Chân dung của Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra cho đến nay vẫn là một bí ẩn lớn đối với nhân loại. Không ai biết nữ hoàng sở hữu làn da màu gì với khuôn mặt ra sao bởi tư liệu về bà đã bị mai một.
Tư liệu ít ỏi
Cleopatra VII có thể coi là người phụ nữ nổi tiếng nhất trong thế giới cổ đại. Bà là người trị vì cuối cùng của vương triều đã thống trị Ai Cập cổ đại suốt khoảng 300 năm, từ cái chết của Alexandar Đại đế đến khi Đế quốc La Mã xuất hiện.
Khuôn mặt của bà được lưu truyền đến tận bây giờ thông qua hàng loạt cổ vật như tiền xu, phù điêu. Có lẽ chân dung được biết đến nhiều nhất của Nữ hoàng Cleopatra là hình chạm nổi ở đền thờ Dendera, Ai Cập, cùng với con trai Caesarion.
Bất chấp những nguồn tư liệu quý giá này, thế giới hiện nay biết rất ít về chân dung của người phụ nữ quyền lực bậc nhất thời cổ đại. Trong những năm gần đây đã xuất hiện tranh cãi tập trung quanh màu da của Cleopatra.
Chia sẻ với tờ Live Science, các chuyên gia cho biết hồ sơ khảo cổ học không để lại cho chúng ta nhiều manh mối. Hài cốt của Cleopatra chưa bao giờ được tìm thấy. Các hình ảnh minh họa thời đó không mô tả chính xác dung mạo của nữ hoàng.
Ông Prudence Jones, Giáo sư ngành Nhân loại học và cổ điển tại Đại học Montclair (Mỹ), nhấn mạnh: “Chúng ta không có bằng chứng nào từ thời xưa có thể hé lộ màu da của Cleopatra”. Ngoài ra, người cổ đại chưa có khái niệm về màu da “trắng” hay “đen” như chúng ta hiện nay.
Số cổ vật về Cleopatra hiện nay không nhiều gồm một số tiền xu tại khu vực Taposiris Magna ở Ai Cập. Ngoài ra, nhiều bức tượng khắc họa Nữ hoàng Cleopatra nằm ở những bảo tàng trên khắp thế giới. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không chắc chắn về nguồn gốc của tượng và liệu chúng có thực sự mô tả Nữ hoàng Cleopatra hay không?
Ông Andrew Kenrick, nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Đại học East Anglia (Anh), cho biết các nhà văn cổ đại thường không miêu tả hình dáng của nhân vật. Còn những bức tượng có thể gây nhầm lẫn do chúng có xu hướng phóng đại diện mạo của nhân vật thay vì khắc họa chân thực. Ví dụ, tượng điêu khắc có thể mô tả một vị vua vạm vỡ hơn so với thực tế.
Ngoài ra, các nhà khoa học không biết danh tính mẹ hoặc bà của Cleopatra nên nhiều khả năng, nữ hoàng có thể có nguồn gốc từ châu Phi.
Trong sách sử chỉ ghi lại cha của Cleopatra là người Hy Lạp nhưng Cleopatra coi mình là người Ai Cập vì điều này sẽ phù hợp về mặt chính trị. Đôi khi, người thuộc vương triều Ptolemy kết hôn trực hệ và Cleopatra lấy em trai của bà là Ptolemy XIV trước khi ông bị giết chết vào năm 44 trước Công nguyên.
Tuy nhiên, ông Zahi Hawass, cựu Bộ trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập, cho rằng, nguồn gốc Hy Lạp của Cleopatra đã cho thấy nữ hoàng không phải người da đen. Trong tài liệu lịch sử, bà là hậu duệ của một vị tướng ở Macedonia, Hy Lạp, cùng thời với Alexander Đại đế. Ngôn ngữ của Cleopatra là tiếng Hy Lạp và trong các bức tượng bán thân, bà được khắc họa với làn da trắng.
Nữ diễn viên Elizabeth Taylor vào vai Cleopatra trong bộ phim cùng tên sản xuất năm 1963. |
Tranh cãi màu da
Năm 2009, trên một bộ phim tài liệu do BBC phát sóng, các nhà khảo cổ học đã chia sẻ về bộ hài cốt được tìm thấy vào năm 1926 trong một ngôi mộ ở Ephesus (ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Họ cho rằng bộ xương thuộc về Arsinoe IV, em gái của Cleopatra bị giết theo lệnh của Mark Antony vào năm 41 trước Công nguyên. Theo ghi chép cổ đại, Cleopatra nghi ngờ em gái muốn soán ngôi của bà.
Dù hộp sọ đã bị thất lạc trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, nhóm nghiên cứu đã tái tạo và phân tích hộp sọ bằng cách sử dụng những bức ảnh và tranh vẽ. Họ xác định các đặc điểm hộp sọ chỉ ra mẹ của Arsinoe IV là người gốc Phi vì khoảng cách từ trán tới sau sọ rất lớn so với chiều cao hộp sọ. Đây là đặc điểm thường gặp ở nhiều nhóm người da đen gốc Phi. Điều này đồng nghĩa Arsinoe là con lai.
Các nhà khoa học đặt ra giả thuyết nếu Arsinoe IV là em gái ruột của Cleopatra thì nữ hoàng có thể có tổ tiên châu Phi. Tuy nhiên, ông Duane Roller, Giáo sư danh dự tại Đại học bang Ohio, Mỹ, phản biện Cleopatra và Arsinoe có thể không cùng cha cùng mẹ. Cần lưu ý rằng trong sử sách, cha của Cleopatra được miêu tả là đã có con với nhiều người phụ nữ.
Ngoài ra, dù màu da của Cleopatra như thế nào thì khái niệm về da “trắng” hoặc “đen” như hiện nay vẫn còn xa lạ với người cổ đại. Thay vì quan tâm làn da của nữ hoàng có màu gì, họ sẽ chú ý hơn đến nguồn gốc xuất thân của Cleopatra. Liệu bà là người Ai Cập?
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa người cổ đại không nhận thức được sự khác biệt giữa màu da và nơi sinh sống của các nhóm người. Người La Mã cho rằng những người da trắng, tóc vàng hoặc tóc đỏ sống ở Bắc Âu còn những người da sẫm màu, tóc “lông cừu” sống ở châu Phi. Hai nhóm này đều được coi là khác biệt với người La Mã.
Bà Jane Draycott, giảng viên tại Trường Nhân văn thuộc Đại học Glasgow, cho biết người La Mã không coi mình là người da trắng, mà là da nâu hoặc da ôliu săn chắc. Điều này được suy ra từ việc người La Mã không mô tả họ là người da trắng mà mô tả những người đến từ Bắc Âu mới là người da trắng. Tương tự, người Hy Lạp cũng không coi mình là người da trắng.
Điều cuối cùng, các nhà khoa học nhấn mạnh màu da của Cleopatra không đặc biệt quan trọng. Màu da của bà không liên quan gì đến những thành tựu to lớn của nữ hoàng trong lịch sử.
Nữ hoàng Cleopatra VII trị vì Ai Cập từ năm 51 - 30 trước Công nguyên. Bà là người trị vì cuối cùng của vương triều Ptolemy, thống trị Ai Cập gần 300 năm. Khi Hoàng đế La Mã Julius Caesar đến Ai Cập, hai người họ có với nhau một người con trai tên là Caesarion. Sau đó, Cleopatra trở thành người tình của tướng quân La Mã Mark Antony và sinh 3 người con. Sau khi thế lực của Octavian xâm chiếm Ai Cập vào năm 30 trước Công nguyên, Cleopatra đã tự sát.