9X mở lối từ Việt Nam vào thung lũng Silicon

Sinh ra ở Ninh Thuận, Châu Thanh Vũ (sinh 1992) đến TP HCM, học Trường Phổ thông Năng khiếu, chuyên Tin học (ĐHQG TP HCM) theo đuổi đam mê “trở thành Kỹ sư phần mềm ở thung lũng Silicon”.

Châu Thanh Vũ
Châu Thanh Vũ

Vũ nhận học bổng đào tạo Công nghệ thông tin tại Học viện Massachusetts (Mỹ). Nhưng khi gần chạm đến giấc mơ nhất, Vũ đưa ra một quyết định gây bất ngờ cho tất cả: Đổi ngành học, đổi trường học. Hiện tại, Vũ đang học năm thứ ba, khoa Kinh tế, ĐH Princeton (Mỹ).

Cho đến bây giờ, Vũ vẫn chưa một lần hối tiếc khi đổi ngành học. Vũ không phủ nhận vai trò của Công nghệ thông tin trong sự phát triển của xã hội. Lựa chọn của Vũ đơn giản là một lựa chọn cá nhân nhưng đầy trăn trở của một người trẻ có góc nhìn riêng.

Bước ngoặt giữa hai con đường

“Mình học cho ai?” là câu mà Vũ thường tự hỏi trong 2 năm học ở trường United World College (UWC). Học trong môi trường đa văn hóa, nghe nhiều lý tưởng sống của học sinh đến từ 80 quốc gia, Vũ đã suy ngẫm lại mục đích sống trước khi nộp đơn vào đại học: “Một bạn người Mỹ muốn trở thành nhà làm phim để làm những thước phim tài liệu có sức nặng về biến đổi khí hậu.

Một bạn Ấn Độ dành nhiều thời gian ở các buổi họp quan trọng của Liên Hợp Quốc để đưa tiếng nói của tuổi trẻ đến với tổ chức này, trong khi một bạn khác đơn giản chỉ muốn lập một thư viện sách địa phương để đưa sách đến các gia đình nghèo. 

Những ước mơ ấy, dù lớn hay nhỏ, đều có ý nghĩa vượt qua cả lợi ích của bản thân và gia đình. Trường UWC dạy mình xác lập mục đích của việc học không chỉ cho bản thân mà cả những người xung quanh và rộng hơn là cả xã hội. 

Từ đó, mình luôn tự vấn: Công nghệ thông tin hay Kinh tế? Bằng công việc nào mình sẽ giúp ích cho xã hội nhiều hơn?”.

Khi sống ở Mỹ, Vũ nhìn rõ vai trò của công nghệ. Tuy nhiên, bên cạnh sự hào nhoáng của công nghệ cao và những hàng người chào đón một sản phẩm mới, còn có những cảnh nghèo, những người nhập cư cùng lúc làm vài công việc ở mức lương tối thiểu để nuôi sống gia đình. 

Vũ bộc bạch: “Với những người nghèo nhất, khái niệm thay đổi của họ không phải đến từ Facebook, Google, chiếc máy tính bảng mà từ chính sách hỗ trợ lao động, chính sách giá, chính sách thuế đúng đắn”.

Cuối năm 2010, Vũ đặt bút viết bài luận để nộp vào các trường đại học, anh chàng liên tưởng nhiều đến quê hương Ninh Thuận của mình. Những dòng luận về sức mạnh Công nghệ thông tin bỗng chốc trở nên khiên cưỡng. 

Trong những bài luận gửi đi các trường đại học, Vũ đã mạnh dạn viết ước muốn trở thành một nhà kinh tế học. Vũ nói: “Từ nhỏ, mình sống và học tập khá tự lập.

Chẳng hạn như quyết định thi vào trường Phổ thông Năng khiếu ở TP. HCM là quyết định mình đề xuất với bố. Dù mình quyết định như thế nào, miễn có lý do chính đáng, sẽ nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình”.

Không vô cảm trước “sự phân cực”

Nghiên cứu kinh tế để biết rằng, một chính sách sai lầm có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người lao động, đến sự phân hóa xã hội, đến tăng trưởng và tương lai của đất nước.

Vũ phân tích: “Lấy ví dụ, sự phát triển và phổ biến rộng rãi máy tính đã giúp nền kinh tế Mỹ tăng năng suất, phát triển vượt bậc. 

Tuy nhiên, trong cùng thời gian này (năm 1990), các nhà kinh tế học Mỹ không ngừng thu thập dữ liệu và nghiên cứu về hiện tượng “phân cực” (polarization) trong thị trường lao động. Theo đó, ngày càng nhiều người mất việc vì bị thay bằng máy tính và tự động hóa.

Mỗi sự phát triển công nghệ đều có mặt tích cực và tiêu cực kèm theo. Nếu không nghiên cứu kinh tế, ít ai biết được tỷ lệ ảnh hưởng tiêu cực kia. 

Mình nghĩ, đất nước mình đang thiếu những nhà kinh tế học để nghiên cứu và bảo vệ những nhóm người kém may mắn hơn trong quá trình phát triển. Mình đã lựa chọn để trở thành một nhà kinh tế học khi mình trả lời được câu hỏi: Mình đóng vai trò gì trong xã hội?”.

Câu chuyện của Vũ trong lựa chọn nghề nghiệp thực sự là một gợi ý cho người trẻ khi tìm hiểu ngành nghề, đặt bút đăng ký thi đại học hay có những quyết định hướng đi hệ trọng với cuộc đời mình.

“Không có một công thức cụ thể nào có thể khái quát được những nỗ lực cần thiết để đạt được học bổng của các trường đại học danh tiếng, ngoại trừ những yếu tố như mọi người đã biết là đạt điểm trung bình (GPA) và điểm thi SAT cao, quen thân với thầy cô để có thư giới thiệu tốt… 

Đối với bản thân, mình thấy kinh nghiệm rút ra sau quá trình nộp đơn vào đại học là phải hiểu rõ bản thân, trả lời được các câu hỏi: Mình thích gì?; Mình muốn làm gì trong tương lai?; Mình có những phẩm chất và giá trị nào?; Mình có những động lực nào mà có thể giúp mình trong những giai đoạn khó khăn? 

Bài Luận văn cá nhân trong hồ sơ xin học bổng là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với hội đồng tuyển sinh. 

Đặc biệt, khi nộp đơn vào các đại học lớn thì điều duy nhất phân biệt bạn với hàng ngàn ứng cử viên khác với các loại điểm gần như tuyệt đối là bài luận này”.

                                              Bảng vàng

- Học bổng Lawrence S.ting cho học sinh xuất sắc năm 2008, 2009.

- HCB Olympic Tin học 30/4/2008 cho khối lớp 10. HCV Olympic Tin học 30/4/2009 cho khối 11. Giải Nhì học sinh giỏi Tin học TP. HCM năm 2009. Giải Nhì học sinh giỏi Tin học Quốc gia 2009.

- Học bổng toàn phần để theo học trường liên kết thế giới (United World College) tại New Mexico, Mỹ trong 2 năm từ 2009 – 2011.

- Học bổng toàn phần để theo học 7 trường đại học ở Mỹ.

- Học bổng toàn phần của Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và các Khu vực của Princeton để tham gia một khóa học về Kinh tế – Chính trị Nhật Bản tại Tokyo và Tohoku, năm 2012.

- Học bổng toàn phần để thực tập tại khoa Thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Thế giới (FAO), năm 2013.

- Học bổng toàn phần để tham gia nghiên cứu về những nguy cơ hệ thống toàn cầu. Nhóm nghiên cứu được thành lập bới các giáo sư ở Princeton.

Theo Sinh viên Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ