Vua Thiệu Trị phạt kẻ nịnh bợ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dù chỉ ngồi trong cung điện, nhưng với kinh nghiệm và trí óc phân tích sắc sảo, Vua Thiệu Trị vẫn có thể “lật tẩy” được trò nịnh bợ của bề tôi.

Vua Thiệu Trị, chính sử triều Nguyễn sau này gọi với thụy hiệu là Nguyễn Hiến Tổ, là vị vua thứ ba của triều Nguyễn. Ông sinh năm 1807, là con trai trưởng của vua Minh Mạng và bà Hồ Thị Hoa.

Lúc mới chào đời, ông được đặt tên là Nguyễn Phúc Dung, đến khi vua Minh Mạng lập ra bài Đế hệ thi để quy định tên của các hậu duệ dòng chính tông, phải lần lượt bắt đầu bằng các chữ “Miên, Hường, Ưng, Vĩnh, Bảo…”, ông được đổi tên thành Miên Tông.

Khi lên ngôi, cũng theo quy định từ thời Minh Mạng, các vị vua sẽ lấy một cái tên khác có bộ “Nhật”, ông lại được đổi thành Nguyễn Phúc Tuyền.

Từ nhỏ, ông đã được vua cha sai các thầy giỏi đến dạy dỗ, kèm cặp tại Chí Thiện đường và cũng thường được vua cha cho đi cùng khi tuần thú các địa phương để hiểu về đời sống dân chúng.

Năm 1830, ông được vua cha phong tước Trường Khánh công. Sau khi vua Minh Mạng qua đời năm 1840, Nguyễn Phúc Miên Tông tuân theo di chiếu được đưa lên nối ngôi, đặt niên hiệu là Thiệu Trị.

Lên ngôi lúc đã 33 tuổi, độ tuổi trưởng thành về nhiều mặt, nên vua Thiệu Trị có nhiều thuận lợi trong việc triều chính. Trước đó, từ năm 1837, ông đã được bổ kiêm nhiếp chức Tả Tôn chính phủ Tôn nhân, phụ trách trông coi các việc trong hoàng thất, nên cũng đã có kinh nghiệm trong việc điều hành, quản lý.

Sử sách triều Nguyễn mô tả vua Thiệu Trị là một vị vua thông minh, tận tụy chăm lo việc nước, uyên thâm Nho học, và đặc biệt yêu thích thơ ca.

Có một sự kiện ghi trong bộ sử “Đại Nam thực lục”, cho thấy ngay từ khi mới lên ngôi, vua Thiệu Trị đã thể hiện tài suy đoán của mình để lật tẩy một vụ tâng công nịnh bợ của bề tôi. Đó là chuyện xảy ra ngay trong năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), tháng 3 nhuận.

Khi đó, có người lính thuộc đội Kim Sang là Trương Văn Tài mang ngà voi nhờ sở Thị vệ dâng lên vua, nói rằng: “Mười hôm trước đây tôi đi bắn ở trong rừng thuộc tỉnh Quảng Trị có bắn được con voi chạy lồng đi, sau nó chết; người kiếm củi trên núi là Hồ Như Đổng lấy được ngà, tìm mãi mấy ngày mới bắt được, xin đem về nộp”.

Vua Thiệu Trị là vị Hoàng đế thứ ba của nhà Nguyễn. Ảnh tư liệu.

Vua Thiệu Trị là vị Hoàng đế thứ ba của nhà Nguyễn. Ảnh tư liệu.

Vua ngờ là Tài nói dối, sai xét lại cặp ngà, thì thấy ngà khô ráo, không có mùi tanh. Nhà vua sai bộ Binh cật vấn lại, Tài vẫn khai như trước. Đại thần Trương Đăng Quế mới tâu hộ cho rằng: “Việc này tầm thường, tư đi hỏi lại mãi, không khỏi làm phiền nhiễu cho dân”.

Nhà vua nghe vậy mới phán rằng: “Ý ta không thế, việc tuy nhỏ, nhưng quan hệ rất to. Theo lệ trước giờ, trong bọn lính Túc vệ, được đi săn bắn trong rừng núi ở nơi kỳ phụ (tức vùng đất lân cận kinh kỳ), cốt để trừ giống thú dữ cho dân ở được yên, tập bắn đề phòng khi sai phái, còn việc có được ngà voi hay không, không kể làm gì. Tài bắn được ngà voi, chưa quá 10 ngày, sao ngà lại khô ráo như thế? Sao biết con voi mà người kiếm củi trên núi bắt được là voi của Tài đã bắn? Nếu có cậy thế, nhân việc sai phái dọa nạt dân thường, thì cái tệ ấy rất không thể gây cho lớn lên được mãi”.

Do đó, nhà vua lập tức sai giải Tài về tỉnh Quảng Trị triệt để tra xét. Sau quá trình điều tra, tỉnh thần Đặng Đức Thiệm dâng sớ tâu rằng: “Tài quả nói dối, ngà voi ấy người kiếm củi trên núi bắt được đã hơn 2 tháng rồi, Tài dọa nạt cướp lấy, người kiếm củi không dám tranh lại”.

Đọc bản sớ trình, vua Thiệu Trị cười, nói rằng: “Tượng của quẻ trong Kinh Dịch có câu: “Phần thỉ chi nha” (răng nanh con lợn thiến) là có ý ngăn ngừa ngay từ lúc mới đốm ra”. Sau đó, nhà vua sai lấy ngà voi trả lại cho người kiếm củi, bắt tội Tài sung làm quân ở mãi vùng đất xa xôi là Trấn Tây.

Không chỉ riêng vụ việc kể trên, mà sau đó còn một vụ việc nữa cũng nói lên khả năng quan sát và kinh nghiệm của vua Thiệu Trị.

Tháng 5 năm đó, triều đình chuẩn bị làm lễ Ninh lăng (an táng) vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị đi yết cáo lăng Trường Cơ (lăng chúa Nguyễn Hoàng, người gây dựng cơ đồ nhà Nguyễn ở Đàng Trong), khi xa giá trở về, vua ngự trên thuyền Yêu Nguyệt, xem đánh cá ở sông Hương. Có hộ đánh cá là Trần Công Phước cùng viên thị vệ là Dương Đức Thông ngầm thả cá sẵn mà đánh lưới, khi cất lưới thì cá nhảy lên lao xao, chắc nhằm để vui lòng nhà vua.

Vua nhìn qua biết là giả dối, bảo thị thần rằng: “Ngày xưa, người coi ao thả cá, đánh lừa Tử Sản ở chỗ không trông thấy; ngày nay, hộ đánh cá, úp cá sẵn, đánh lừa ta ở chỗ ta chính mắt trông thấy. Ta xem việc đánh cá, đủ biết bọn nịnh thần là đáng ghét. Nên làm thơ để ghi nhớ”. (Tử Sản là nhà chính trị mở đầu phái Pháp gia ở nước Trịnh thời Xuân Thu, quy định cách tính thuế khá công bằng, soạn Hình thư khắc trên đỉnh đồng để cả nước thực hiện. Ông giữ chức Chính khanh nước Trịnh 21 năm, là người công bằng, thông minh, người dân không dám gian dối).

Bài thơ ngự chế của vua Thiệu Trị vịnh sự kiện này có câu: “Ngư tiểu, tu trừng viễn hãnh thần”, nghĩa là: Cá tuy là vật nhỏ, ta cũng nên đề phòng, xa kẻ nịnh thần. Sau đó vua sai phạt đánh bọn Trần Công Phước mỗi người 40 côn, đóng gông đưa về bộ, sau đó được tha, nhưng bắt tên Phước phát đi khổ sai ở vệ lính Long thuyền, còn tên Thông phát phối làm lính ở viện Thượng trà.

Việc ngăn chặn những hành vi dối lừa, nịnh bợ của vua Thiệu Trị cũng để lại những bài học quý giá cho đời sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.