Thủ tướng Hà Lan sắp mãn nhiệm, Mark Rutte, đã đến Phần Lan hôm 13/6/2024 để hội đàm với Tổng thống Alexander Stubb và Thủ tướng Petteri Orpo về an ninh châu Âu, bao gồm cả hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Trong buổi hội đàm, Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb đã tiết lộ với các phóng viên rằng, ông Rutte có khả năng trở thành Tổng Thư ký tiếp theo của khối quân sự do Mỹ đứng đầu, sau khi nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia thành viên của khối, Reuters đưa tin.
Được biết, Tổng Thư ký NATO hiện tại Jens Stoltenberg sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 10/2024.
Nhiệm kỳ của ông Stoltenberg đã được gia hạn nhiều lần khi liên minh tìm cách duy trì sự lãnh đạo vững chắc sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022.
Theo quy định của NATO, tổng thư ký phải được quyết định "bằng sự đồng thuận", nghĩa là Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cần sự ủng hộ tuyệt đối của tất cả các thành viên khối.
Tuy nhiên, trước đó, các thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary đã từng bày tỏ sự dè dặt về ứng cử viên Rutte, và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trước đó cũng không đưa ra cam kết nào cho việc này.
Hungary, đã liên tục phản đối lập trường của khối về xung đột Ukraine, lập luận rằng, khối này đang tiến gần hơn đến chiến tranh với Nga.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng cảnh báo trong tuần này về "tâm lý chiến tranh" ở EU liên quan đến xung đột Ukraine.
Bất chấp những bất bình, truyền thông Hà Lan tuần này đưa tin rằng, nhà lãnh đạo Budepest đang tiến gần hơn đến việc ủng hộ ông Rutte trở thành người kế nhiệm Tổng thư ký NATO hiện tại.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã nói với các đồng minh NATO của mình rằng, Ankara ủng hộ ứng cử viên Thủ tướng Hà Lan sắp mãn nhiệm Rutte cho vị trí tổng thư ký NATO.
Tổng Thư ký NATO là người chịu trách nhiệm chủ trì các cuộc họp và hướng dẫn tham vấn giữa các nước thành viên để bảo đảm NATO là tổ chức hoạt động dựa trên sự đồng thuận.
Tổng Thư ký NATO cũng sẽ lên tiếng thay mặt cho tất cả quốc gia thành viên, đồng thời bảo đảm những quyết sách của liên minh được đưa vào hành động.
Bất cứ ai trở thành Tổng Thư ký NATO nhiệm kỳ tới sẽ phải giải quyết một loạt thách thức, trong đó phải cân đối kế sách hỗ trợ Ukraine, đồng thời ngăn chặn những sự cố có thể leo thang thành xung đột trực tiếp với Nga.