Ấm tình nơi xứ lạnh

Ấm tình nơi xứ lạnh

Người Việt Nam rất được yêu quý

1.Hơn 13 tiếng rưỡi trên máy bay từ Quảng Châu (transit), chúng tôi đến Toronto khi đã 18 giờ 45 phút. Trời vẫn óng ả vàng như rót mật, thẳm sâu biêng biếc xanh. Vừa sáng dậy sớm giờ nước mình, đã lại buổi tối nước bạn.

Thế nhưng, việc lệch múi giờ hẳn nửa vòng Trái đất bỗng chốc tan biến khi vừa xuống sân bay đã thấy An - cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Canada - ra đón và đưa về chỗ nghỉ đã thuê từ trước. Trên đường về, thấy Toronto rộng thênh thênh, cây cối ngút ngàn, đường nhựa phẳng phiu, đan xen tấp nập.

Càng về gần trung tâm thành phố, càng thấy nhiều nhà chọc trời, san sát. Cũng phải thôi, Toronto là thành phố đông dân nhất Canada, là thủ phủ của tỉnh bang Ontario sôi động, nơi có thác nước Niagara đẹp nhất thế giới.

Thế nên, sau những bàn bạc chớp nhoáng với An, với vợ chồng anh chị lái xe người Việt, chúng tôi cũng nhanh chóng quyết định đến thăm thác Niagara vào chiều muộn ngày hôm sau, khi xong việc.

Chỉ trong 2 ngày ngắn ngủi ở Toronto, An cũng như những lái xe người Việt đi cùng đoàn chúng tôi đều rất tận tình chuyện trò, giải thích, tranh thủ đưa đến các điểm đáng đến có thể ở Toronto, như Vườn bách thảo - nơi bảo tồn các loài thực vật quý hiếm, chủ yếu liên quan đến nghệ thuật trồng hoa, quả, rau và làm vườn; như tháp truyền hình CN - biểu tượng du lịch của Toronto cũng như Canada - cao 553m, cao gấp đôi tháp Eiffel của Pháp, gấp 3 lần đài tưởng niệm Washington của Mỹ…

Chia tay Toronto vào buổi sáng khá sớm, bác tài dọc đường cứ lo kẹt xe sẽ không kịp giờ bay, bởi có hôm phải mất 2 tiếng đồng hồ mới thông đường. Bác tài nói rằng, cảnh sát giao thông chỉ xuất hiện khi có tai nạn, nhưng mọi người đều tuân thủ luật pháp rất nghiêm, bởi trên đường có gắn camera và cảnh sát biết hết.

Nếu vi phạm luật giao thông sẽ bị phạt rất nặng, tài xế có bằng lái bị phạt 200 USD, bị trừ 3 điểm trong tổng số 8 điểm “vốn” được cấp khi nhận bằng lái. Nếu vi phạm nhiều, bị trừ hết “vốn” thì sẽ phải thuê luật sư rất tốn kém, thậm chí có thể sẽ không được tiếp tục lái xe.

Tác giả bên thác Niagara
 Tác giả bên thác Niagara

2.Không giống như Toronto, Montreal - thành phố đông dân thứ hai Canada - không có nhà chọc trời, lý do cơ bản, theo bác tài Andres Nguyễn (Nguyễn Nam) là bởi ở Montreal có tòa nhà chữ thập ở giữa trung tâm thành phố, đêm đến ngọn đèn quay trên nóc sẽ thắp sáng như ngọn hải đăng báo hiệu phương hướng cho tàu thuyền, máy bay.

Mặt khác, Montreal là đảo, địa chất không thể vững chắc như đất liền, nên không xây được nhà quá cao tầng. Theo bác tài Andres Nguyễn, Montreal cũng như tỉnh bang Quebec đa dạng văn hóa, thu nhập thấp hơn ở tỉnh bang Ontario, nhưng mức sống cũng thấp hơn. Cũng giống như ở Toronto, việc xử phạt vi phạm giao thông là rất nghiêm khắc, không loại trừ bất kỳ ai. Nếu người nào uống rượu mà lái xe gây tai nạn sẽ bị xử lý hình sự, sau đó không nơi nào dám nhận vào làm việc.

Cũng chỉ có 2 ngày ngắn ngủi ở Montreal, nhưng ngoài thời gian làm việc, chúng tôi cũng được bác tài tận tình đưa đi đây đó, ngó nghiêng thoảng qua những kiến trúc cổ từ thế kỷ XVIII, XIX… Nổi bật là khu dân cư Habitat 67 nằm sát bờ sông Saint Lawrence dịu dàng.

Công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư Moshe Safdie người Canada gốc Israel, có dạng hình kim tự tháp bao gồm 354 khối lập phương bằng bê tông giống nhau được sắp xếp theo lối pha trộn hình học độc đáo. Mỗi hộp nhô ra là một căn hộ. Ít ai ngờ rằng, giải pháp nhằm tạo ra cuộc cách mạng hóa những ngôi nhà thành thị giá thấp ban đầu ấy lại biến Habitat 67 trở thành một kỳ quan kiến trúc quan trọng và nổi tiếng nhất tại Canada.

Dọc theo những con phố ô tô để ngay ngắn hai bên đường, bác tài Andres Nguyễn cho biết, nhà ở Montreal rất bé nhưng có tới 3 - 4 số nhà cùng căn hộ, nhà tầng trên khác chủ nhà tầng dưới, nhà ai cũng ở mặt đường. Thế nên, ở Montreal không có ngõ, và nhà thì nhỏ, nhưng rất dài. Ô tô đều để lòng đường ngay vỉa hè trước cửa, và chỉ phải di chuyển đi nơi khác vào giờ cao điểm.

Ở Montreal, cộng đồng người Việt tập trung đông nhất. Theo bác tài Andres Nguyễn, người Việt Nam rất được yêu quý ở Montreal, vì có không ít người giỏi, đóng góp công lớn cho địa phương.

“Người Việt Nam học giỏi, làm việc giỏi và không bao giờ gây lộn, phá phách nên rất được tôn trọng, yêu quý, dù làm bất cứ nghề gì”, bác tài Andres Nguyễn tự hào. Thế nên, nhiều du khách Việt Nam khi đi du lịch Canada đều mong muốn lưu lại Montreal thật lâu, vừa để chiêm ngưỡng vẻ đẹp quyến rũ của thành phố đa văn hóa này, vừa kết hợp thăm thân nhân...

Bà Nguyễn Kim Phượng - Chủ tịch Trung tâm Văn hóa Việt Nam - sang Montreal từ thập niên 1960, nên có nhiều hiểu biết. “Cộng đồng người Việt ta tuy gần mà xa, tuy đông mà ít, bởi Canada to rộng quá, ít khi được sinh hoạt với nhau. Mỗi năm cũng chỉ được gặp mặt được một lần vào dịp Quốc khánh”, bà Phượng nói.

Rồi bà kể về ý tưởng thành lập trung tâm văn hóa vào năm 2017, bắt đầu từ khi con gái bà (năm nay 28 tuổi) sinh ra và lớn lên ở Montreal, và khi 23 tuổi có đi tình nguyện mùa hè xanh ở Việt Nam. Khi về, bà ra đón thì không nhận ra vì con gái bà bị ghẻ và đen sạm. Nhưng với con gái bà, đó là mùa hè đẹp nhất.

Và nhiều câu hỏi của con gái sau chuyến đi tình nguyện ở quê cha đất tổ, trước đây bà chưa từng nghĩ tới. Đó là lý do bà ấp ủ, thai nghén giấc mơ thành lập một tổ chức với mong muốn làm cầu nối giữa nhiều nền văn hoá ở Canada, đặc biệt là cho các thế hệ Việt kiều sinh ra và lớn lên ở Canada.

Bà Phượng cho biết, bắt đầu từ giữa năm 2019 mới có những hoạt động đầu tiên, đáng kể là Tuần lễ Việt Nam vào tháng 9/2019. Sang năm 2020, trung tâm sẽ tổ chức dạy tiếng Việt, dạy nấu ăn, các trò chơi dân gian Việt Nam để từ nhỏ, những đứa trẻ đã được làm quen với văn hóa Việt Nam một cách sống động, cuốn hút chứ không chỉ qua các phương tiện truyền thông.

“Sống ở đâu máu người Việt Nam cũng chảy, nên việc nói về văn hóa, hun đúc, quây quần, nung nấu dòng máu về đất nước, để hiểu biết thế nào là con người Việt Nam là cần thiết. Thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra, lớn lên ở Canada cần chỗ dựa dễ thương, an toàn. Đó là những điều đẹp đẽ về quê hương, đất nước mình, để có sự hãnh diện và tự hào dân tộc”, bà Phượng hy vọng.

Quảng bá văn hoá Việt Nam

Bà con Việt kiều tại Montreal
 Bà con Việt kiều tại Montreal

3. Rất may mắn, chúng tôi cũng có 2 ngày ngắn ngủi ở Vancouver - đô thị luôn được vinh danh là 1 trong 5 thành phố toàn cầu hàng đầu về tính dễ sống và chất lượng sinh hoạt, thậm chí nó còn được công nhận là thành phố đầu tiên để xếp hạng trong bảng xếp hạng top 10 thành phố dễ sinh hoạt nhất trong nhiều năm liên tục...

Với sự hỗ trợ của Lãnh sự quán Việt Nam tại Vancouver, đứng đầu là Tổng Lãnh sự Trịnh Tú Lan, chúng tôi may mắn được tiếp xúc với những Việt kiều tiêu biểu tại đây. Có người sang được 30 - 40 năm, có người mới sang được trên dưới 10 năm, vì đi theo con bởi sau khi du học thì chúng làm việc, định cư tại Vancouver.

Năm 2010, ở tuổi 68, Tiến sĩ khoa học Trần Mai Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, con trai trưởng nhà văn Nam Cao - sang Vancouver đơn giản bởi “để cho con chăm sóc”.

Nhận xét về cộng đồng người Việt ở Vancouver nói riêng, Canada nói chung, ông Thiên cho rằng, “dù có vấn đề này vấn đề khác, nhưng nhìn chung không có vấn đề gì lớn. Hơn nữa, thế hệ trẻ còn tập trung làm ăn, vui chơi, thời gian đâu mà quan tâm đến các vấn đề khác”.

Bà Huệ - người sang Canada từ năm 14 tuổi - nói thêm rằng, bà đã làm phiên dịch trong ngành tòa án được 40 năm. Bà đã giúp rất nhiều người Việt khó khăn khi đặt chân đến Canada cuối những năm 1970, đầu những năm 1980.

Bà Huệ cũng là người từ chỗ lạ lẫm với văn hóa Việt Nam nên đã tìm hiểu, học hỏi và sau này tích cực hỗ trợ phổ biến, quảng bá văn hoá Việt Nam. Bà Huệ chỉ xem các tiết mục văn hóa - văn nghệ thuần Việt qua mạng rồi về dạy cho các cháu trong đội văn nghệ.

Và luyện tập, biểu diễn nhiều đến mức Tổng Lãnh sự Trịnh Tú Lan còn nhận xét rằng, “đội văn nghệ rất chuyên nghiệp. Các ông, bà Tây mắt tròn mắt dẹt vì các tiết mục văn nghệ độc đáo, vì con gái Việt Nam xinh quá”. Thế nên, bà Huệ dù rất muốn về thăm quê cha đất tổ vào dịp Tết Nguyên đán, nhưng “chưa từng về Việt Nam vào dịp Tết, vì bận phải tổ chức Tết cho bà con”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.