Ảm đạm thị trường bất động sản

GD&TĐ - Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản có những diễn biến khá bất thường khi phân khúc căn hộ đang ế ẩm, khiến không ít nhà đầu tư “mất ăn, mất ngủ”. Thậm chí, nhiều dự án khuyến mãi, chiết khấu cao nhưng vẫn không có người mua. Tình trạng này còn lan sang cả phân khúc nhà đất nền mặt phố…

Hiện BĐS ở hầu hết các phân khúc đều giảm nhiệt với lượng giao dịch giảm mạnh, giá nhiều phân khúc cũng giảm
Hiện BĐS ở hầu hết các phân khúc đều giảm nhiệt với lượng giao dịch giảm mạnh, giá nhiều phân khúc cũng giảm

Giảm nhiệt ở tất cả các phân khúc

Ông Nguyễn Văn Ngọc – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhà Phát cho rằng, từ đầu năm đến nay thị trường bất động sản (BĐS) trên cả nước đã có sự thay đổi hết sức lạ lùng, một nửa thị trường là phân khúc căn hộ đang trong tình trạng ế ẩm, nửa còn lại là đất nền nhà phố sau một thời gian “nóng” nay đã bắt đầu giảm nhiệt. Hiện, tỷ lệ giao dịch ở tất cả các phân khúc đang khá trầm lắng, thậm chí một số dự án tuy đã xong nhưng không bán được.

Phân tích về tình trạng thị trường BĐS đang chững lại trong thời gian qua, ông Hoàng Xuân Hùng - một chuyên gia có thâm niên trong ngành BĐS cho rằng, cách đây vài tháng, Ngân hàng Nhà nước có Chỉ thị nhằm kiểm soát dòng vốn tín dụng đổ vào các nhóm ngành phát triển nóng, đặc biệt là đối với BĐS. Tuy vấn đề này không mới, nhưng câu hỏi được đặt ra là vì sao Ngân hàng Nhà nước lại có mối lo đặc biệt đối với nguồn vốn đổ vào BĐS và tác động của việc siết chặt tín dụng này là gì...?

“Tôi cho rằng, những động thái trên của Ngân hàng Nhà nước là rất rõ ràng. Việc siết đó nhằm kìm hãm nguồn vốn của các ngân hàng chảy vào BĐS để có thể tiếp tăng thêm động lực cho cơn sốt đất. Tất nhiên, khi động lực từ dòng vốn tín dụng, dòng vốn tự có trong xã hội không đủ để tạo nên “sức bật”, khi đó thị trường BĐS chắc chắn sẽ giảm nhiệt, đồng thời bong bóng BĐS cũng sẽ không xảy ra như những năm trước đây” – ông Hùng phân tích.

Còn cơ hội với các nhà đầu tư?

Thị trường BĐS đang bước vào giai đoạn trầm lắng khiến không ít nhà đầu tư “ăn không ngon, ngủ không yên”. Anh Nguyễn Văn Lưu - một nhà đầu tư đã nhiều năm trên thị trường BĐS cho rằng: Giao dịch BĐS biến động trong thời gian gần đây chính là do sự điều tiết chính sách vĩ mô của Chính phủ nên dòng vốn đã có sự chuyển hướng và làm hạ nhiệt thị trường. Bởi vậy, nếu ai nắm bắt tốt được thời cơ thì BĐS vẫn luôn là kênh đầu tư an toàn hơn cả. Tất nhiên, nếu kém nhạy bén trong việc nắm bắt rủi ro, không phản ứng kịp với thị trường chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ.

Theo anh Lưu, từ trước đến nay đầu tư vào BĐS vẫn luôn được nhiều người ưa chuộng bởi tính chất an toàn, nhưng về mặt lý thuyết thì hiện nay đầu tư vào BĐS có lẽ là sinh lời kém hơn cả. Anh Lưu dẫn chứng cụ thể, chẳng hạn để đầu tư mua một căn nhà mặt đất có giá khoảng 5 – 6 tỷ đồng, nhưng người mua cho thuê lại chỉ được khoảng 7 – 8 triệu đồng/tháng, như vậy so với lãi suất gửi ngân hàng thì chỉ bằng 1/5.

Từ kinh nghiệm của mình, anh Lưu đánh giá, nhìn chung việc đầu tư khai thác BĐS dưới hình thức cho thuê chắc chắn lãi suất chỉ bằng 1/4 – 1/5 so với ngân hàng, nhưng ngược lại dù thị trường có bị điều chỉnh như thế nào thì vốn của họ vẫn còn đó.

  • “Đầu tư, buôn bán ai cũng muốn có được lợi nhuận cao. Thế nhưng, nhìn lại các chu kỳ tăng giá từ 30 - 90% đối với thị trường BĐS như trước kia là gần như không có. Khi thị trường BĐS đóng băng, không bán được hàng thì các nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn, đặc biệt nếu đi vay mượn để đầu tư sẽ chắc chắn sẽ gặp “ác mộng”. Nhưng ngược lại, nếu các nhà đầu tư dùng vốn tích lũy của mình để tham gia thị trường, cho dù BĐS có bị đóng băng thì vốn của họ vẫn còn đó, vấn đề chỉ là đầu tư kém hiệu quả, không có lời…” – anh Nguyễn Văn Lưu cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.
Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.