Lãnh đạo Bộ GD&ĐT trả lời về xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên

GD&TĐ - Hình thức xét thăng hạng sẽ có tác động tích cực đến công tác phát triển nghề nghiệp đối với viên chức nói chung và đội ngũ nhà giáo nói riêng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi tại buổi họp báo Chính phủ chiều 9/9.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi tại buổi họp báo Chính phủ chiều 9/9.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, phóng viên đặt vấn đề, Chính phủ đồng ý nguyên tắc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, trong đó có giáo viên, điều này tạo thuận lợi gì và giúp cải thiện tình trạng giáo viên nghỉ việc như thế nào?

Trao đổi về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, bất cứ nghề nghiệp gì, cán bộ công chức, viên chức, người lao động đều mong muốn thăng tiến trong nghề nghiệp. Ai cũng muốn có cơ hội thăng tiến theo năng lực chuyên môn của mình.

Việc thực hiện chính sách về chức danh nghề nghiệp của giáo viên cũng là một trong những giải pháp để phát triển đội ngũ nhà giáo. Nhà giáo được thăng hạng, không chỉ chứng tỏ năng lực, trình độ chuyên môn của mình, mà kèm theo đó là chế độ, chính sách tiền lương.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thông tin, Bộ Nội vụ đã dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; trong đó có đề xuất bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.

Nếu đề xuất này thành hiện thực thì việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp chỉ thông qua hình thức xét, không còn hình thức thi. Điều này sẽ tác động tích cực đến công tác phát triển nghề nghiệp đối với viên chức nói chung và đội ngũ nhà giáo nói riêng.

Theo Thứ trưởng, dù thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đều nhằm mục đích đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn của nhà giáo; mà năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cần có quá trình giảng dạy, tự đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện.

Đối với hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, Thứ trưởng nhìn nhận, đã thi thì giáo viên phải học, ôn và chuẩn bị nội dung kiến thức; trong khi công việc giảng dạy vẫn phải đảm bảo. Điều đó khiến giáo viên mất nhiều thời gian, công sức…

Còn nếu thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì có những mặt tích cực hơn. Thay vì đánh giá qua bài thi, khi xét sẽ có hội đồng đánh giá. Việc đánh giá, nhận xét sẽ dựa trên quá trình công tác của giáo viên.

Việc này sẽ đảm bảo tính công bằng, minh bạch và chính xác hơn. Khi đó sẽ tạo động lực để giáo viên cống hiến, gắn bó với nghề và góp phần hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc, bỏ việc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.