Amanirenas: 'Nữ hoàng một mắt' trí dũng

GD&TĐ - Với người Nubia ở Ai Cập, nữ hoàng họ tôn sùng nhất không phải Nefertiti (1370 – 1330 TCN) hay Cleopatra (69 – 30 TCN) mà là Amanirenas (57 – 10 TCN).

Dù bị mù một bên mắt, nữ vương Amanirenas vẫn dũng mãnh xông trận và chiến thắng vẻ vang. Ảnh: Theafricanhistory.com
Dù bị mù một bên mắt, nữ vương Amanirenas vẫn dũng mãnh xông trận và chiến thắng vẻ vang. Ảnh: Theafricanhistory.com

Với người Nubia ở Ai Cập, vị nữ hoàng mà họ tôn sùng nhất không phải Nefertiti (1370 – 1330 TCN) hay Cleopatra (69 – 30 TCN) mà là Amanirenas (57 – 10 TCN). Bà là nữ hoàng lừng danh đánh bại Đế chế La Mã, lấy đầu tượng hoàng đế Augustus (63 – 14 TCN) chôn dưới thềm đền để dân chúng đạp dưới chân.

Nữ tướng mưu lược

Người Nubia thuộc dân tộc Nilo-Sahara, bản địa Bắc Sudan và Nam Ai Cập. Từ khoảng năm 7000 trước Công nguyên (TCN), họ đã xây dựng được khu định cư Wadi Halfa tại trung tâm thung lũng sông Nile, đến năm 1070 TCN thì thành lập Vương quốc Kush (1070 TCN - 550 SCN).

Vương quốc Kush bình đẳng giới, phụ nữ cũng có quyền cai trị. Nữ vương Amanirenas lên ngôi vào năm 25 TCN, sau khi hoàng phu qua đời. Trước đó 5 năm, hoàng đế Augustus đã thành công xâm lược Ai Cập và biến vùng đất màu mỡ này thành một tỉnh của Đế chế La Mã.

Ông tham vọng bành trướng về phía Nam, nuốt trọn Vương quốc Kush và tiếp tục tiến sâu vào châu Phi. Hoàng phu của nữ hoàng Amanirenas đã mất mạng trong một cuộc giao tranh với quân lính La Mã.

So với Đế chế La Mã, Vương quốc Kush quá nhỏ bé, lực lượng quân sự cũng thua kém rất nhiều. Tuy nhiên, thay vì khuất phục thì vừa lên ngôi, nữ hoàng Amanirenas đã cho quân tấn công 2 thành Thebais và Syene (Ai Cập thuộc La Mã) đang dưới quyền quản lý của thái thú Aelius Gallus.

Lúc này, Gallus đang bận chinh chiến tại Ả Rập nên Amanirenas không chỉ đánh nhanh thắng gọn, mà còn thuận lợi chiếm thêm được 2 thành nữa là Elephantine và Philae.

Sau cuộc tập kích đại thành công, nữ hoàng Amanirenas khải hoàn với tượng đầu của hoàng đế Augustus. Tại Vương quốc Kush, bà cho chôn tượng đầu này dưới thềm đền Chiến Thắng ở kinh đô Meroë, công khai thị oai và nhục mạ Đế chế La Mã.

Nghe tin mất một loạt thành và bị “dẫm lên đầu”, hoàng đế Augustus phẫn nộ cực độ. Ông gửi thái thú mới là Gaius Petronius đến Ai Cập với khoảng 10 nghìn bộ binh và 800 kỵ binh, ra lệnh lấy lại các thành trì và đè bẹp Vương quốc Kush.

Ban đầu, thái thú Petronius thắng như chẻ tre, đánh quân sĩ của Vương quốc Kush chạy tán loạn, bắt được nhiều người làm tù binh và lấy lại toàn bộ thành quách bị mất.

Thấy khó đảo ngược được tình thế, nữ hoàng Amanirenas đang trấn tại hoàng cung Napata lập tức gửi sứ giả đến La Mã cầu hòa, hứa trả lại tượng đầu của hoàng đế Augustus và xin Petronius nương tay. Thái thú này phớt lờ lời cầu xin của bà, hùng hổ tiến quân vào lãnh địa của Vương quốc Kush.

Đáp lại, nữ hoàng Amanirenas dẫn quân tập kích hậu phương Premnis của thái thú Petronius, vùng đất mà ông vừa lấy lại được. Nhờ nhanh chân, Petronius kịp trở về bảo vệ Premnis nhưng Amanirenas đã đi trước một bước nữa, cho sứ giả đến tận La Mã gặp hoàng đế Augustus xin kết đồng minh và được ông chấp thuận.

Nhà cai trị toàn tài

Tượng đầu hoàng đế Augustus được phát hiện và khai quật vào năm 1910. Ảnh: History.com

Tượng đầu hoàng đế Augustus được phát hiện và khai quật vào năm 1910. Ảnh: History.com

Cuộc chiến giữa Vương quốc Kush và Đế chế La Mã đã kéo dài tổng cộng 3 năm. Suốt 3 năm này, nữ hoàng Amanirenas liên tục đích thân ra trận và trong một trận chiến, bà đã bị lính La Mã đâm thủng một bên mắt. Thương tích này khiến bà bị mù nhưng không làm tinh thần chiến binh suy sụp.

Ngay sau khi vết thương lành, bà lại lên chiến trường chỉ huy quân sĩ. Theo ghi chép của sử gia Strabo (64 – 24 TCN, Hy Lạp), bà cực kỳ thành thạo cung, kiếm và luôn chiến đấu rất dũng mãnh. Biệt hiệu “một mắt” càng khiến bà trở nên đáng gờm hơn, gây sợ hãi cho quân lính La Mã và nâng cao chiến khí của quân mình.

Ba năm chinh chiến là khoảng thời gian dài và sự bất phân thắng bại chỉ khiến Đế chế La Mã xa xôi gặp nhiều thiệt hại. Chính vì thế mà trước sứ giả cầu hòa của nữ hoàng Amanirenas, hoàng đế Augustus đã nhanh chóng đồng ý ký kết Hiệp ước Hòa bình.

Theo ghi chép của Strabo, Hiệp ước Hòa bình yêu cầu La Mã miễn cống nạp và rút quân khỏi Vương quốc Kush. Đổi lại, họ được nữ hoàng Amanirenas cắt cho vùng đất Dodekashoinos làm nơi đóng quân. Đối với người Nubia, đây là thỏa thuận cực kỳ có lợi. Nhờ nó mà trong 400 năm tiếp theo, Vương quốc Kush luôn ngoài chiến tranh, thoải mái phát triển kinh tế, văn hóa.

Sau nhiều thế kỷ độc lập, Vương quốc Kush cuối cùng vẫn bị sáp nhập vào Đế chế La Mã. Năm 1882, Ai Cập bị Anh chiếm đóng và trở thành thuộc địa cho đến tận năm 1956. Thời thuộc Anh, một số người Nubia đã gia nhập quân đội thuộc địa và chiến đấu cho Anh trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 (1939 – 1945). Khi trở về châu lục quê hương, họ định cư tại Kenya, dần dà hình thành cộng đồng người Nubia ở thủ đô Nairobi.

Ngày nay, người Nubia có mặt ở nhiều nơi trên khắp Lục địa Đen. Tại Ai Cập, họ tập trung nhiều ở miền Nam, đặc biệt là Kom Ombo, Nasr al-Nuba (2 khu tái định cư thuộc thành phố Aswan) và thủ đô Cairo.

Trong các cộng đồng người Nubia, trẻ em vẫn được ông bà, cha mẹ kể cho nghe về “nữ hoàng một mắt” và luôn tràn đầy niềm tự hào vì là hậu duệ của bà. “Tuổi thơ của tôi không biết gì về Nefertiti, Cleopatra, những nữ hoàng Ai Cập cai trị bằng… tình ái mà chỉ đầy những câu chuyện về Amanirenas, nữ hoàng chiến binh đã đánh bại Đế chế La Mã vô địch”, Trợ lý Giáo sư Yasmin Moll chia sẻ.

Về phần tượng đầu của hoàng đế Augustus, nó vẫn nằm dưới thềm đền Chiến Thắng ở kinh đô Meroë cho đến tận năm 1910, khi được nhà khảo cổ John Garstang (Anh) phát hiện. Nhờ ở dưới lòng đất, nó được bảo quản nguyên vẹn, đặt tên là Thủ cấp Meroë và tặng cho Bảo tàng Anh.

Thủ cấp Meroë bằng đồng, kiểu dáng tương tự như phần đầu của bức tượng cẩm thạch Augustus của Prima Porta. Nó gây ấn tượng bởi đôi mắt mở to, được đúc, ghép tỉ mỉ bằng canxit, vòng kim loại và thủy tinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.