Âm nhạc Việt Nam vang lên tại Genova, chu du đất Ý

GD&TĐ - Cộng hòa Ý là quốc gia cộng hòa nghị viện đơn nhất tại châu Âu. Người dân của đất nước hình chiếc ủng rất thích hát.

Cửa hàng trưng bày và bán dấm Balsamico có nghĩa lá “thơm”, “đun sôi nước ép” tỉnh Modena, nước Ý. Ảnh: NVCC.
Cửa hàng trưng bày và bán dấm Balsamico có nghĩa lá “thơm”, “đun sôi nước ép” tỉnh Modena, nước Ý. Ảnh: NVCC.

Từ hát cổ điển Tây phương, opéra, tới nhạc đương đại. Tôi khám phá thêm các loại hát truyền thống Á châu (giọng trầm tụng kinh Tây Tạng, giọng hát đồng song thanh của Mông cổ và Tuva) cũng thu hút nhiều người Ý để áp dụng vào thiền, sáng tác tùy hứng tập thể.

Nhờ vậy, mà tôi được mời sang dạy hát đồng song thanh mỗi năm từ 4 tới 7 lần ở nhiều tỉnh khác nhau. Tính ra trong thời gian 40 năm qua, tôi đã dạy trên 2.000 người đến học ở các thành phố lớn nhỏ (Roma, Napoli, Firenze, Milano, Venezia, Bologna, Vicenza, Grosseto, Genova, Torrento, Bergamo,Catania, Verona, Ravenna, Cagliari, Como…). Nhờ thế, tôi có dịp thăm toàn nước Ý từ Bắc xuống tới miền Nam, luôn cả hai đảo Sicily và Sardinia.

Chuyến đi dạy hát đồng song thanh mùa Xuân 2020

Năm 2020, tôi may mắn được Nhạc viện tỉnh Modena mời dạy hát đồng song thanh cho một số nhạc sinh chuyên về giọng.

Tôi không ngờ thành phố này tuy nhỏ (chỉ 180.325 dân) mà được mệnh danh là “thành phố động cơ”, chuyên sản xuất xe hơi thể thao nổi tiếng thế giới như Lamborghini và Maserati.

Ngoài ra, tỉnh này chuyên sản xuất loại dấm Balsamico đặc biệt màu sậm đen chua ngọt rất hợp cho các loại rau xà lách. Balsamico tiếng Ý có nghĩa là “thơm”, “đun sôi nước ép”. Đây là loại dấm mắc hơn dấm thường. Có chai giá hơn 100 Euros sau khi ủ 12 năm hay tới 25 năm. Tôi đã mua vài chai từ rẻ tới đắt.

Thành phố còn nổi tiếng hơn bởi danh ca opéra Luciano Pavarotti sinh tại tỉnh này (12/10/1935) và từ trần cũng tại nơi đây (6/9/2007).

Năm 1990, giọng ca huyền thoại Pavarotti cùng với hai danh ca Placido Domingo và ông Jose Carreras thành lập nhóm tam ca Three Tenors ở Roma.

Năm 1998, ông nhận giải Grammy huyền thoại. Năm 2001, Pavarotti  được Trung tâm Kennedy vinh danh. Năm 2005, Pavarotti được Anh quốc phong tặng Công dân danh dự thủ đô London.

Ông nhận hai kỷ lục thế giới của trung tâm kỷ lục Guinness xác nhận: Ca sĩ được khán giả vỗ tay mời ra hát 165 lần; ca sĩ có album bán chạy nhất thế giới trong lĩnh vực nhạc cổ điển phương Tây.

Tôi đã gặp L.Pavarotti năm 2000 trong khung cảnh đại hội liên hoan thế giới về giọng. Tôi biểu diễn cách hát đồng song thanh cho ông nghe và ông muốn nhờ tôi chỉ cách hát này. Tiếc thay, Pavarotti không có thì giờ để tập nên thời gian trôi qua cho tới ngày ông mãn phần, tôi vẫn chưa làm trọn lời hứa truyền bí quyết cho ông.

Trong hai ngày dạy hát, các nhạc sinh chịu khó tập luyện cách giữ hơi trong bụng, cách phát âm từ giọng hầu, cách hát với các nguyên âm A E I O U. Sau hai ngày học, họ bắt đầu hát được hai giọng: Một giọng trầm từ âm trì giữ nguyên cao độ và một giọng cao tạo bởi bồi âm (harmonics) lên cao xuống thấp tùy theo cách thay đổi thể tích trong miệng.

Tôi áp dụng vận nội công, khí công, thiền và cả thái cực quyền về cách thở thật chậm giúp cho nhạc sinh tiến bộ về hơi thở dài hơn. Kết quả khóa dạy được nhạc sinh vỗ tay khen sau khi bế giảng.

Ông Giám đốc Nhạc viện ngỏ lời muốn mời tôi sang dạy một năm để có đủ thì giờ tập cho một số nhạc sinh có khiếu với mục đích thành lập một nhóm hát đồng song thanh trình diễn với những bài bản sáng tác mới cho âm nhạc đương đại.

Tôi hoàn toàn tán thành. Tiếc thay, bệnh dịch Covid-19 tăng nhanh vào tháng 3/2020. Thành ra tôi tạm dời lại trong tương lai. Hy vọng vẫn là hy vọng. Thời gian và sức khỏe có cho phép tôi làm những gì tôi ước mơ?

Năm 2020, vì bệnh dịch Covid 19 đã làm giảm khá nhiều chuyến đi trình diễn ở Âu châu  của chúng tôi và nhiều nghệ sĩ khắp thế giới. Sang Xuân 2021, giữa Thủ đô hoa lệ vắng lặng bất thường mà tôi đã gắn bó gần cả đời người, lại thèm du diễn khắp nơi.

Nhớ lại năm 2019, vợ chồng tôi đã diễn tại Mỹ: Giới thiệu sách tôi viết về 50 nghiên cứu nhạc dân tộc Việt tại Đại học Long Beach, California (tháng 2); Đức (tháng 4); Đại hội liên hoan đàn môi ở Catania, Ý (tháng 6); dự Hội nghị dân tộc nhạc học tại Bangkok, Thái Lan (tháng 7); Đại hội quốc tế về giọng (Umbria in Voce) tại Gubbio, Ý (tháng 11).

Năm 2020, chúng tôi chỉ hoạt động từ tháng 1 tới tháng 3 thôi. Vì vậy, chỉ có 2 buổi trình diễn và dạy hát đồng song thanh tại Ý vào tháng 1 và đầu tháng 3.

Chuyến lưu diễn tại tỉnh Genova, Ý tháng 1/2020

GS Trần Quang Hải bên đặc sản dấm Balsamico tại vùng Modena. Ảnh: NVCC
GS Trần Quang Hải bên đặc sản dấm Balsamico tại vùng Modena. Ảnh: NVCC

Thành phố Genova rất đẹp và khá đông dân (trên 550.000 người). Những nơi đáng thăm là bể nuôi cá đẹp nhất Âu châu (Aquarium of Genoa), thánh đường San Lorenzo và ngôi nhà của Christophe Colomb (Christopher Columbus, tiếng Ý là: Cristoforo Colombo).

Ông Colomb (1451 - 1506) là người Ý, không phải là người Tây Ban Nha. Nhà thám hiểm hàng hải này khám phá ra Mỹ châu năm 1492. Về ẩm thực, dầu olive và pesto không thể thiếu trong thực đơn của tỉnh Genova. Hải sản được ưa thích vì tỉnh này nằm cạnh bờ biển nên cá tôm có rất nhiều.

Chúng tôi được mời giới thiệu nhạc cổ truyền Việt Nam. Chương trình gồm có những tiết mục độc tấu nhạc cụ (đàn nhị, sinh tiền, muỗng, đàn môi) và dân ca Việt Nam ba miền Nam - Trung - Bắc. Phần đàn do tôi phụ trách và phần hát do Bạch Yến vợ tôi đảm nhận. Chúng tôi không phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp diễn như thường thấy ở Việt Nam. Nhưng chúng tôi trình diễn đúng theo phong cách ngày xưa. Như vậy có nghĩa là sao?

Trước hết là y phục. Tôi mặc áo cặp the đen ngoài và áo trắng bên trong, đội mũ đen, đi dép đen. Bạch Yến mặc áo tứ thân 5 tà vấn khăn mỏ quạ, móng tay chân không sơn đỏ, bỏ hết nữ trang.

Sau đó là cách chào theo kiểu Việt Nam cung kính, bước nhẹ nhàng, đàn ông đi trước đàn bà theo sau rất chậm rãi.

Khi đàn, phải đàn thư thả, khi hát phải ngân nga theo đúng truyền thống của từng miền. Trước khi đàn hoặc hát chúng tôi đều giải thích ngắn gọn từng tiết mục để cho khán giả hiểu sơ nội dung bài hát hay bài đàn.

Tuy chỉ có hai người, không cần sân khấu với ánh sáng và hệ thống âm thanh đồ sộ, hiện đại vì chúng tôi hát mộc. Khán giả lắng tai nghe âm thanh thật từ giọng hát tiếng đàn trong không gian im phăng phắc của nơi diễn.

Người xem chăm chú theo dõi và vỗ tay khen từng tiết mục. Sau khi kết thúc chương trình lý thú, công chúng châu Âu luôn vây quanh chúng tôi, tỏ lời khen ngợi và xin chụp hình lưu niệm.

Mỗi chuyến đi diễn như thế, lưu lại trong lòng công chúng thế giới hình ảnh của nhạc dân tộc từ phong cách trình diễn đến âm thanh của từng nhạc cụ, giai điệu tiếng Việt.

Đối với họ là một khám phá giúp họ muốn tìm hiểu thêm trong tương lai khi họ thăm Việt Nam. Chúng tôi chỉ là viên gạch lót đường trong việc quảng bá nhạc dân tộc Việt từ hơn 40 năm nay ở hải ngoại.

GS Trần Quang Hải (1944) là con trai trưởng của GS.TS Trần Văn Khê. GS Hải tự nhận mình chỉ là viên gạch lót đường, nhưng gần nửa thế kỷ qua, cùng người bạn đời - Bạch Yến, họ đã lưu diễn khắp thế giới, có công lao lớn trong việc quảng bá âm nhạc Việt Nam. Hơn chồng một tuổi, danh ca Bạch Yến (quốc tịch Mỹ) nổi tiếng tại Sài Gòn từ lúc thiếu niên, nổi tiếng tại Mỹ, từng được hát cùng danh ca F.Sinatra.
Khi sang Paris diễn, gặp Trần Quang Hải bà đã cảm mến người đàn ông tài hoa, chân tình nên đồng ý ở lại Pháp, làm vợ ông với một đám cưới giản dị và thành kế mẫu của Minh Tâm - con gái duy nhất của chồng. Tuy bà không có con chung với ông, họ vẫn sống hạnh phúc hơn 40 năm qua vì chung tình yêu âm nhạc.
Danh ca Bạch Yến đã nghe lời của cha chồng, tập luyện, chuyên chú cho dân ca Việt Nam, tâm huyết với sự nghiệp quảng bá âm nhạc cho dân tộc và khiến GS Trần  Văn Khê luôn tự hào về vợ chồng người con trưởng. - Vi Thùy Linh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.