Âm thầm dấn thân nơi “lá chắn phòng dịch”

Âm thầm dấn thân nơi “lá chắn phòng dịch”

Căng thẳng ngày đêm

Tân Sơn Nhất vẫn luôn là cảng hàng không nhộn nhịp, chiếm khoảng 40% lượng khách xuất nhập cảnh trên cả nước và tiếp tục phát triển nhanh với tốc độ 15%/năm. Ngoài lưu lượng khách nhiều nhất, Tân Sơn Nhất còn là nơi có nhiều đường bay quốc tế nhất và nhiều đường bay thẳng nhất. Vì thế, nhiệm vụ phòng chống dịch tại đây hơn bao giờ hết mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng không chỉ cho riêng TPHCM, mà còn cho cả nước.

Tại khu vực kiểm dịch, nhân viên Trung tâm Kiểm dịch phải làm việc 24/24 giờ trong bộ đồ chuyên dụng kín từ đầu đến chân, đeo kính bảo hộ, liên tục kiểm tra, đo nhiệt độ và hướng dẫn khách làm tờ khai y tế. Mồ hôi nhỏ xuống che mờ kính, không ai lau. Ở vòng ngoài, 4 - 5 nhân viên của trung tâm có mặt thường trực ngay sau khu vực hải quan để hướng dẫn hành khách đến khu vực khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt.

Kể lại những ngày trực chiến tại sân bay từ sáng, đến nửa đêm, bác sĩ Trương Thị Kim Nguyên - khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TPHCM chia sẻ, hành khách xuống sân bay nhiều, nên những người thực hiện nhiệm vụ phải làm việc liên tục. Đứng và đi lại suốt đêm cho đến khi xong công việc, hai chân của cô tê cứng như không còn cảm giác.

Dáng người nhỏ nhắn, mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, nóng nực, túc trực từ 6 giờ sáng đến trưa vẫn chưa nghỉ, chị Minh Khánh - Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM vẫn luôn ân cần hỏi thăm, động viên những hành khách chuẩn bị phải đi cách ly. Túc trực tại đây từ đầu mùa dịch đến nay và chưa một ngày nào nghỉ ngơi, dù đôi lúc có mệt mỏi, áp lực nhưng vì trách nhiệm với công việc và cộng đồng, chị luôn tự động viên mình cố gắng. “Mệt chứ, đôi khi cũng sợ lây bệnh nhưng cũng phải cố thôi”, chị Khánh tâm sự.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM cho biết, quy trình kiểm dịch tại đây được bật chế độ “báo động đỏ” từ ngày 23/1 (28 Tết Nguyên đán) - lúc dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Vũ Hán. Sau đó là chuỗi ngày lãnh đạo trung tâm chia nhau trực 100%, nhân viên không được rời thành phố, mỗi ca 20 người.

“Từ 28 Tết Nguyên đán đến nay, các cán bộ của chúng tôi luôn phải gồng mình, làm việc hết công suất. Toàn bộ 80 nhân viên của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế được huy động, không nghỉ Tết, không về quê thăm gia đình, một “lệnh giới nghiêm” được đưa ra cùng dồn toàn lực chống dịch. Mỗi ngày nhân viên kiểm dịch y tế trực 24 giờ ở sân bay, mỗi ca trực được bố trí 20 nhân sự nhưng đảm nhiệm tất cả các khâu từ kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, làm thủ tục đưa người đi cách ly đến việc giải thích cho hành khách hiểu khi có thắc mắc”, BS Tâm kể.

Tình hình dịch bệnh diễn biến càng ngày càng phức tạp, hành khách nhập cảnh mỗi ngày một đông hơn, có lúc nhân viên kiểm dịch y tế rơi vào tình trạng quá tải, thậm chí có lúc dù đã hết ca làm việc nhưng vẫn phải nán lại để cùng đồng đội giải quyết các sự cố, tình huống khẩn cấp. Đặc biệt, từ ngày 6/3, khi Chính phủ bắt buộc phải thực hiện khai báo y tế đối với tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam thì công việc của nhân viên kiểm dịch y tế tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất càng trở nên căng thẳng.

“Bình thường chúng tôi phải thực hiện việc giám sát y tế khoảng 3.500 - 4.500 người nhưng từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng lên thì con số tăng lên đến 7.000 lượt người, có những thời điểm lên đến 11.000 người”, BS Tâm cho biết thêm.

Áp lực lớn nhất đối với những nhân viên kiểm dịch là bỏ sót đối tượng nguy cơ bởi chỉ cần để lọt một trường hợp nguy cơ cao cũng có thể khiến nhiều người trong cộng đồng nhiễm bệnh. Đặc biệt, một áp lực vô hình khác mà nhân viên y tế cửa khẩu luôn phải đối mặt, đó là nỗi lo mình có thể mắc bệnh, mang virus về cho người thân, gia đình. 

Công việc đòi hỏi thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người về từ vùng dịch khiến nhân viên kiểm dịch luôn phải đề cao cảnh giác, chú ý giữ gìn an toàn cho chính bản thân. Dù đã mặc đồ bảo hộ, tuân thủ các quy định nghiêm ngặt như giữ khoảng cách với hành khách nhưng có đôi lúc do bị cuốn theo công việc, các anh chị cũng có những lúc “quên” phải đứng xa khách theo quy định.

BS Nguyễn Hồng Tâm chia sẻ: “Nhân viên của chúng tôi sau mỗi ca trực phải tắm rửa, khử khuẩn rồi mới dám về nhà, nhưng cũng có người có con nhỏ đành phải thuê khách sạn ở do sợ lây bệnh cho con. Cũng có những người tan ca trực đi ngay về nhà, tự cách ly mình tại nhà, không tiếp xúc nhiều với những người xung quanh. 

Những ngày tháng qua, nhân viên của tôi đã phải tạm quên đi hạnh phúc riêng tư chỉ để tập trung phòng dịch, Tết không được sum vầy với người thân, phải xa con cái, có người không dám về nhà, cũng có người cưới xong cũng không được hưởng tuần trăng mật... thiệt thòi đủ thứ nhưng đây là lúc chúng ta cần hy sinh những lợi ích cá nhân vì lợi ích của cả cộng đồng”.

Vất vả kiểm dịch tại các cửa ngõ

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về cách ly toàn xã hội, Công an TPHCM đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Tư lệnh Thành phố, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan, huy động hơn 1.400 cán bộ, chiến sĩ Công an TPHCM, hơn 1.300 cán bộ thuộc các ban, ngành tham gia thực hiện nhiệm vụ kiểm soát mỗi ngày tại 62 chốt, trạm cửa ngõ ra vào thành phố.

Đây là nhiệm vụ vất vả, khó khăn và thậm chí là nguy hiểm cho lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ, nhất là ở các chốt chính nơi có mật độ xe cộ qua lại nhiều như chốt cầu Đồng Nai, Cao tốc Trung Lương, Trạm thu phí Long Phước… Theo số lượng ghi nhận, có chốt đã thực hiện đến 13.000 lượt người/ngày.

Bất chấp ánh nắng gay gắt, tại các chốt kiểm dịch, tổ công tác liên ngành gồm các lực lượng y tế, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, quân đội, quản lý thị trường… vẫn miệt mài làm nhiệm vụ. Lọt thỏm giữa dòng xe tải, xe container, ô tô đang lưu thông tấp nập, lực lượng cảnh sát giao thông và cảnh sát cơ động hướng dẫn, điều tiết xe lưu thông vào làn, các cán bộ y tế có nhiệm vụ kiểm tra thân nhiệt từng người, kiểm tra việc tuân thủ Chỉ thị 16 của các cá nhân, phương tiện.

Tổ công tác luôn túc trực ở các chốt trạm 24/24 giờ. Mỗi chốt chặn, riêng lực lượng nhân viên y tế sẽ có khoảng từ 3 - 4 nhân viên. Mặc dù được chia làm 3 ca, mỗi ca 8 tiếng, nhưng các cán bộ nơi đây phải gồng mình “tăng ca” thêm 2 - 4 tiếng, giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ, nhất là vào giờ cao điểm. Ở các chốt trạm, hàng rào kẽm gai được dựng dọc tuyến đường phân làn xe để cán bộ ngành y tế kiểm tra, đo thân nhiệt của người đi trên tất cả các loại phương tiện. Lều dã chiến cũng được dựng lên để phục vụ lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.

“Suốt ngày, đêm, lực lượng thuộc các tổ công tác đã thay phiên nhau làm việc, bảo đảm không sót, lọt xe, đồng thời điều tiết để tránh ùn tắc giao thông. Người dân qua chốt đều được nhắc nhở mang khẩu trang. Nếu ai không có sẽ được tổ công tác tặng”, thiếu tá Nguyễn Hoàng Tâm - Đội phó Đội CSGT Rạch Chiếc, Tổ trưởng Tổ công tác tại cầu Đồng Nai chia sẻ.

Vất vả là vậy nhưng không một ai có ý định rời bỏ vị trí làm việc, bởi hơn ai hết, các anh chị hiểu được rằng, có làm tốt những công việc nơi tuyến đầu này thì mới giữ được thành phố, đất nước bình yên trong tâm dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ