AI tái định hình giáo dục Trung Quốc

GD&TĐ - Liệu máy móc có thể thay thế gia sư không? Đó là câu hỏi đang được giải đáp đằng sau các phòng học có sự hỗ trợ từ AI.

Trẻ em tại các trung tâm AI. Ảnh: Sixthtone
Trẻ em tại các trung tâm AI. Ảnh: Sixthtone

Các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) cung cấp thông tin chi tiết theo thời gian thực và trải nghiệm học tập tùy chỉnh, đảm bảo đáp ứng yêu cầu riêng biệt của từng học sinh. Chính sách của Trung Quốc cũng hỗ trợ tích hợp AI có đạo đức và hiệu quả, thúc đẩy đổi mới. Những tiến bộ này được coi là dấu hiệu mở ra một kỷ nguyên mới trong giáo dục.

Trung tâm AI “nở rộ”

Liệu máy móc có thể thay thế gia sư không? Đó là câu hỏi đang được giải đáp đằng sau các phòng học có sự hỗ trợ từ AI. Đây là một ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc, nơi học sinh ngồi ở những chiếc bàn im lặng, mắt nhìn vào màn hình máy tính.

Phần mềm AI theo dõi lỗi, biên soạn và điều chỉnh bài học theo thời gian thực. Trong khi đó, phòng học không có giáo viên được cấp chứng chỉ, mà chỉ có sự giám sát của AI. Nhiệm vụ của các trợ giảng tại đây chỉ giới hạn ở việc giám sát và khuyến khích người học.

Được quảng cáo là không gian tự học, thay vì trung tâm gia sư, các phòng học AI đã nhanh chóng xuất hiện khắp Trung Quốc. Những không gian tự học này được cho là có thể tránh các hạn chế của chính phủ đối với việc dạy kèm ngoài trường cho học sinh từ lớp Một đến lớp Chín.

Nhắm đến học sinh từ 8 - 18 tuổi, các trung tâm này hiện có hơn 50.000 cơ sở trên toàn quốc, cung cấp một giải pháp thay thế chi phí thấp cho việc học kèm riêng và hứa hẹn rằng, việc học được cá nhân hóa mà không cần tới sự hướng dẫn trực tiếp trên lớp.

Thay vì được hướng dẫn trực tiếp, trẻ em tham gia các trung tâm AI sẽ học theo chương trình được tải sẵn và kế hoạch học tập do AI tạo ra trên máy tính bảng. Một số trung tâm bán máy tính bảng kèm theo một tháng miễn phí sử dụng phòng học. Trong khi đó, những trung tâm khác tính phí thành viên và bao gồm thiết bị như một phần của khóa học.

Phần mềm phân tích độ chính xác, xác định lỗi và biên soạn chúng để thực hành có mục tiêu. Nhiều trung tâm cũng tuyên bố, AI có thể lập bản đồ lộ trình học tập được cá nhân hóa, điều chỉnh bài tập dựa trên tiến trình của người học. Cha mẹ thậm chí có thể theo dõi hiệu suất của con mình từ xa thông qua các ứng dụng di động, nhận được báo cáo chi tiết về mức độ thành thạo và tỷ lệ chính xác.

Theo công ty công nghệ RUNTO có trụ sở tại Bắc Kinh, doanh số bán máy tính bảng trên thị trường đa kênh của Trung Quốc đã đạt 1,83 triệu chiếc vào năm 2024, tăng 49,1% so với năm trước.

Các báo cáo của phương tiện truyền thông trong nước đã nhấn mạnh rằng, nhà điều hành phòng học AI cố tình tránh xa thương hiệu liên quan đến giáo dục để tránh vi phạm quy định về dạy kèm của Trung Quốc. Đăng ký kinh doanh và tài liệu tiếp thị bỏ qua các thuật ngữ như “giáo dục”, “gia sư” hoặc “đào tạo”.

Thay vào đó, họ chọn các nhãn như “phương tiện truyền thông văn hóa” hoặc “dịch vụ công nghệ” để không liên quan đến việc dạy kèm riêng. Bằng cách hoạt động trên hệ thống thành viên thay vì tính học phí, phí phòng học được đóng khung dưới dạng tiền thuê cơ sở hoặc quyền sử dụng.

Một máy tính bảng kèm theo một tháng sử dụng phòng học miễn phí thường có giá 5.000 nhân dân tệ. Sau đó, học sinh sẽ trả phí dịch vụ giám sát theo tháng, mùa hoặc năm, với mức phí dao động từ 1.000 - 3.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Con số này thường cao hơn vào các kỳ nghỉ.

So với gia sư truyền thống, phòng học hỗ trợ AI cung cấp giải pháp thay thế rẻ hơn. Một buổi học kèm riêng có thể tốn từ hàng trăm đến gần 1.000 nhân dân tệ chỉ trong hai giờ. Điều đó khiến hệ thống học tập AI trở thành lựa chọn dài hạn phải chăng hơn.

Trên mạng xã hội, các chủ doanh nghiệp công bố về lợi nhuận của phòng học AI. Một số doanh nghiệp cho biết đã mở bốn địa điểm mỗi năm và tạo ra doanh thu trung bình hằng tháng là 90.000 nhân dân tệ. Đại diện bán hàng của một trung tâm AI cho biết: “Việc thiết lập một phòng học AI tốn từ 20 đến vài trăm nghìn nhân dân tệ, với thời gian hoàn vốn thông thường là 1 – 3 tháng và biên lợi nhuận là 65%”.

Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục vẫn còn hoài nghi về hiệu quả và ý nghĩa pháp lý của những trung tâm AI này. Xue Haiping - chuyên gia về chính sách đào tạo ngoài khuôn viên trường tại Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết, các phòng học AI về cơ bản là một hình thức gia sư ngoài khuôn viên trường mới, quy mô nhỏ hơn nhưng khó quản lý hơn. Hình thức này thường phổ biến ở các thành phố nhỏ hơn.

“Mục đích chính là cho người học luyện tập các câu hỏi và cải thiện điểm số. Các trung tâm như vậy chỉ là một phiên bản khác của hình thức gia sư truyền thống”, chuyên gia Xue nhận định.

Trong khi đó, theo Wu He - một nhà nghiên cứu cao cấp tại công ty phần mềm học tập K-12, các phòng học như vậy thiếu khả năng AI thực sự. Những phòng học này dựa vào các lời nhắc được cài đặt sẵn thay vì tương tác thực tế với học sinh. Nhà nghiên cứu Wu cho biết, nhiều học sinh thường không đặt câu hỏi. Trong khi đó, những cỗ máy này không khuyến khích tư duy phản biện.

ai-tai-tinh-hinh-giao-duc-trung-quoc-2.jpg
Các khóa học về đạo đức AI tại Trung Quốc sẽ được giới thiệu để hướng dẫn học sinh sử dụng công cụ này. Ảnh: INT

Thách thức AI mang lại

Trong bối cảnh công nghệ “lên ngôi”, Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng đã ban hành thông báo tăng cường giáo dục AI tại các trường tiểu học và trung học. Thông báo nêu rõ rằng, trẻ em tiểu học nhỏ tuổi hơn nên tập trung vào việc khám phá và trải nghiệm công nghệ AI.

Trong khi đó, trẻ em tiểu học lớn tuổi hơn và học sinh trung học cơ sở nên tập trung vào việc hiểu và áp dụng các khái niệm AI. Học sinh trung học phổ thông nên tham gia vào việc tạo dự án và các ứng dụng nâng cao.

Thông báo cũng nêu các yêu cầu chung để tăng cường giáo dục AI tại trường học, nhấn mạnh vào giáo dục đạo đức và bồi dưỡng tài năng sáng tạo, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp tiếp cận lấy con người làm trung tâm, nuôi dưỡng tư duy phản biện và tinh thần sáng tạo của học sinh.

Ngoài ra, trọng tâm là khơi dậy sự quan tâm và nuôi dưỡng trí tò mò của người học đối với khoa học cùng với kiến thức số. Khuyến khích lập kế hoạch phối hợp để thúc đẩy các chương trình khám phá và thí điểm trên khắp trường học và khu vực.

Bên cạnh đó, thông báo kêu gọi thiết lập chương trình giảng dạy có hệ thống với các hoạt động giảng dạy và đánh giá thường xuyên. Thông báo xác định các mục tiêu học tập riêng biệt cho từng giai đoạn giáo dục: Học tập cảm quan và trải nghiệm ở các lớp đầu tiểu học, hiểu biết và ứng dụng ở tiểu học và trung học cơ sở, tạo dự án và các ứng dụng nâng cao ở cấp trung học phổ thông.

Các trường học được khuyến khích tích hợp giáo dục AI vào chương trình sau giờ học và sáng kiến nghiên cứu. Qua đó, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa ngành công nghiệp, học viện, nghiên cứu và ứng dụng.

Những nỗ lực bao gồm phát triển các khóa học và trường hợp giảng dạy phù hợp trong khi kết hợp AI một cách liền mạch vào chương trình giảng dạy về công nghệ thông tin, khoa học và hoạt động thực tế. Để tăng cường khả năng tiếp cận tài nguyên, một phần giáo dục AI sẽ được giới thiệu trên nền tảng giáo dục thông minh quốc gia, hợp nhất các tài nguyên chất lượng cao để sử dụng rộng rãi.

ai-tai-tinh-hinh-giao-duc-trung-quoc-3.jpg
Các trường học được khuyến khích tích hợp giáo dục AI vào chương trình giảng dạy. Ảnh: INT

Các kế hoạch bao gồm thiết lập các cơ sở giáo dục AI theo từng giai đoạn, mở cơ sở như phòng thí nghiệm và phòng triển lãm từ trường đại học và doanh nghiệp công nghệ cho sinh viên, tối ưu hóa môi trường giảng dạy kỹ thuật số. Đồng thời, thúc đẩy chia sẻ tài nguyên giữa các trường để có trải nghiệm học tập toàn diện.

Hơn 500 trường đại học Trung Quốc đã triển khai các khóa học và chuyên ngành AI kể từ năm 2018. Một số trường hàng đầu như Đại học Bắc Kinh và Đại học Nhân dân gần đây đã công bố kế hoạch phát triển tài năng và mở rộng tuyển sinh vào các lĩnh vực liên quan đến AI và các ngành có liên quan như công nghệ thông tin, kỹ thuật và khoa học lâm sàng.

Ở cấp tiểu học, các khóa học sẽ chủ yếu tập trung vào “khai sáng tư duy AI của học sinh”. Khi học sinh lên cấp trung học, các khóa học thực hành sẽ được giới thiệu, tập trung vào việc tăng cường khả năng ứng dụng AI và phương pháp đổi mới. Các khóa học về đạo đức AI cũng sẽ được giới thiệu để hướng dẫn học sinh sử dụng công cụ này, tạo ra “một cách khoa học, hợp lý, ổn định và thận trọng”.

Đồng thời, kế hoạch làm việc cũng tập trung vào việc lựa chọn giáo viên có hứng thú và nền tảng trong các ngành STEM bao gồm công nghệ thông tin, khoa học và toán học để thúc đẩy giáo dục AI trong thành phố.

Tuy nhiên, mối đe dọa ngày càng tăng của deepfake và việc sử dụng ngày càng nhiều các công cụ AI đã làm dấy lên cuộc tranh luận về vấn đề dùng AI của trẻ em. Các nhà lập pháp Trung Quốc đã cảnh báo về việc phải có quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo rằng, công nghệ và các công cụ không bị lạm dụng.

Ông Zhang Yi, một thành viên của Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), đã cảnh báo về các vấn đề phát sinh từ sự phát triển nhanh chóng của AI, bao gồm “những thuật toán phân biệt đối xử, vi phạm quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu yếu kém”.

Ông cho biết, sự không chắc chắn và rủi ro xung quanh các công cụ và công nghệ AI sẽ là thách thức liên tục đối với chính quyền.

AI đang định hình lại nền giáo dục tại Trung Quốc, thúc đẩy những cải tiến đáng kể trong cả việc dạy và học. Từ các công cụ lớp học được hỗ trợ bởi AI theo dõi hành vi của học sinh đến chương trình học tập được cá nhân hóa phù hợp với nhu cầu của từng cá nhân, các công nghệ AI đang thay đổi hoạt động giáo dục.

Theo Sixthtone; CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ