Afghanistan: Tan vỡ giấc mơ đại học

GD&TĐ - Trong bối cảnh lực lượng Mỹ và NATO rời đi, quân nổi dậy Taliban mở rộng phạm vi hoạt động tại các khu vực do chính phủ Afghanistan kiểm soát trước đây.

Nữ sinh Afghanistan.
Nữ sinh Afghanistan.

Điều này đang khiến hy vọng được học đại học của những người Afghanistan trẻ tuổi tan thành mây khói.

Học tập gián đoạn

Những người trẻ tuổi Afghanistan cảm thấy đang chứng kiến nhiều thành quả đạt được trong vài thập kỷ tương đối hòa bình đã mất đi. Đó là khi những nỗ lực nhằm đạt một giải pháp chính trị của đất nước không mang lại kết quả. Trong khi đó, xung đột tiếp tục nhấn chìm những vùng lãnh thổ yên bình trước đây.

Trong vòng vài tuần sau khi Tổng thống Joe Biden thông báo về việc rút quân Mỹ vào tháng 5, Taliban đã chiếm khoảng một nửa trong số gần 400 quận của Afghanistan.

Trong một tuyên bố mới đây, Taliban cam kết sẽ không làm tổn hại tới hệ thống giáo dục đại học và sẽ thúc đẩy, củng cố hệ thống này. Tuy nhiên, người Afghanistan trẻ tuổi vẫn lo sợ. Nhiều người tìm cách chạy trốn các cuộc giao tranh ở các khu vực do Taliban kiểm soát.

Fazila Ashna đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học nhưng phải gói đồ chạy từ Maalistan ở miền Trung Afghanistan đến thủ đô Kabul bởi những trận chiến đường phố ác liệt. Tuy nhiên, thật khó để cô có thể tiếp tục việc học của mình ở một thành phố xa lạ mà sự bất ổn luôn chiếm ưu thế.

Cô cho biết, mẹ cô không thể mang theo tất cả tư trang vì lo sợ Taliban có thể tiếp quản thủ đô.

Taliban kiểm soát khoảng 3/4 lãnh thổ Afghanistan từ năm 1996 - 2001. Cho đến khi bị Mỹ đánh đuổi sau vụ tấn công 11/9/2001, Taliban đã áp dụng luật Sharia, bao gồm các quy định nghiêm ngặt về giáo dục, trang phục, hành vi của phụ nữ. Nhiều người bị giới hạn và phải ở trong nhà.

Cùng với các nhóm chiến binh khác, Taliban tiếp tục thực hiện một chiến dịch dài hơi tấn công vào trường học, giết người và đe dọa giáo viên…

Trường Đại học Ghazni.
Trường Đại học Ghazni.

Mặc dù hoàn cảnh sống bó buộc ở Kabul, Ashna cho biết, cô thích dãy cửa hàng sách và nhiều cơ sở giáo dục công lập trong đô thị nhộn nhịp này. “Tôi muốn trở thành một kỹ sư. Tôi mơ xây một ngôi nhà 10 tầng cho gia đình mình ở trung tâm thủ đô Kabul để có thể ngắm nhìn thành phố xinh đẹp từ tầng thượng mỗi đêm”, Ashna nói.

Khen ngợi sự chăm chỉ và kể về mong muốn được học cao hơn của con gái, nhưng mẹ của Ashna, bà Fahimeh Ashna cho biết rất đau lòng khi thấy tình hình đang xấu đi một cách nghiêm trọng. Bà kể, vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi còn trẻ, bà cũng từng di cư khỏi Afghanistan và thực sự không muốn di cư lần nữa.

Trong khi đó, Jawed Sultani sinh viên ngành Văn học Anh tại một trường đại học thuộc trung tâm tỉnh Ghazni cũng đang thấy giấc mơ học tập của mình tan theo mây khói.

Trong cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và quân nổi dậy Taliban mới đây, một quả đạn cối rơi trúng ngôi nhà của anh ở khu phố Ghazni làm mái nhà bị vỡ và khiến cả gia đình hoảng sợ. Cuộc giao tranh kéo dài ít nhất 4 ngày và ngay sau khi mọi sự lắng xuống, gia đình anh vội vã đến Kabul với bất kỳ thứ gì có thể mang theo.

“Tôi gần như đã từ bỏ ước mơ học đại học ở London. Điều khiến tôi lo lắng bây giờ là sự an toàn của cha mẹ và tương lai những đứa em, chúng cũng không thể hoàn thành tốt việc học của mình”, Sultani nói, cảm giác tuyệt vọng hiện rõ trên đôi mắt.

Mới 2 năm trước, khi một trại tị nạn tạm được xây dựng ở tỉnh Ghazni, Sultani chuyển đến đó cùng cha mẹ với hy vọng có một khởi đầu mới sau nhiều thập kỷ sống tị nạn khổ sở ở Pakistan. “Mặc dù có ít phương tiện và nguồn lực, nhưng tinh thần của chúng tôi rất tốt. Chúng tôi đã dự định xây dựng một ngôi nhà nhỏ nhưng gọn gàng, xinh đẹp trên mảnh đất chính phủ cấp khi chúng tôi khi trở về Afghanistan”, anh nói.

Sinh viên Afghanistan trong lớp học.
Sinh viên Afghanistan trong lớp học.

Lo sợ

Với Sultani, trong những năm đầu hồi hương, mọi việc diễn ra tốt đẹp. Anh học xong trung học và tiếp tục có một suất vào Khoa Văn học Anh của Đại học Ghazni sau khi vượt qua kỳ thi đại học khó khăn.

Nhờ đam mê và được tiếp xúc với tiếng Anh trong trại tị nạn ở Pakistan, Sultani cho biết anh mau chóng vượt trội trong học tập. Anh thậm chí còn tìm được việc dạy ngôn ngữ tại một cơ sở tư nhân ở thành phố - nơi đã tạm thời rơi vào tay quân nổi dậy Taliban 3 lần trước đây.

Anh còn mơ ước theo học tại một trường đại học ở London, nhưng giấc mơ đã vụt tắt khi quân Taliban chiếm Ghazni năm 2018. Vào mùa hè năm đó, một trận chiến ác liệt đã nổ ra giữa quân chính phủ và Taliban. Khi đó Taliban đã kiểm soát thành phố này trong gần 2 ngày trước khi bị đánh bật.

“Giờ đây, khi giao tranh bùng phát trở lại, tôi hầu như không rời khỏi nhà để đi học hoặc đi dạy” – anh nói khi nhớ lại cuộc tấn công dữ dội của Taliban trước đây. Những ký ức về cuộc nội chiến đầu những năm 1990 và nỗi sợ hãi về một cuộc tiếp quản mới của Taliban đã bắt đầu ám ảnh mọi người.

Bị buộc phải từ bỏ ngôi nhà mới xây đầy màu sắc và những giấc mơ, gia đình anh đến Kabul và trú ẩn tại nơi ở của một người họ hàng trong gần một tháng nay với rất ít hy vọng về hòa bình.

Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan, Taliban đã phát động cuộc tấn công chống lại chính phủ Afghanistan. Từ tháng 5 đến nay, Taliban đã kiểm soát được gần một nửa số quận của Afghanistan – theo tạp chí Long War.

Tạp chí trên cho biết, chiến lược kéo dài nhiều năm của Taliban là giành ảnh hưởng ở các vùng nông thôn để gây áp lực lên các trung tâm dân cư. Trong nhiều trường hợp, lực lượng an ninh Afghanistan đã đầu hàng và nộp vũ khí.

Ước tính của Cơ quan Thống kê và Thông tin Quốc gia Afghanistan cho thấy, có 63,7% người dân nước này ở độ tuổi dưới 25 (độ tuổi đi học) và hệ thống giáo dục ở đây đang phụ thuộc rất lớn vào hỗ trợ quốc tế.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.