“Âm mưu” buôn ma túy của Mark Twain

GD&TĐ - Như Mark Twain từng thừa nhận, “Tôi không bao giờ hoàn hảo trên các vấn đề tiểu tiết”, nhà văn khôi hài bậc nhất nước Mỹ, cột trụ của văn chương đầu thế kỷ XX, từng là cậu bé ngỗ nghịch ít ai bì, tham vọng làm giàu đến mức tin vào sự “thần diệu” của cây coca, tự mình lập kế hoạch tới Brazil buôn thuốc gây nghiện, chắc mẩm sẽ mở ra kỷ nguyên cocaine trên toàn cầu…

Nhà văn Mark Twain
Nhà văn Mark Twain

Thậm ghét đi học

Cuốn sách nảy sinh tham vọng làm giàu ở Mark Twain

Sinh ngày 30/11/1835 – 21/4/1910, trùng với ngày Sao chổi Halley xuất hiện và tái xuất hiện, Mark Twain tên thật là Samuel Langhorne Clemens. Thời niên thiếu, Mark Twain yêu mọi thứ trên đời, trừ học hành. Là cậu bé hiếu kỳ và luôn như dư thừa năng lượng, việc phải ngồi trong lớp học với Twain chẳng khác nào tra tấn. Cậu thậm chí bỏ học khi mới 12 tuổi, bất chấp bị mắng mỏ, trách phạt thế nào.

Cực ghét học hành nhưng Twain rất yêu đọc. Năm 1856, ở độ tuổi 20, Twain làm nhân viên soạn thảo trong tiệm in mới của anh trai. Trong thời gian ở đây, Twain tiếp xúc với Khám phá Thung lũng Amazon: 1851-1852 (Exploration of the Valley of the Amazon: 1851-1852) của William Herndon (Mỹ).

Ngày nhỏ, Mark Twain hiếu động không kém nhân vật Huckleberry Finn của mình

Ngày nhỏ, Mark Twain hiếu động không kém nhân vật Huckleberry Finn của mình

Bản thân Khám phá Thung lũng Amazon: 1851-1852 là một tiếng vang lớn. Nó bao gồm hai tập, kể về câu chuyện thật của đại úy đồng thời là nhà thám hiểm William Lewis Herndon. Herndon đang phục vụ trong Hải quân Mỹ thì được lệnh dẫn đầu một nhóm thám hiểm khám phá Amazon, bắt đầu từ thượng nguồn.

Họ phải vượt qua các ngọn núi, những khu rừng rậm rạp chưa ai biết đến, trừ các bộ tộc địa phương. Chặng đường dài 4000 dặm (khoảng 6437km) của Herndon là cuộc phiêu lưu tuyệt vời. Rất nhiều năm sau đó, Twain vẫn còn bị mê hoặc bởi nó. Băng qua trung tâm của vùng đất kỳ diệu, ngập tràn những kỳ quan nhiệt đới, lãng mạn với muôn vạn loài chim, hoa, động vật kỳ lạ, nhung nhúc cá sấu và khỉ… ông mê mẩn mô tả.

Sùng bái cây coca

Dù say đắm hệ động vật của Amazon song, cái Twain thực sự bị cuốn hút thuộc về thực vật. Đó là loài cây mà người người da đỏ Inca ở dãy Andes (dãy núi dài nhất thế giới, gồm một chuỗi núi liên tục chạy dọc theo bờ tây lục địa Nam Mỹ) không thể thiếu trong đời sống lao động. Trong mắt Herndon, những người da đỏ Inca luôn im lặng, cần mẫn, nhẫn nại đến mức không thể tin nổi.

Họ làm việc thâu đêm suốt sáng trong các mỏ bạc mà không đòi hỏi phải được ăn uống no đủ. Tất cả những gì họ cần là loài thực vật có tên Erythroxylon coca. Hiện nay, loài cây này được biết đến rộng rãi là nguồn cocaine (ma túy) chính.

Sau khi nhai ít coca, tinh thần của người lao động Inca lên cao hừng hực. Họ quên mất cơn đói, không còn thèm ăn, không thấy mệt mỏi, lao vào làm việc cật lực, chính xác như những gì các nhà công nghiệp ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ đương thời trông mong.

Erythroxylon coca, nguồn cocaine chính

Erythroxylon coca, nguồn cocaine chính

Twain còn kinh ngạc hơn cả Herndon khi biết bí quyết duy trì sức lao động này, điều vốn chưa từng có tại bất cứ đâu. Ông tin cây coca sở hữu “sức mạnh diệu kỳ”, có thể nuôi dưỡng và tăng cường sức khỏe cho các lao động người Inca mà “không cần đến thức ăn khác”.

Tất nhiên, Twain lúc này chưa biết đến tính chất gây nghiện và gây hại của cocaine. Không chỉ nhà văn, ngay các công ty dược phẩm của Mỹ cũng không phát hiện. Họ nhiệt tình quảng bá sức mạnh của ma túy trong suốt nhiều thập kỷ sau đó.

Cây coca còn được sử dụng để làm nước giải khát Coca Cola. Từ “coca” trong thương hiệu “Coca Cola” lấy từ tên thực vật này. Chỉ dến thập niên 1970, cocaine mới bị xem là loại thuốc gây nghiện nguy hại. Nhiều người bị đổ lỗi, tẩy chay vì tội khiến ma túy trở nên phổ biến song không bao gồm cả Mark Twain.

Mơ mộng mở thị trường cocaine toàn cầu

Thực chất, cũng nên xem Twain là vô tội. Ông chưa kịp quảng bá, chỉ đơn giản là người “đi trước thời đại” về việc phát hiện cocaine. Luôn cần có nhân vật tiên phong trong đời sống. Họ là những người biết nhìn xa, trông rộng, từ đó sớm trở nên thành công.

Chiến lược kinh doanh tồn tại cái gọi là Mục tiêu đầy tham vọng và thách thức (Big Hairy Audacious Goal – BHAG). Bất cứ một cá nhân, tổ chức nào sinh ra, tồn tại và phát triển đều phải có mục tiêu, mục tiêu trước mắt, mục tiêu lâu dài, mục tiêu cuối cùng.

Dù bạn chăm chỉ hay thông minh đến đâu, nếu không có chí hướng rõ ràng, bạn có thể sẽ thất bại. Với một BHAG, độ khó của thách thức tương ứng với sự hấp dẫn và khát khao chinh phục.

Cơ hội lớn gắn liền với rủi ro cao nhưng, với BHAG, điều này được đặt theo hướng ngược lại. Trong mắt người thường, họ là những kẻ điên cuồng. Nhưng, trong mắt họ, sự táo bạo này vẫn chưa là gì cả. Twain là một BHAG như thế.

Với niềm tin vào sự diệu kỳ của loại cây thần dược coca, ông tin ngành thương mại coca sẽ sớm áp đảo thế giới. “Tôi không sao thoát khỏi nỗi khát khao được tới Amazon”, Twain ghi nhận.

Ông mơ mộng sẽ mở ra thị trường coca toàn cầu. Trong suốt nhiều tháng, Twain nghiền ngẫm nghĩ cách làm sao tới Para, bến cảng của Brazil. Ông chắc mẩm sẽ sớm gặt hái thành công rực rỡ trên vùng đất mọc đầy cây coca.

Để bắt đầu, một BHAG phải lên kế hoạch. Twain vắt óc lập dự định, rủ thêm hai cộng sự cũng háo hức không kém mình. Một trong hai người là Joseph Martin, bác sĩ kiêm giảng viên hóa học và độc tính tại trường Đại học Y Iowa. Người còn lại là Ward, doanh nhân trong khu phố.

Cả Twain, Martin và Ward đều đồng lòng rút khỏi công ty của Orion, lập công ty riêng với Twain là giám đốc. Dù anh trai ngỏ ý muốn giúp đỡ, Twain khước từ. Không lâu trước khi lên đường, ông gặp em trai, Henry Clemens, phàn nàn về động cơ của Orion, thể hiện sự bất tín với huynh trưởng.

Twain dự định cùng Ward tới Brazil trước, tìm hiểu trong khoảng sáu tuần, sau đó gửi báo cáo về cho Martin. Ông nói dối với Orion chỉ cùng Ward tới New York, sau đó Ward sẽ đi Brazil một mình. Ông cho rằng Orion là kẻ hám lợi, chỉ cần ngửi thấy mùi tiền là bất chấp mọi sự.

Trước thập niên 1970, nhân loại chưa biết tính gây nghiện độc hại của cocaine

Trước thập niên 1970, nhân loại chưa biết tính gây nghiện độc hại của cocaine

“Dù Orion nói sẽ cho tôi 50-100 dollar trong sáu tuần”, Twain nói, “nhưng tôi không phải thằng ngu để tin anh ấy sẽ giữ lời”. Khác với sự dè chừng của Twain, Orion, trong vai trò anh cả, có lẽ chỉ muốn hỗ trợ, mong em trai có thể thuận lợi lập nghiệp trên vùng đất xa lạ xứ người.

Ngày 15/4/1857, Twain, với mong muốn tới New Orleans, đổi tên mới - Paul Jones. Ông tốn 30 dollar cho thủ tục này. Martin và Ward, vì lý do gì đó, không còn hứng thú với dự án buôn bán ma túy. Twain tới New Orleans một mình. Ngày 26/4, ông thật sự có mặt tại New Orleans. Trong túi Twain lúc này chỉ còn một ít tiền, có vẻ còn không đủ để mua vé về.

Ở New Orleans, Twain dò hỏi tàu tới Para, cay đắng nhận ra không ai biết gì về nó, cũng không có bất cứ chuyến tàu nào từ New Orleans tới Para. Ông gần như phát điên. Cảnh sát phải đến giải quyết, đe dọa sẽ bốc Twain về đồn nếu ông vẫn còn la hét, quậy phá trên đường phố. Mộng tiên phong mở thị trường coca khắp thế giới của đại văn hào trong thời trai trẻ non nớt, dại dột kết thúc như thế.

Nếu thuận lợi tới Brazil, rất có thể Mark Twain đã trở thành ông trùm ma túy thay vì đại văn hào

Nếu thuận lợi tới Brazil, rất có thể Mark Twain đã trở thành ông trùm ma túy thay vì đại văn hào

Theo Lithub.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ