Ấm tình Báo Giáo dục và Thời đại nơi vùng lũ

GD&TĐ - Đoàn công tác Báo Giáo dục và Thời đại cùng các nhà hảo tâm đã đến thăm hỏi, tặng quà cho học sinh, giáo viên ở nhiều trường học của tỉnh Yên Bái...

Nhà báo Nguyễn Đức Tuân, Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại (thứ ba từ trái sang) chia sẻ với gia đình cô giáo Nguyễn Thị Thủy về những mất mát lớn do bão số 3 để lại.
Nhà báo Nguyễn Đức Tuân, Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại (thứ ba từ trái sang) chia sẻ với gia đình cô giáo Nguyễn Thị Thủy về những mất mát lớn do bão số 3 để lại.

Từ lúc nhận hung tin về cô giáo cùng hai con thơ gặp nạn bởi bão số 3 (Yagi), dù đã gần 2 tháng trôi qua song người thân, đồng nghiệp cùng bà con xã Tân Thịnh (Văn Chấn, Yên Bái) còn bàng hoàng, tiếc thương và xót xa.

Nước mắt người ở lại

Những ngày cuối tháng 10/2024, sau khi mưa lũ qua đi, đoàn công tác do Chi bộ 2 - 3 (Báo Giáo dục và Thời đại) cùng các nhà hảo tâm đã đến thăm hỏi, tặng quà cho học sinh, giáo viên ở nhiều trường học của tỉnh Yên Bái. Tới càng nhiều nơi, chúng tôi càng cảm nhận được khó khăn, vất vả, thiệt thòi của những người thầy, trong đó có gia đình cô Nguyễn Thị Thủy. Cô Thủy và hai con thơ bị thiệt mạng do mưa lũ. Quá khứ đã trôi qua nhưng nỗi đau vẫn còn đó, không gì bù đắp được.

Dẫn đoàn công tác tới nhà cô giáo Thủy ở thôn Đồng Bản (Tân Thịnh), cô Đặng Tuyết Mai - chuyên viên Phòng GD&ĐT TP Yên Bái, kể: Nơi cô Thủy công tác là vùng xa của TP Yên Bái. Do hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng cô chỉ có thể thuê nhà để ở tạm, tiết kiệm tiền dành mua đất dựng nhà trong tương lai. Nhưng mong ước của cô giáo trẻ Trường Mầm non tư thục Sao Mai (TP Yên Bái) chưa kịp thực hiện, biến cố đã ập tới, bất ngờ như dòng lũ dữ.

"Đêm mùng 9/9, những cơn mưa lớn do bão số 3 dồn dập, nước sông nước suối dâng cao, cuồn cuộn thành lũ nhuốm màu bùn đất. Trời càng về đêm, nước càng dữ. Trận sạt lở đất xảy ra với nhà cô Thủy, căn nhà sập đè vào ba mẹ con, anh chồng bị thương, cố gắng cứu vợ con nhưng bất lực. Nghe tin, chúng tôi sững sờ, xót thương quá mà không thể làm gì…”, cô Mai rưng rưng nói.

Mặt trời đứng bóng, chúng tôi tới gia đình cô giáo Nguyễn Thị Thủy. Trong căn nhà thấp, không khí ảm đạm, mọi người không khỏi xót xa khi nhìn thấy nỗi u buồn trong đôi mắt trống vắng của người ở lại. Ngồi lặng một góc, người mẹ già của cô Thủy chẳng nói câu gì, thất thần, rơm rớm lệ.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo chứa chan tình làng nghĩa xóm, cô Thủy và các con ra đi khiến bố mẹ già mất con mất cháu, chồng mất con mất vợ, nỗi đau quá lớn khiến cả gia đình choáng váng, suy sụp.

am-tinh-bao-giao-duc-va-thoi-dai-noi-vung-lu-2.jpg
Chương trình "Dân vận khéo, kết nối yêu thương mùa 2" do Chi bộ 2 -3 (Đảng bộ Báo Giáo dục và Thời đại) thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Tiến (bố đẻ cô giáo Thủy), với dáng vẻ khắc khổ, bùi ngùi nhớ lại: “Sau khi nhận tin dữ, chúng tôi chẳng thiết gì nữa. Mọi công việc đều nhờ hàng xóm chung tay lo liệu. Nhiều ngày liền, vợ tôi chẳng ăn uống gì, chỉ ngồi gọi tên con cháu, rồi gào khóc. Tôi cũng chẳng biết phải làm gì để gượng dậy..." - ông Tiến buồn rầu chia sẻ.

Gạt nước mắt, anh Phùng Thế Chí (chồng cô giáo Thủy) nhớ lại, mấy ngày trước, anh còn cùng vợ và các con về ông bà ngoại chơi, ngồi quây quần ăn cơm, dặn dò các cụ yên tâm trước mưa lũ. Nhưng mấy ngày sau, mọi chuyện xảy ra ngoài dự tính.

Hai vợ chồng cô giáo Nguyễn Thị Thủy thường nhắc nhau phải cố gắng dành dụm tiền để mua mảnh đất dựng nhà. Chiều 9/9, anh Chí vào công ty để gia cố các vị trí xung yếu phòng chống mưa lũ. Buổi tối, ba mẹ con ngủ sớm, khi anh về nhà đã là đêm muộn, trời mưa càng lúc càng to hơn, mưa cả đêm, lo con giật mình thức giấc, anh vẫn ẵm cháu 4 tháng tuổi trên tay.

“Khoảng 3 giờ 10 phút, tôi nghe một tiếng uỳnh rất lớn và bị văng ra khỏi con khoảng 7-8m. Lúc đấy, tôi chỉ biết gào lên thật to để hàng xóm sang cứu. Sau đấy, tôi và mọi người đưa được các con ra trước, cuối cùng là vợ. Cháu lớn còn thở nhẹ nên anh hàng xóm bế đi bộ suốt 5 cây số đến bệnh viện cấp cứu vì không gọi được ai, mưa lấp mất đường. Đến bệnh viện cháu không qua khỏi được vì ngạt khí ga của tủ lạnh trước đó. Vậy là vợ con tôi đã sắp đến 49 ngày rồi…”, anh Chí nghẹn ngào nói.

am-tinh-bao-giao-duc-va-thoi-dai-noi-vung-lu-3.jpg
Nhà báo Trần Thị Ngọc Nam, Phó Bí thư Chi bộ 3, Chủ tịch Công đoàn Báo Giáo dục và Thời đại chia sẻ với gia đình cô giáo Thủy.

Kết nối, sẻ chia yêu thương

Chị Nguyễn Thị Thoa (chị gái cô giáo Thủy) tâm sự, bố mẹ chỉ có ba người con nhưng chỉ cô giáo Thủy thoát ly gia đình, đi học cao hơn. “Ông bà vui lắm vì con học thành tài, lấy chồng lại “có nếp, có tẻ”. Cả họ chỉ có một cháu gái nên ông bà vui mừng lắm, dồn dặp vay mượn thêm cho đủ tiền mua 2 chỉ vàng trả góp tặng cháu khi chào đời. Vậy mà, tiền vay mua vàng chưa trả hết thì cháu đã đi xa…”- chị Thoa nức nở.

Kính cẩn thắp hương trước di ảnh cô giáo Nguyễn Thị Thủy và các cháu, chia sẻ những mất mát đau thương với gia đình, nhà báo Nguyễn Đức Tuân - Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại cùng các thành viên đoàn công tác ân cần động viên gia đình, người thân cô Thủy sớm vượt qua mất mát, đau thương, xây dựng cuộc sống mới.

Đỡ lời cho gia đình, ông Hoàng Quang Thẩm - Chủ tịch MTTQ Việt Nam xã Tân Thịnh (Văn Chấn) gửi lời cảm ơn chân thành trước sự kết nối, sẻ chia của Báo Giáo dục và Thời đại cùng nhà hảo tâm đối với gia đình cô Thủy.

Lịch trình của đoàn công tác Báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục đến với Trường Mầm non Hoa Ban (TP Yên Bái). Tại đây, đoàn và các nhà hảo tâm đã trao tặng nhiều phần quà ý nghĩa tới học sinh, giáo viên các nhà trường có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi bão lũ vừa qua. 103 thẻ Bảo hiểm y tế trị giá hơn 83 triệu đồng đã được đoàn gửi tặng học sinh Trường THPT Hoàng Quốc Việt (TP Yên Bái); trao các thiết bị, đồ dùng học tập, quà tặng trị giá hơn 36 triệu đồng cho Trường Mầm non Hoa Ban và 20 suất học bổng (500 nghìn đồng/suất) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THCS Nguyễn Du (TP Yên Bái).

Tuy hoàn cảnh riêng khác nhau nhưng mỗi học sinh, phụ huynh mà Báo Giáo dục và Thời đại đến thăm, động viên đều gặp phải những khó khăn, vất vả do bão lũ gây ra. Với những gia đình mất đi người thân thì cuộc sống càng trở nên gian nan. Họ đang vật lộn với hiện tại để hướng đến tương lai và mong lắm sự đồng cảm, tấm lòng sẻ chia của cộng đồng. Món quà nghĩa tình của Báo Giáo dục và Thời đại là những “ngọn lửa nhỏ” sưởi ấm lòng người giúp phụ huynh, học sinh thêm có thêm nghị lực và sức mạnh vươn lên sau thiên tai.

Chương trình Kết nối yêu thương mùa 2 của Chi bộ 2 - 3 (Đảng bộ Báo Giáo dục và Thời đại) có sự đồng hành của các nhà hảo tâm gồm: Trường Tiểu học Đống Đa (TP Hà Nội), Trường THPT Phan Huy Chú (TP Hà Nội), Trường Tiểu học Yên Hòa (TP Hà Nội); ARCHI Group; Nhóm cựu SV lớp TCNH K19 Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh và bạn bè; cô Hứa Thị Thu Huyền - nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều (quận Long Biên, TP Hà Nội).

Trước đó (ngày 14/9), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cùng đoàn công tác của Bộ đã tới kiểm tra chỉ đạo và khắc phục hậu quả sau lũ tại tỉnh Yên Bái. Thứ trưởng đến thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ cho anh Phùng Thế Chí (chồng cô giáo Nguyễn Thị Thủy - Trường Mầm non tư thục Sao Mai thiệt mạng cùng 2 con do sạt lở đất).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.