Mặt khác, khi thanh nhạc càng lên ngôi thì khí nhạc càng bị lấn át. Sự phát triển lệch lạc của hoạt động sáng tác thanh nhạc đã và đang dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc.
Thanh nhạc lấn át khí nhạc
Nghệ thuật âm nhạc Việt đang tồn tại và phát triển cả hai thành phần gồm âm nhạc cổ truyền dân gian dân tộc và âm nhạc đương đại. Trong hai thành phần ấy đều có cả thanh nhạc và khí nhạc. Nhưng hầu hết công chúng chỉ biết đến thanh nhạc, chỉ yêu thanh nhạc, ham mê thưởng thức thanh nhạc và khí nhạc chỉ làm phần đệm, dẫn dắt, phụ họa cho thanh nhạc mà thôi. Không mấy người kể cả trong tầng lớp trí thức thật sự có hiểu biết và yêu thích hưởng thụ khí nhạc thuần túy, kể cả khí nhạc cổ truyền dân tộc và khí nhạc hiện đại dân tộc.
Mặt khác, thực tế chỉ ra hiện nay khá hiếm các tác phẩm và tác giả mới của dòng nhạc thính phòng - giao hưởng. Và một trong số những nguyên nhân dẫn tới điều đó bởi chất lượng đào tạo chuyên ngành sáng tác của Việt Nam đang thấp. Hầu hết sinh viên chỉ cố gắng viết cho xong bài tốt nghiệp rồi lấy bằng đi làm việc khác và chấm dứt hoàn toàn ý định viết nhạc thính phòng - giao hưởng - nhạc kịch...
Ngoài ra cũng phải kể tới một thực trạng là số lượng học sinh theo học các ngành sáng tác âm nhạc ngày càng ít về số lượng. Vì vậy ngay cả khi Việt Nam có được một lớp nhạc sĩ đào tạo bài bản và dạy khí nhạc hùng hậu nhưng sinh viên nếu không có để dạy thì nền khí nhạc – vốn đã bị lép vế so với thanh nhạc càng phải đối mặt với nguy cơ đứt gãy tầng lớp kế cận.
Nhiều sinh viên cũng chia sẻ một thực tế khiến khí nhạc trở nên mất chỗ đứng: Sáng tác một bản nhạc đã khó thì điều kiện được trình diễn, sáng tác một bản giao hưởng lại càng khó hơn. Không biết tới bao giờ mới có được dàn nhạc nhận dàn dựng những sáng tác của sinh viên sau khi ra trường và thậm chí đã vào nghề.
Đứng trước thực trạng buồn của khí nhạc, nhiều nhạc sĩ nhận định con đường xây dựng, bồi dưỡng và đào tạo thế hệ nhạc sĩ kế cận cho khí nhạc là một con đường gian truân, khó khăn và phức tạp.
Nâng chất cho hoạt động sáng tác
Đề cập đến tình trạng lời ca thiếu tính văn học, thậm chí rất phản cảm trong nhiều bài hát gần đây, nhất là của các ca sĩ tự làm tự hát, giới nhạc sĩ cho rằng phải học kỹ ngay ở bậc trung học cách phổ thơ cho bài hát của ông cha ta trong các loại dân ca và trong ca khúc của một số nhạc sĩ Việt Nam cũng như quốc tế. Từ đó nhiều ý kiến của các nhạc sĩ đã đề xuất, Học viện Âm nhạc Quốc gia nên lập một thư viện âm nhạc như cách của các nhạc viện quốc tế, có đủ mọi tư liệu về nhạc cụ dân tộc chủ yếu cùng với những tác phẩm dân tộc đương đại chất lượng cao. Thư viện đó sẽ giúp cho rất nhiều sinh viên tham khảo mỗi khi sáng tác.
Cùng đó yêu cầu sinh viên tăng cường đi thực tế, tiếp cận cuộc sống bằng nhiều cách khác nhau chứ không “trốn” trong tháp ngà của giảng đường, của những sinh hoạt nội bộ hay phụ thuộc quá vào thế giới âm nhạc trên mạng; Chọn lọc tài năng ngay từ cấp mẫu giáo, từ các cơ sở trở đi để có hướng đầu tư phát triển tài năng; đồng thời, phát triển rộng rãi đào tạo âm nhạc cho đại chúng, mở các lớp học sáng tác âm nhạc ngắn hạn ở địa phương, nhưng cũng không tham lam trong việc đào tạo chuyên sâu lên thạc sĩ, tiến sĩ mà chỉ chắt lọc những đối tượng tài năng; tăng cường mời các nhà văn hóa, các nhạc sĩ, nghệ nhân có uy tín trong và ngoài nước đến trao đổi nghề nghiệp với đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp tương lai…