Cải thiện đáng kể số lượng tuyển sinh nhưng chất lượng vẫn là vấn đề nhức nhối tại quốc gia vẫn chìm trong xung đột và bất ổn này…
Còn hàng triệu trẻ thất học
Thầy giáo Khanadin Talash, 58 tuổi, đã có 3 thập kỉ giảng dạy tại các trường công trước khi chuyển sang trường tư. Vào dịp khai giảng năm học mới hồi đầu tháng Ba vừa qua, thầy Talash chia sẻ rằng chất lượng giáo dục trường công đang ở trong một tình trạng đáng lo ngại: Các lớp học quá đông học sinh, điều kiện dạy học thiếu thốn… - dẫn tới nhiều phụ huynh chuyển cho con sang học trường tư.
Theo Talash – nay là Hiệu trưởng Trường tư Bakhtar Aale Lycee tại Kabul – quy mô lớp học ở trường công phổ biến là 70 em và giáo viên thường thiếu năng lực.
“Toàn bộ hệ thống trường công đang đổ vỡ. – Talash nhấn mạnh – Hầu hết học sinh tốt nghiệp THPT không vượt qua kì thi tuyển sinh đại học – và không còn lựa chọn nào khác là di cư bất hợp pháp sang châu Âu, lao động nặng nhọc với khoản tiền công ít ỏi hoặc gia nhập phiến quân”.
Sau 1,5 thập kỉ thành lập chính phủ và từ nguồn viện trợ quốc tế, Afghanistan hiện có 17.482 trường công và 259 trường tư đăng kí – theo số liệu chính thức. Các trường này đã tiếp nhận 9,6 triệu học sinh và tăng thêm 1 triệu học sinh trong năm học mới này.
Tuy nhiên theo các tổ chức phi chính phủ, vẫn có khoảng 3,7 triệu trẻ em thất học. Hàng trăm nghìn em khác cũng sẽ gia nhập đội quân thất học khi cùng gia đình hồi hương từ Pakistan. Chưa kể tới số trẻ em bỏ học hàng năm. Tổ chức Save the Children dự báo hơn 400.000 trẻ em Afghanistan bỏ học trong năm nay.
Nỗi lo chất lượng
Chuẩn chất lượng giáo dục được phản ánh qua số học sinh vào được đại học. Theo Faisai Amin - Phát ngôn viên Bộ Giáo dục đại học, dự kiến có 300.000 học sinh THPT dự thi tuyển sinh đại học. Nhưng chỉ có khoảng 70.000 trong số này, hầu hết trong độ tuổi khoảng 20, sẽ thi đậu.
Đối với những phụ huynh như Omar Amin, ông bố có 5 con hiện làm việc cho một đài truyền hình, học ở trường phổ thông tư nhân sẽ có cơ hội đỗ đại học lớn hơn.
“Có nhiều trường tư tại Kabul và những thành phố khác có chất lượng giáo dục tốt mà giá cả phải chăng, vậy tại sao lại mạo hiểm với tương lai của trẻ” – Omar Amin bày tỏ quan điểm.
Tổng thống Ashraf Ghani gần đây đề nghị cải cách và cải thiện giáo dục, trong khi Phó Tổng thống Sarwar Danish tuyên bố thất học là “kẻ thù thầm lặng” của đất nước
. “Chúng ta đã vượt qua một chặng đường dài và đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực giáo dục sau khi chế độ Taliban sụp đổ nhưng sự thực là có quá nhiều trẻ vẫn thất học” – Danish nói.
Để đẩy mạnh giáo dục tại quốc gia có tới 67% dân số thất học, Danish đã đề nghị sự hỗ trợ từ các nhân vật uy tín ở địa phương để quá trình tuyển dụng giáo viên được minh bạch hơn. “Chúng tôi đặt mục tiêu nâng tỉ lệ người biết chữ lên hơn 60% vào năm 2020” – Danish cho biết.