Trong đó, có 9 ca tử vong. Từ giữa tháng 9 đến nay, số ca bệnh có xu hướng tăng nhanh. Tuần từ ngày 12 - 18/9 ghi nhận 168 ca. Tuy nhiên, tuần từ 26/9 - 2/10 ghi nhận gần 1.150 ca. Trong 3 tuần, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận gần 2.900 trẻ mắc Adenovirus. Bệnh nhân chủ yếu từ 1 - 3 tuổi.
Đến sáng 3/10, Bệnh viện Nhi Trung ương còn khoảng 300 ca mắc virus Adeno đang được điều trị. Hiện, có hơn 40 ca nặng, nguy kịch. Trong đó, có 6 bệnh nhân thở máy, 2 ca ECMO (tim phổi ngoài lồng ngực), 2 ca lọc máu, 35 bệnh nhân thở oxy.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, bệnh do Adenovirus là bệnh truyền nhiễm đã lưu hành từ lâu, không phải mới nổi. Tuy nhiên, virus này có khả năng gây ra nhiều bệnh khác nhau như viêm phổi, đau mắt đỏ… Đồng thời, có khả năng đề kháng, chịu đựng với khí hậu hay các chất khử khuẩn bề mặt cao so với các loại virus khác như SARS-CoV-2.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), Adenovirus có thể gây bệnh viêm kết mạc 2 bên, phù mi mắt và tổ chức xung quanh hố mắt. Khởi đầu có sốt nhẹ khoảng 3 - 5 ngày, viêm mũi, viêm họng, sưng hạch 2 bên cổ, đau mắt, sợ ánh sáng, mắt mờ.
Khoảng 7 ngày sau, có tới 50% bệnh nhân có những đám thâm nhiễm tròn trên giác mạc. Những đám này nhỏ và cuối cùng có thể tạo thành đám loét. Bệnh có thể kéo dài 2 tuần. Bệnh nặng có thể để lại những vết mờ trên giác mạc, làm ảnh hưởng đến thị giác trong vài tuần hoặc đôi khi để lại sẹo vĩnh viễn.
Trong khi đó, tuýp 8, 9 và 37 của virus Adeno có thể gây dịch viêm giác - kết mạc. Bệnh lan truyền thành dịch, có liên quan tới nguồn lây chung là đau mắt và khăn mặt.
Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp. Đồng thời, có thể lây qua niêm mạc do bơi lội hoặc nguồn nước rửa bị ô nhiễm dịch tiết từ mắt, mũi hang, phân của bệnh nhân, hoặc tiếp xúc gián tiếp qua đồ dùng của bệnh nhân bị nhiễm Adenovirus.
Theo ThS.BS Lê Phi Hoàng - Bệnh viện Mắt Hà Đông, song song với hệ hô hấp, virus Adeno cũng thường xuyên tấn công kết mạc mắt. Từ đó, gây ra biểu hiện viêm kết mạc cấp do virus, còn gọi là đau mắt đỏ.
Bệnh có thể biểu hiện ở cả hai mắt cùng lúc hoặc bắt đầu ở một mắt, sau đó lây sang mắt còn lại. Biểu hiện sớm và nổi bật nhất của bệnh là đỏ mắt. Những ngày đầu, mắt đỏ nhẹ, sau đó đỏ nặng dần lên kèm theo sưng nề mi. Bệnh nhân tiết nhiều ghèn gỉ đặc màu xanh vàng, đặc biệt là vào buổi sáng.
“Bệnh nhân chảy nước mắt rất nhiều do kết mạc bị viêm kích thích các tuyến tiết nước mắt. Thông thường, bệnh nhân chỉ cảm thấy mắt cộm vướng nhẹ hoặc ngứa nhẹ mà không đau nhức. Nếu bệnh nhân cộm vướng, kích thích nhiều hoặc đau nhức mắt, khả năng cao đã có tổn thương trên giác mạc, cần phải hết sức chú ý”, bác sĩ Hoàng lưu ý.