Soi mình vào không gian xung quanh gia đình người tự kỷ

GD&TĐ - Chiều 20/1, tại Bảo Tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội)  đã diễn ra khai mạc triển lãm “Những cuộc gặp”.

Các tác giả chụp ảnh lưu niệm tại triển lãm
Các tác giả chụp ảnh lưu niệm tại triển lãm

Đây là một phần của dự án nghiên cứu về tự kỷ thông qua nghệ thuật thị giác với sự tham gia của cộng đồng được khởi động vào cuối năm 2016 bởi Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) với sự hợp tác của Nhà Sàn Collective và Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam, tài trợ bởi quỹ Wellcome Trust.

“Những cuộc gặp” trưng bày các tác phẩm nhiếp ảnh, video, âm thanh, sắp đặt của các tác giả là ba người em gái của những người tự kỷ: Trịnh Mai Chi, PQN, Quỳnh, cùng với ba thanh niên đam mê nhiếp ảnh Lê Anh Dũng, Dương Thuỳ Ly và Trâm. Ý tưởng của triển lãm hình thành trong dự án nghiên cứu về tự kỷ thông qua nghệ thuật thị giác với sự tham gia của cộng đồng. Trong đó, người thực hiện tác phẩm đến từ nhiều môi trường khác nhau và đều là những người mới bắt đầu hoặc còn chưa có nhiều tiếp xúc với sáng tác nghệ thuật.

Triển lãm mở ra không gian dàn trải của hình ảnh, màu sắc, câu chữ, giọng nói đầy phong cách và cá tính về sự đa dạng trong cuộc sống với người tự kỷ. Video theo phong cách food-styling của PQN gợi đến viễn cảnh cuộc sống tự lập của một thiếu nữ có chị gái là người tự kỷ.

Những bức ảnh “Tĩnh và động” của Quỳnh
Những bức ảnh “Tĩnh và động” của Quỳnh

Góc nhìn của Quỳnh đối diện với biểu hiện và những tác động trực tiếp của tự kỷ lên gia đình. Em thực hiện một xê-ri các bức ảnh trong phong cách điều tra chụp cận cảnh anh trai mình, kết hợp với lời thoại vừa là những quan sát tinh tế về rối loạn phổ tự kỷ, vừa là tâm sự của một người em gái. Tác phẩm của Chi là những lời bình luận về các bức ảnh chụp gia đình mình được thực hiện bởi một người ngoài cuộc. Tuy ở một điểm nhìn khác, những câu hỏi của Chi tương đồng với tâm sự của Quỳnh trong việc chất vấn khái niệm bình thường trong quan niệm về tự kỷ.

Trong số ba thanh niên chụp ảnh là người ngoài cuộc, Ly kể chuyện cuộc sống với tự kỷ bằng những bức ảnh chụp đồ vật và nội thất, Dũng quan sát giao tiếp với bạn bè của một thanh niên tự kỷ.

Ngược lại, tác phẩm của Trâm tìm hiểu giới hạn và khả năng của nhiếp ảnh khi đề cập tới các vấn đề xã hội. Cái nhìn của nghệ sĩ đến không gian vật chất của căn nhà, khu vườn đầy nắng, khoảng không trống vắng bên ngoài và bên trong những khung cửa kính dường như không chỉ kể về một gia đình có người tự kỷ, mà còn gợi đến khoảng cách giữa ống kính và nhân vật mà chính người cầm máy ảnh cảm thấy không thể rút ngắn được.

Tác phẩm của các nghệ sĩ hình thành qua quá trình trao đổi không chỉ những câu chuyện riêng về cuộc sống của người tự kỷ, mà còn từ những nhận xét, suy ngẫm về sáng tác nghệ thuật của nhau. Triển lãm “Những cuộc gặp” đề xuất chúng ta tìm hiểu về tự kỷ qua soi chiếu chính bản thân mình vào không gian vật chất, quan niệm, thực hành nghệ thuật xung quanh gia đình người tự kỷ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ