Đó là một trong những nội dung được ông Vũ Đăng Minh - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ đề cập tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, chiều 9/9.
Liên quan đến nội dung bỏ thi thăng hạng, nâng ngạch công chức, viên chức, ông Minh trao đổi 3 nội dung. Thứ nhất, cơ sở pháp lý của việc tổ chức thi nâng ngạch hoặc thi thăng hạng. Thứ hai, cơ sở thực tiễn và thứ ba là tác động của xã hội.
Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ viện dẫn, theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2019, Điều 44 quy định, việc thăng hạng có thể thực hiện theo hai hình thức: thi hoặc xét. Luật đã phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Ngoài ra, tại Khoản 2, Điều 31 Luật Viên chức năm 2010 quy định, việc bổ nhiệm vào ngạch viên chức cao hơn có thể thông qua hình thức thi hoặc xét. “Như vậy, về mặt cơ sở pháp lý, Quốc hội đã cho phép việc nâng hạng hoặc nâng ngạch công chức sẽ được thực hiện theo hai hình thức thi hoặc xét. Việc này thuộc thẩm quyền của Chính phủ” – ông Minh nói.
Trao đổi về cơ sở thực tiễn, ông Minh nhấn mạnh, việc thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp đã được thực hiện từ khi có Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26/2/1998 đến nay.
Trong quá trình tổ chức thi, có một số khó khăn: Thứ nhất, theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức hiện hành, đã phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương ban hành các tiêu chuẩn, điều kiện để tổ chức thi. Tuy nhiên, hiện nay mới có một vài Bộ ban hành Thông tư hướng dẫn, còn nhiều bộ, ngành chưa ban hành thông tư. Do vậy rất khó để tiến hành tổ chức thi.
Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ nhìn nhận, việc chưa quy định nội dung thi chính là việc mà Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đề cập, thi chưa sát với yêu cầu vị trí việc làm cũng như công việc của viên chức. Vì vậy, thi còn hình thức, không phản ánh được thực chất của việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
Cũng theo ông Minh, viên chức được quy định vị trí việc làm chưa rõ ràng. Hiện, số lượng viên chức lớn, khoảng gần 2 triệu viên chức trong cả nước. Việc tổ chức thi hằng năm rất khó, số lượng tổ chức thi được rất ít.
Do vậy, những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện xếp hàng dài chưa được thi, ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao trình độ, quyền lợi chính đáng của đội ngũ viên chức, đặc biệt là giáo viên.
Đề cập đến vấn đề khó khăn khác, người phát ngôn Bộ Nội vụ cho hay, trong thi có tiêu chuẩn, điều kiện là: phải có chứng chỉ chuyên ngành. Ví dụ, phóng viên báo chí, muốn thi nâng ngạch báo chí phải có chứng chỉ chuyên ngành báo chí; tương tự, bác sĩ cũng vậy.
“Nếu chúng ta chưa tổ chức được việc học những lớp này thì chưa có chứng chỉ và chưa đủ điều kiện dự thi. Đây là rào cản, hạn chế trong quá trình thi” – ông Minh trao đổi, đồng thời cho rằng, quá trình thi rất tốn kém, phải chi phí rất nhiều cho ban tổ chức, thí sinh cũng phải bỏ thời gian ôn thi, đi lại tốn kém và chi phí xã hội rất lớn.
“Nếu chúng ta bỏ thi thăng hạng sẽ tiết kiệm được chi phí xã hội; đặc biệt hạn chế, giảm được thủ tục hành chính” – ông Minh nhìn nhận.
Đề xuất hướng giải quyết, ông Minh cho biết, theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ Nội vụ đã tiến hành lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương đánh giá tác động.
Kết quả, có 94/95 bộ, ngành, địa phương cũng như các đơn vị trực tiếp sử dụng viên chức đồng ý với việc bỏ thi thăng hạng viên chức. “Nếu chúng ta bỏ thi sẽ khắc phục được những vướng mắc, bất cập như tôi vừa trình bày ở trên. Vấn đề nữa là giảm được áp lực cho chính đội ngũ công chức, viên chức” – ông Minh nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Đăng Minh, điều quan trọng nhất là thi hay xét đều nhằm nâng trình độ công chức, viên chức, nếu đáp ứng được trình độ năng lực thì được bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức cao hơn.
Việc thi sẽ không sát thực tiễn, do vậy nếu chúng ta tổ chức sát hạch trực tiếp thì sẽ biết được trình độ năng lực thực thi công vụ của công chức, viên chức. Nếu chúng ta tổ chức xét, sẽ giải quyết được việc đánh giá đúng người, đúng việc và trình độ năng lực như thế nào để làm được việc đó.