng Vũ thứ 2 (1369), “Minh sử” viết: “Quốc vương An Nam Trần Nhật Khuê (tức vua Trần Dụ Tông) sai Thiếu trung Đại phu Đồng Thời Mẫn, bọn Chánh Đại phu Giả Để, Lê An Thế, đến triều cống sản vật địa phương và xin phong tước. Sai Hàn lâm Thị độc Học sĩ Trương Dĩ Ninh, Điển bạ Ngưu Lượng đi sứ nước này, phong Nhật Khuê làm An Nam Quốc vương và ban ấn bạc mạ vàng khắc hình lạc đà, kèm chiếu thư”.

Còn ở thời Trần, tuy sử sách ghi nhiều sự kiện liên quan đến ấn báu, nhưng không ghi cụ thể những lần đúc ấn để đời sau biết trên ấn báu triều đại này đúc những chữ gì. “Toàn thư” chỉ ghi chuyện thời vua Trần Thái Tông, năm Đinh Tỵ (1257), trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ, khi vua thân hành thống lĩnh quân đi chống giặc, quan giữ ấn do quá vội vàng đã giấu ấn báu lên rường điện Đại Minh, chỉ đem ấn nội mật đi theo. Giữa đường, ấn ấy bị mất. Giấy tờ trong quân không có ấn, nhà vua sai thợ khắc gỗ làm ấn. Đến khi xa giá về kinh, lại có người đem dâng chiếc ấn bị mất, ấn báu giấu đi thì vẫn còn nguyên ở chỗ cũ.

Sáu mươi năm sau, đến đời vua Trần Minh Tông, vào mùa xuân năm Đại Khánh thứ 3 (1316) triều đình xét duyệt quan văn và hộ khẩu. Các quan xét duyệt cho rằng những tấm thiếp đóng ấn gỗ vào những năm niên hiệu Nguyên Phong (đời vua Trần Thái Tông) là giả tạo. Thượng hoàng Trần Anh Tông nghe tin ấy, bảo họ: “Đó đúng là những tấm thiếp của nhà nước đấy”. Nhân đó, thượng hoàng ôn lại chuyện thời Nguyên Phong mà dụ rằng: “Những người ở trong triều mà không am hiểu điển cũ thì lỡ việc nhiều lắm”.

Sử cũ cũng cho biết các vua khi đi chơi cũng đem ấn báu theo bên mình, có lẽ đó chỉ là ấn riêng của nhà vua chứ không phải ấn báu truyền quốc. Đó là chuyện xảy ra vào tháng 6 năm 1366, vua Trần Dụ Tông lúc đó mải mê ăn chơi, quên việc triều chính. Hôm đó nhà vua đi thuyền đến chơi nhà Thiếu úy Trần Ngô Lang tại hương Mễ Sở, tới canh ba mới về. Trên đường về, đến sông Chử Gia, nhà vua bị bọn cướp chặn đường lấy mất ấn và gươm báu.

Còn thời vua Lê Tương Dực, vị vua này đã cả gan làm một việc “động trời” trong quan hệ bang giao, với nhà Minh ở Trung Quốc mà có lẽ chưa vị vua nào của Việt Nam dám làm. Sử nước ta chép rằng, vua Lê Tương Dực do làm mất ấn quốc bảo, không có gì để khớp với phù khế của nhà Minh. Nhân vua biết viên quan Kim quang môn đãi chiếu tên là Nguyễn Huệ biết làm ấn quốc bảo, nên đã sai khắc ấn mới để khớp với phù khế của nhà Minh, quả nhiên khớp với ấn của nhà Minh đã ban cho.

Đến năm Hồng Thuận thứ 5 (1513), khi sứ nhà Minh là bọn Huy Tăng, Nhược Thuỷ sang phong cho vua làm An Nam Quốc vương thì Nguyễn Huệ đã về nghỉ vì tuổi già. Vua nghĩ đến công làm ấn giả của ông, lại gọi ra để dùng, thăng ông làm Lễ bộ Tả thị lang hành Kim quang môn đãi chiếu, tri Thượng bảo giám các cục.

Hiện trên các sắc phong thời Lê Trung hưng, còn lưu giữ những dấu ấn “Sắc mệnh chi bảo” hình vuông, khắc chữ dạng triện thư, tương tự như ấn “Sắc mệnh chi bảo” thời Nguyễn. Thời Tây Sơn cũng để lại các sắc phong đóng ấn “Sắc mệnh chi bảo”, ngoài ra có thêm ấn khắc chữ “Tiên nhu chi bảo”, trên sắc phong niên hiệu Quang Trung năm thứ 5 (1792).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ